Thói thường, nếu cái tâm được thả lỏng tự do chạy theo những trạng thái và thói tính khác nhau của nó thì nó có cảm giác được hạnh phúc ít nhiều. Nhưng loại hạnh phúc này luôn hàm chứa sự bất hạnh bên trong nó. Mỗi lần có bất hạnh nổi lên thì sự khổ đau và tuyệt vọng của chúng ta càng nặng đô hơn. Nó như có một vết thương. Nếu có vết thương nhiễm độc bên trong mà chúng ta chỉ trị liệu bề ngoài thì nó vẫn không hết khỏi.
Bề ngoài nhìn thấy tốt, nhưng sự nhiễm độc bên trong lan rộng ăn sâu, ta phải làm sao để cắt bỏ nó. Nếu bị nhiễm trùng bên trong mà ta chỉ điều trị bên ngoài thì sẽ không bao giờ hết. Bề ngoài chỉ là vậy, một chút hạnh phúc tạm thời, còn bên trong vẫn âm ỉ sự khổ đau tiềm tàng bộc phát.
Đường lối của thế gian này cũng giống vậy. Những vấn đề của thế gian chẳng bao giờ hết. Do vậy bao nhiêu luật lệ trên đời đã được chế ra cho những xã hội và xứ sở khác nhau để liên tục giải quyết những vấn đề của thế sự. Những luật lệ mới liên tục được lập ra để xử lý những vấn đề và tình trạng mới xảy ra trên đời. Luật lệ có thể giải quyết những vấn đề trong một thời gian nào đó, nhưng càng lúc càng phải lập ra thêm nhiều luật lệ và giải pháp khác để liên tục xử lý đủ loại vấn đề phát sinh. Thế gian này là vậy, tất cả những luật lệ liên tục được chế ra để giải quyết và cải thiện những vấn đề bề ngoài của xã hội. Đó chỉ là bề ngoài, không thể nào giải quyết tận gốc bên trong. Sự nhiễm trùng vẫn còn âm ỉ sâu bên trong, nên chúng ta luôn cần phải cắt bỏ nó tận gốc.
Người đời chỉ tốt ở bề ngoài, tốt từ lời nói và thể hiện bề ngoài. Lời nói nghe tốt đẹp và vẻ mặt trông hiền lành tử tế, nhưng tâm của họ không tốt đẹp gì lắm đâu.
Tâm chúng ta không thực tốt như vẻ bề ngoài. Khi chúng ta bước lên tàu và tình cờ gặp một người quen. Chúng ta hay nói: ''Trời, gặp anh tôi mừng quá; tôi vừa nghĩ đến anh đó! Tôi cũng định bữa sau đến thăm anh đây!''. Đó chỉ là lời nói như xã giao khách sáo. Chúng ta đâu có thực sự nghĩ như vậy. Chúng ta chỉ có vẻ tốt ở bề ngoài, những bên trong ruột trong tâm chúng ta đâu nghĩ tốt như vậy. Chúng ta chỉ nói vậy thôi, chứ ngồi với nhau sau một ly cà-fê hay ly trà là đường ai nấy đi thôi. Rồi sau này có tình cờ gặp, ta vẫn tiếp tục nói sáo nói rỗng như vậy. Cứ như vậy, chúng ta mở miệng ra là như thiệt, nhưng chỉ là bề ngoài, giả tạo. Thiên hạ tốt ở bề ngoài nhưng thường thì họ không thực sự tốt ở trong lòng.
Bậc đại sư [Phật] đã chỉ dạy về Giáo Lý và Giới Luật. Giáo lý và Giới luật là đầy đủ và thấu suốt. Không có gì hơn đó, và không có gì trong đó cần phải thay đổi hoặc bổ sung cho hợp với đời đại mới, bởi vì đó đã là rốt ráo, tột cùng; không có chuyện bị lỗi thời. (Những luật lệ thế tục thì cần phải được sửa đổi và bổ sung liên tục để kịp thời xử lý nhiều vấn đề và tình trạng mới liên tục xảy ra trong xã hội thế tục).
Giáo pháp và Giới luật là đầy đủ, và đó chính là nơi chúng ta đang hướng tới. Không cần phải thêm bớt gì cả, bởi vì đó là những lẽ thực tự nhiên, đó là chân lý, không cần thêm bớt gì cả. Đó là đúng lẽ thực. Đó là sự thật.
Do vậy, những Phật tử đến để lắng nghe những lời dạy của Giáo Pháp và học hiểu để biết những sự thật chân lý đó.
Nếu chúng ta hiểu biết chúng, tâm sẽ tiến vào Giáo Pháp.
Nếu tâm tiến vào Giáo Pháp, Giáo Pháp sẽ tiến vào tâm chúng ta. Khi nào tâm một người tiến vào Giáo Pháp thì người đó có sự sống an lạc, hạnh phúc, người đó có cái tâm được bình an. Lúc đó tâm có cách của nó để giải quyết những vấn đề khó khổ, không còn đường để thoái lui hay suy đồi.
Đau khổ và bệnh tật ôm lấy thân này, tâm có nhiều cách để giải quyết sự khổ đau đó. Tâm có thể giải quyết sự khổ đau đó một cách tự nhiên và không còn bị rớt vào tuyệt vọng hay sợ hãi nữa. Tâm không còn khổ đau, không còn sợ hãi về sự khổ, đau, già, bệnh, chết nữa. Lúc đó, khi đạt được gì chúng ta không lạc lối trong sung sướng, mừng vui. Khi mất nó chúng ta cũng không quá thất vọng, khổ sở. Được không quá khích, mất không quá sầu; chúng ta hiểu được bản chất của tất cả mọi sự ở trên đời: cái gì có rồi sẽ phôi phai và mất đi.
Với một thái độ như vậy, chúng ta có thể tạo nên con đường để đi trên thế gian này. Chúng ta trở thành người hiểu biết rõ ràng về thế gian (lokavidū). Rồi thì những nguyên nhân tạo ra khổ (samudaya) không còn được tạo ra nữa, và dục vọng (tanhā) cũng không còn. Lúc đó có mặt sự minh sát, tức sự nhìn thấy rõ ràng (vijjā: ngược lại với sự vô minh là avijjā)—đó là sự hiểu biết về mọi thứ đúng như chúng thực là. Và sự hiểu biết đó chiếu sáng thế giới. Nó soi chiếu nhìn thấy rõ những sự khen và chê. Nó soi chiếu rõ sự được và mất, sự vinh và nhục, sự sướng và khổ-- đích thực là gì. Nó soi chiếu rõ trong tâm của người tu về sự thật sinh, già, bệnh, chết.
Đó là lúc người tu đã đạt đến Giáo Pháp. Những người đó không còn tranh đấu với sự sống và không còn phải luôn tìm những giải pháp cho sự sống còn và sướng khổ ở trên đời. Họ giải quyết những thứ có thể được giải quyết, họ làm việc đó một cách phù hợp, đúng đắn với lẽ thực của thế giới.
Đó là cách Phật đã dạy: Phật đã chỉ dạy những người có thể được chỉ dạy. Những ai không thể được chỉ dạy thì Phật bỏ qua. Cho dù Phật không bỏ qua họ thì họ cũng đã tự loại bỏ chính mình—do vậy Phật bỏ qua. Mới nghe chuyện này quý vị chắc sẽ vội thắc mắc: đã là Phật thì làm sao lại thiếu tâm từ bi như vậy?. Này quý vị, nếu quý vị quăng bỏ trái xoài thúi đi thì đó là thiếu tâm từ bi hay sao?. Chúng ta không còn sử dụng được trái xoài thúi đó, vậy thì quăng đi là tốt mà, chỉ vậy thôi. Đâu còn cách nào để giáo huấn những người đó.
Phật cũng được kính phục là người thông thái trí tuệ nhất mà. Phật đã không gom hết mọi người và mọi thứ vào một đống hỗn độn. Phật được cho là có con mắt thiên nhãn có thể nhìn thấy rõ ràng mọi thứ mọi sự đúng những chúng thực là.
Phật là người hiểu biết thế gian. Người hiểu biết thế gian thì biết rõ mối hiểm họa của vòng luân hồi sinh tử (samsāra). Đối với chúng ta là những đệ tử của Phật, chúng ta cũng có thể hiểu biết như vậy. Nếu chúng ta hiểu biết mọi thứ trên đời đúng như chúng thực là, thì sự hiểu biết đó sẽ mang lại sự an lạc hạnh phúc thực thụ cho chúng ta. Những thứ gì là nguyên nhân tạo ra hạnh phúc và khổ đau cho chúng ta?—Hãy nghĩ kỹ về điều này!. Hạnh
phúc và khổ đau chỉ là những thứ chúng ta tự tạo ra cho chúng ta mà thôi. Khi chúng ta tạo ra cái ý tưởng rằng cái gì đó là ‘của ta’ hay là ‘ta’, thì ngay đó chúng ta bị khổ. Mọi thứ có thể có lợi hay có hại cho chúng ta, lợi hay hại là tùy thuộc vào hiểu biết và cách nhìn của chúng ta.
Thiền sư Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Khi tiễn khách xin nhớ “đóng cửa chậm 3 giây” (17/08/2015 3:55)
- Thế nào là giúp thành tựu điều tốt đẹp của người khác? (17/08/2015 3:48)
- Sống trên đời để làm gì (17/08/2015 3:12)
- Câu chuyện về Socrates và những tin đồn (16/08/2015 4:40)
- GS Ngô Bảo Châu: Tính vô thường giúp tôi cân bằng (16/08/2015 4:31)
- Tha thứ có thể cải thiện sức khỏe (16/08/2015 4:17)
- Vô thường và sự đổi thay (16/08/2015 4:07)
- Hiểu về tâm (16/08/2015 3:54)
- Bà La Môn đại hỉ (15/08/2015 4:08)
- Thực tập chuyển hóa (15/08/2015 4:01)