Tha thứ: chìa khóa giúp sống khỏe, sống vui

18/11/2015 3:54
Các nghiên cứu khẳng định rằng luôn có sự liên hệ giữa thể chất và tinh thần. Dễ thấy nhất là stress và suy nhược tinh thần sẽ tạo ra cảm giác mệt mỏi, uể oải. Hay là cách nhìn nhận tích cực về cuộc sống mang lại nhiều năng lượng hơn cho chúng ta. Hoặc là sức mạnh ý chí, quyết tâm sẽ giúp ta có sức chạy xa hơn và bền bỉ hơn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy sự liên hệ rõ ràng này giữa thân và tâm. Đó là: Giữ lòng đố kỵ và thù hận không những tạo ra sức nặng lên tinh thần mà còn không tốt cho thể chất của con người. Kết quả nghiên cứu này được ghi nhận trên tạp chí khoa học Tâm lý Xã hội và Cá tính Con người (Social Psychological & Personality Science).

Theo đó, các nhà khoa học cho rằng tha thứ cho một ai đó làm điều sai trái với mình là việc làm tốt cho cả sức khỏe (thể chất) và tinh thần của chúng ta.

Sức khỏe thể chất và tinh thần có liên hệ mật thiết với nhau

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Quản lý Rotterdam, Đại học Erasmus (Hà Lan) thực hiện nghiên cứu trên 46 sinh viên với 2 cuộc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm thứ nhất có liên quan đến một nửa số sinh viên, được yêu cầu viết về một lần họ bị tổn thương bởi người khác và họ đã tha thứ như thế nào.

Một nửa số sinh viên tham gia nghiên cứu, còn lại được mời viết về một lần họ bị tổn thương do người khác gây ra nhưng họ không chịu tha thứ và vẫn có cái nhìn tiêu cực về người đã gây ra lỗi đó.

Sau đó, sinh viên trong 2 nhóm nghiên cứu được mời đi bộ đến một vị trí gần một ngọn đồi và được yêu cầu dự đoán về độ dốc của ngọn đồi. Điều ngạc nhiên là các sinh viên viết về trải nghiệm bị tổn thương và tha thứ cho người gây ra lỗi thì có dự đoán rằng ngọn đồi ít dốc hơn các sinh viên thuộc nhóm còn lại (nhóm trải nghiệm sự tổn thương nhưng không tha thứ và có cái nhìn tiêu cực về người gây ra sai phạm với mình).

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả tương tự

Một nghiên cứu khác tiến hành trên 160 sinh viên thuộc Đại học Erasmus và Đại học Quốc gia Singapore, được chia thành 3 nhóm thử nghiệm. Nhóm thứ nhất viết về một trải nghiệm bị tổn thương và tha thứ cho người gây ra lỗi. Nhóm thứ hai viết về tình huống tương tự nhưng không tha thứ cho người gây ra lỗi.

Nhóm cuối cùng viết về một trải nghiệm tương tác (trong thời gian gần với thời gian tham gia nghiên cứu) với người xung quanh nhưng không có liên quan đến việc bị tổn thương hay tha thứ cho người gây ra tổn thương.

Sau đó, các sinh viên được cho tham gia bài kiểm tra thể lực để đo khả năng nhảy cao. Theo đó, các sinh viên viết về sự tha thứ có mức nhảy cao trung bình cao hơn các sinh viên không tha thứ hoặc có cảm giác tiêu cực. Tuy nhiên, sự khác nhau trong kết quả nhảy cao giữa các sinh viên có hành vi tha thứ và các sinh viên chỉ viết về các tương tác bình thường là rất nhỏ. Điều này cho thấy thái độ thù hằn sẽ làm “tăng thêm sức nặng” cho chúng ta.

Lợi ích của sự tha thứ chính là những kết quả mang tính xây dựng làm nền tảng cho sự biểu hiện bình thường và tốt đẹp của thể chất cũng như tinh thần. Các chuyên gia nhấn mạnh: Người hay tha thứ hay có hành vi tha thứ cho người đã gây ra sai phạm hoặc tổn thương với mình sẽ thấy ít nản lòng hơn về thế giới xung quanh và có sự biểu hiện thể chất tốt hơn đối với các nhiệm vụ thể chất mang tính thử thách cao.

Các nhà tâm lý học khẳng định, những “nạn nhân” không thể giảng hòa với người làm tổn thương mình sẽ luôn sống trong cảm giác bất lực. Trái lại, tha thứ mang đến cho ta ý niệm về sức mạnh tự thân và giá trị bản thân - chính điều này làm thúc đẩy khả năng và sức mạnh thể chất của mỗi người.

Ngoài ra, nếu mang sự thù hận trong người sẽ làm ta luôn phải suy nghĩ, làm giảm nhận thức và nguồn năng lượng để vượt qua các chướng ngại về thể chất (như khi leo núi hoặc nhảy cao...).

Theo Bệnh viện Mayo, tha thứ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giúp giảm lo lắng và stress, giúp hạ huyết áp cao, giảm nguy cơ suy nhược tinh thần, tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe tim mạch, giúp cải thiện các mối quan hệ. Thường xuyên buông bỏ các cảm xúc tiêu cực sẽ mang lại những tác động tích cực đáng kể cho cơ thể.

Có thể nói, kết gieo hận thù, hiềm khích là đang mang gánh nặng trên người - gánh nặng mà “nạn nhân” của nó mang theo cùng khi “cầm lái” con thuyền thể chất của mình. Trái lại, tha thứ lại làm nhẹ đi gánh nặng đó.

 

Trần Trọng Hiếu (theo Medical Daily)

Các tin tức khác

Back to top