Ở bất cứ tổ chức xã hội lớn nhỏ nào đều có những nội quy nhất định để ổn định trật tự và an toàn cho các thành viên trong tập thể ấy. Trong đạo Phật, tập hợp những nguyên tắc sống hòa hợp để đảm bảo cho đời sống tập thể của các đệ tử được thanh tịnh được gọi là Luật tạng. Đó là tập hợp những nguyên tắc, những điều khoản hướng dẫn cho mình đi đúng đường, tạo một ranh giới an toàn nhằm bảo vệ sự an ninh và tự do cho mình. Luật tạng ghi rằng “giới luật là thọ mạng của chánh pháp, giới luật còn, đạo Phật còn; giới luật mất, đạo Phật mất”. Điều này được rút ra từ lời dạy sau cùng của đức Phật cho các đệ tử “sau khi ta nhập diệt, giới luật sẽ thay Ta để làm thầy của các thầy. Ở đâu có giới luật thì ở đó có Ta. Nếu các thầy trong tăng chúng thực tập giới luật nghiêm chỉnh thì giáo pháp của Ta sẽ có thể tồn tại lâu dài, nếu không, giáo pháp của Ta sẽ dần bị hoại diệt”. Đồng thời, Ngài nói đến những tai hại khi vi phạm những nguyên tắc này cũng như những lợi ích khi tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc này. (Kinh Đại bát Niết bàn: Trường bộ kinh số 16).
Khi sống khép mình trong những nguyên tắc nhất định, ta có thể chế ngự tâm mình không để các ham muốn bản năng lôi kéo, nên ta được tự do tự tại để quyết định những gì cần làm. Stephen R.Covey đã viết: “Ta hoàn toàn có quyền chọn hành động của mình, nhưng không có quyền chọn kết quả của hành động” (“We are free to choose our actions, but we are not free to choose the consequences of these actions.”). Sống không tuân theo một chuẩn mực nào là nô lệ của của các cảm xúc, ham muốn và niềm đam mê mang tính bản năng, hoang dã và hầu như không có sự can thiệp của lý trí. Do đó, các hành động thực hiện trong “vùng mù” thiếu ánh sáng của lý trí thường mang tính tự phát, không định hướng, có khi đưa đến hậu quả không lường. Tự chủ liên quan đến việc chúng ta làm chủ và điều khiển hành động theo lý trí thay vì hành động theo cảm tính, thích gì làm nấy trong những tình huống cụ thể.
Tự chủ, tự kiềm chế mình trong khuôn khổ của nguyên tắc liên quan đến việc bỏ qua những niềm vui tầm thường trước mắt cho những mục tiêu cao hơn, lâu dài hơn của cuộc sống mà trong kinh thường gọi là “phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới.” (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương III, kinh số 46: Pātimokkha; Trung bộ kinh số 6: Kinh Ước nguyện, Kinh số 53: Kinh Hữu học, Kinh số 107: Kinh Ganaka Moggalana, Kinh số 108: Kinh Gopaka, Kinh 125: Kinh Điều ngự địa và nhiều kinh khác ở Tăng chi bộ kinh). Điều này đòi hỏi phải có ý chí, nghị lực và lập trường kiên định trên cơ sở nhận thức đầy đủ, rõ ràng việc mình làm.
Trích Làm Chủ Bản Thân - TG: Hằng Như
Các tin tức khác
- Kiên định với mục tiêu đề ra (12/12/2015 1:30)
- Sang không phải là ... (11/12/2015 11:54)
- Người ta thường không có thời giờ để nhìn lại chính mình (11/12/2015 4:47)
- Làm sao đo được cuộc đời? (11/12/2015 4:26)
- Giữ tâm điềm tĩnh (11/12/2015 4:11)
- Tích tài vật không bằng tích phúc báo (10/12/2015 4:01)
- Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình (10/12/2015 3:42)
- Sanh tử đại bệnh (10/12/2015 3:02)
- Quả báo hiện tiền ( 9/12/2015 3:23)
- Việc dễ của người dụng công lâu năm là công phu thầm lặng liên tục ( 9/12/2015 2:47)