Đi trên con đường của Phật pháp

3/01/2016 4:30
Lẽ dĩ nhiên, những ai muốn về nhà mình đến nơi đến chốn sẽ không chỉ giản dị ngồi yên một chỗ rồi suy tư về cuộc hành trình. Vị ấy phải thật sự dấn thân vào cuộc đi, bước từng bước một theo đúng chiều hướng, để cuối cùng về đến nhà. Nếu đi lạc đường họ có thể gặp phải những khó khăn như bị đầm lầy hoặc các chướng ngại khác, cản ngăn mà không thể đi bọc vòng quanh. Hoặc nữa, trong khi lầm đường lạc nẽo họ có thể rơi vào những hoàn cảnh hiểm nguy và sẽ không bao giờ về được đến nhà.

Người về đến nhà có thể nghỉ ngơi thoải mái và an giấc ngon lành -- nhà cửa mình là nơi có đầy đủ tiện nghi cho cả thân lẫn tâm. Giờ đây họ thật sự về đến nhà. Tuy nhiên, nếu khách lữ hành chỉ đi ngang qua trước nhà, hoặc chỉ đi vòng quanh nhà, thì không thọ nhận được lợi ích của người đã về đến tận nhà.

Cùng thế ấy, đi trên con đường nhằm đạt đến Phật Pháp là công trình mà mỗi người chúng ta, từng cá nhân, phải tự mình gia công nỗ lực, bởi vì không ai khác có thể làm cho ta. Và chúng ta phải dấn thân đi dài theo con đường Giới, Định, Tuệ cho đến khi tìm được quả phúc cao thượng của trạng thái tâm trong sạch, sáng ngời và thanh bình an lạc, vốn là quả lành của cuộc hành trình trên con đường. Dầu sao sự hiểu biết suông qua sách vở và kinh điển, qua những thời Pháp hay những bài kinh, chỉ giống như kiến thức của người xem bản đồ hay nghiên cứu kế hoạch đi đường, dầu có phải trải qua hằng trăm kiếp sống đi nữa, cũng sẽ không bao giờ biết được trạng thái trong sạch, sáng ngời, và thanh bình an lạc của tâm. Chỉ hoang phí thì giờ mà không bao giờ thành đạt những lợi ích của pháp hành. Các bậc Đạo Sư là những người chỉ vạch cho ta hướng đi trên con đường.

Sau khi đã nghe lời dạy của Thầy, có đi theo con đường cùng không, có gia công thực hành để thọ hưởng những quả lành của con đường cùng không, hoàn toàn do nơi mỗi người chúng ta.

Một lối nhìn khác là so sánh pháp hành với lọ thuốc mà vị bác sĩ trao cho bệnh nhân. Trên chai thuốc có những dòng chữ chỉ dẫn rành mạch với đầy đủ chi tiết về phương cách dùng thuốc. Tuy nhiên, dầu có đọc đi đọc lại hằng trăm lần những lời chỉ dẫn ấy, và chỉ làm có thế thôi, bệnh nhân ắt phải chết, không thọ hưởng lợi ích nào của thuốc. Có thể trước khi lìa đời người bệnh ấy sẽ chua cay trách móc, than phiền rằng thầy dở, thuốc xấu, không chữa được bệnh anh! Anh ta sẽ nghĩ rằng vị bác sĩ là hạng lang băm, hạng lương y giả mạo, còn thuốc thì không công hiệu, trong khi ấy anh chỉ phung phí thì giờ để quan sát lọ thuốc và đọc lời chỉ dẫn. Anh không theo đúng lời dặn của bác sĩ, không uống thuốc.

Nếu thật sự tuân hành theo lời chỉ dẫn của bác sĩ và đều đặn uống thuốc, bệnh nhân sẽ bình phục. Nếu là chứng bệnh trầm trọng bệnh nhân sẽ cần phải uống thật nhiều thuốc, còn như chỉ ốm đau sơ sài thì người bệnh chỉ cần uống một ít cũng đủ lành bệnh. Sở dĩ phải uống nhiều thuốc là vì chứng bệnh của ta trầm trọng. Đó chỉ là tự nhiên, và nếu thận trọng suy tư, tự chính ta có thể thấy rõ điều nầy.

Bác sĩ biên toa cho thuốc để tiêu trừ chứng bệnh của thân. Những lời dạy của Đức Phật được ban truyền để chữa trị những chứng bệnh tâm thần, đem tâm trở về trạng thái lành mạnh thiên nhiên. Như vậy Đức Phật có thể được xem là vị bác sĩ cho thuốc để chữa bệnh của tâm. Trong thực tế, Ngài là bậc Tối Thượng Y Vương trên thế gian.

Những chứng bệnh tâm linh ấy đều có hiện hữu bên trong mỗi người chúng ta, không loại trừ ai. Như vậy, mỗi khi thấy bệnh mà ta hướng cái nhìn về Pháp Bảo để tìm nương tựa, tìm phương thuốc trị liệu cho căn bệnh tâm linh của mình, thì có hợp lý chăng? Trên "con đường Phật Pháp" ta không đi bằng thân. Cuộc hành trình phải được trải qua bằng tâm mới thành đạt lợi ích. Và khách lữ hành có thể được phân làm ba nhóm người ở ba mức độ khác nhau như sau:

Mức độ thứ nhất: bao gồm những người hiểu biết rằng họ phải tự mình gia công thực hành, và họ cũng hiểu biết phải thực hành như thế nào. Họ quy y Tam Bảo, trở về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng và lập tâm nhất quyết chuyên cần thực hành Giáo Pháp. Những người ấy chỉ tự mình tách rời ra khỏi những phong tục tập quán quen thuộc mà họ đã theo, và dùng lý trí tự mình quán chiếu bản chất thiên nhiên của vạn pháp. Đó là nhóm người "Phật tử có đức tin".

Mức độ trung bình: bao gồm những người nỗ lực thực hành cho đến khi đức tin nơi Giáo Pháp trở nên vững chắc, tức niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng của mình không thể còn bị lay chuyển. Các vị nầy cũng thấm nhuần, tiến sâu vào sự hiểu biết bản chất thật sự của tất cả các pháp hữu vi. Các Ngài dần dần buông bỏ, giảm bớt bám níu và luyến ái, không nắm giữ sự vật, và tâm tiến đạt đến mức sâu sắc thấu triệt Giáo Pháp. Tùy thuộc mức độ buông bỏ -- tức không luyến ái -- và trí tuệ, các Ngài tiến dần từ bậc Tu Đà Huờn, Tư Đà Hàm, đến A Na Hàm, hay nói một cách giản dị, các Ngài tuần tự chứng đắc các tầng Thánh.

Mức độ cao nhất: bao gồm những vị mà pháp hành đã đưa các Ngài đến trạng thái thân, khẩu, ý của Đức Phật. Các Ngài đã vượt lên trên thế gian, ra khỏi thế gian, và qua khỏi mọi hình thức bám níu và luyến ái. Các Ngài được tôn là bậc A La Hán (Arahat), hoàn toàn giải thoát, mức độ cao siêu nhất trong các tầng Thánh.

 

Thiền sư Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top