Mài dũa gương tâm

26/02/2016 2:55
Cả chúng ta và đức Phật ban đầu đều có bản thể tâm tính bình đẳng như một, không sai khác gì nhau. Nhưng khác nhau ở cách đức Phật đã tu cái tâm ấy như thế nào để đối diện với những nghịch cảnh, chướng duyên trên con đường giải thoát và giác ngộ.
Thời xưa khi chưa tạo ra được gương soi giống như bây giờ, thì cha ông ta sử dụng những chiếc gương bằng đồng. Càng mài thì tấm đồng ấy sẽ càng bóng để dùng làm gương soi.

Chư Phật ví tâm của mỗi người đều như một chiếc gương bằng đồng lớn ấy.

Muốn biết nó có quang minh hay không thì hằng ngày chuyên chú chùi, mài, đổ công chẳng ngừng nghỉ thì khi bụi hết, ánh sáng sẽ hiện ra. Đem mọi vật soi vào gương thì dù vật ấy lớn như trời đất, nhỏ như hạt bụi nơi đầu sợi lông đều hiển hiện rõ ràng. 

Trong lúc vạn vật cùng hiện ấy mà gương vẫn trống rỗng, thông suốt, trọn chẳng có một vật gì. Điều này có nghĩa là khi chúng ta giác ngộ thì sẽ nhìn thấu được tột cùng nguồn gốc của mọi vật, trí tuệ được khai sáng để quán chiếu được mọi nơi.
 
Mọi vật hay mọi việc đều thông suốt, tỏ rõ nhưng tâm chúng ta lại rỗng như hư không, chẳng may may vướng bận điều gì. Tất cả mọi sự trên thế gian chỉ là phù du, ắt đến ắt đi, ta chẳng nên phiền não.

Đức Phật đã nói ai trong chúng ta cũng có sẵn cái tâm Phật. Nhưng điều quan trọng là làm sao để cái tâm ấy thức dậy rồi chiếu rọi quang minh, đưa ta đến được với bến bờ giải thoát. 

Chứ không phải biết mình có tâm Phật xong gật gù tấm tắc tự khen rồi thôi. Để cho cái tâm Phật ấy của mình mãi mãi ngủ quên trong thế gian nhiễm đầy ô trược này. 

Vậy làm thế nào để cái tâm ấy thức dậy? 

Chúng ta hãy tu từ những điều giản đơn nhất như dẹp trừ bớt phiền não của bản thân, đối trị và quyết dẹp trừ đi ba thứ đang dày vò bản thân mỗi ngày đó là tham, sân, si.

Ví như ta ngồi niệm Phật, có người cứ đi qua đi lại, rồi có người lại buông một câu:

- Dào ôi! Sống còn chẳng ăn ai, giờ còn ngồi lầm rầm như ma ám.

Hay “thích niệm Phật thì lên núi kiếm nơi khỉ ho cò gáy nào đó mà niệm có tốt không? Suốt ngày cứ ông ổng làm ảnh hưởng đến người khác.”

Hay khi chúng ta ăn chay thì người thì thầm, người lớn tiếng phản đối:

- Đời là mấy tí mà phải khổ thế. Bao nhiêu sơn hào hải vị mà chẳng biết thưởng thức…

Gặp trường hợp như thế chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ sân? Sẽ quát mắng những người chê bai, dè bỉu hay đàm tiếu chúng ta ư? Làm như vậy chẳng phải chúng ta đang chấp nhặt những lời đàm tiếu của người xung quanh và cho đó là thật, làm ảnh hưởng hay hạ thấp nhân cách của mình. 

Nhưng không, chúng ta đang là một người con của Đức Phật. Người không dạy các con của Người làm như thế. Người dạy nếu trong trường hợp đó thì chúng ta không khởi tâm phân biệt, không khởi niệm chấp mà chúng ta chỉ cần nhận biết: À, lại có người muốn thử chữ Nhẫn của mình đã thực thành chưa đây mà. Tâm vẫn hoan hỉ đón nhận chẳng hề sân si, rồi quên ngay những lời ấy để chúng như gió thoảng qua tai, tâm chẳng gợn chút phiền não.  

Ngay tại khoảnh khắc đó chẳng phải chúng ta đã tiến một bước gần hơn trên con đường giải thoát trở về với đấng Từ Phụ A Di Đà hiền dịu rồi hay sao?

Như vậy tâm phàm phu tới tâm Phật khoảng cách chỉ trong vòng một ý niệm. Ý niệm tốt tâm Phật của chúng ta sẽ sáng. Ý niệm xấu thì tâm Phật cả đời sẽ bị bỏ phế, mờ mịt, vô minh che khuất.

Tâm Phật là cái sẵn có trong tự thân mỗi chúng ta, chẳng phải đến từ bên ngoài; cũng giống như chiếc gương đồng kia vốn có sẵn quang minh vậy.

Nhưng quang minh ấy không phải tự dưng sẵn có mà chúng ta cần phải mài dũa, lau chùi, chăm chút cái gương cũng giống như mài dũa cái tâm của ta vậy. Dần dần lớp đồng ấy sẽ bong ra, tiếp đó, tấm gương sẽ ngày càng sáng rõ. Quang minh của tấm gương hay cũng chính là quang minh tâm Phật của chúng ta vậy…

“Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”
 
Kim Tâm - Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top