Biết người

11/03/2016 12:52
Biết người là kỹ năng nắm bắt được căn cơ trình độ, tâm lý đối tượng mình đang tiếp xúc. Kinh ghi: “Biết người là biết người hơn kẻ kém, người thắng kẻ liệt, người đáng được khen ngợi, kẻ đáng bị chỉ trích…”.

Biết như vậy không phải để phân biệt đối xử, mà để biết cách dùng phương tiện giáo hóa thích hợp. Trong quá trình giáo hóa, hướng dẫn một đoàn thể tu học, người hướng dẫn cần phải nắm rõ và hiểu rõ đối tượng mình hướng dẫn, để có phương pháp giáo hóa thích hợp. Người đáng được khen cần phải khen ngợi để sách tấn, nhưng người đáng bị khiển trách cần phải khiển trách nghiêm khắc để răn đe.

Nhưng quan trọng hơn hết, biết người là hiểu rõ được tâm tư, tình cảm, vướng mắc, khó khăn, khổ đau… của từng người, nhất là người tu tập, trong đời sống tâm linh có những vướng mắc và khó khăn gì để kịp thời hướng dẫn, giúp họ chuyển hóa. Đối với Phật tử, Đức Phật đề nghị chúng ta phải biết có hai hạng người: hạng người có niềm tin và hạng người không có niềm tin. Người có niềm tin cần nuôi dưỡng, người không có niềm tin cần gieo trồng hạt giống niềm tin cho họ.

Nhưng người có niềm tin cũng có hai hạng: thường đến gặp Tăng Ni và không thường đến gặp Tăng Ni. Người đến gặp Tăng Ni lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính lại có hai hạng: có thưa hỏi Phật pháp và không thưa hỏi Phật pháp. Có thưa hỏi Phật pháp lại có hai hạng: nhất tâm nghe giảng và không nhất tâm nghe giảng.

Nhất tâm nghe giảng cũng có hai hạng: nghe rồi thọ trì và nghe rồi không thọ trì pháp. Thọ trì pháp cũng có hai hạng: pháp có quán sát nghĩa và pháp không quán sát nghĩa. Nghe pháp có quán sát nghĩa lại có hai hạng: biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, tùy pháp thuận, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng đến pháp tùy pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp.

Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian, không cầu nghĩa lợi và lợi, không an ổn khoái lạc cho trời và người.

Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quý, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.

Tựu trung những điều trên là nói đến kỹ năng nhận biết một người Phật tử có bốn đức tính dự lưu hay không. Bốn đức tính đó là: thân cận thiện sĩ (gần gũi Tăng Ni), thính văn Chánh pháp (tức nghe, học giáo lý), như lý tác ý (chiêm nghiệm, quán chiếu ý nghĩa của pháp) và pháp tùy pháp hành (ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống).

Nhận biết về một Phật tử như vậy không phải để rồi nghiêng về bên này bỏ bên kia, hay đề cao người này xem nhẹ người kia… mà để có những phương pháp cụ thể để hướng dẫn cho họ tu tập, làm tăng thượng tâm cho người đã phát tâm và khiến cho người chưa phát tâm được phát tâm tu học.

Như vậy là bảy pháp, gồm biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết người - mà bất kỳ một ai, nếu thành tựu, đều được sống hoan hỷ và an lạc trong Chánh pháp.

 

Trích Bảy Bước Đi An Lạc - Nguồn: GNO

Các tin tức khác

Back to top