Một hôm, thầy ngồi dưới gốc cây vô ưu thiền quán tinh chuyên, nên thấy rõ nhân duyên thật giả trong cuộc đời, do đó phát sinh định tỉnh và hỷ lạc, cảm nhận được phút giây bình yên nhất trong cuộc đời từ trước đến nay. Thầy hoan hỷ thốt lên, ôi thật hạnh phúc thay! Ôi thật hạnh phúc thay! Các vị Tỳ kheo đang tu tập gần bên, tưởng thầy than phiền đời sống xuất gia quá cơ cực, bần hàn. Ai cũng nghĩ, chắc thầy đã quen đời sống xa hoa vương giả ngoài đời, vì bất đắc dĩ mà phải xuất gia nên không kham nỗi cuộc sống nhà thiền muốn ít, biết đủ.
Phật biết nhân duyên tốt lành của người đệ tử, đã thật sự cảm nhận được pháp lạc từ sự buông xả các quyền lực và lợi dưỡng thế gian, nên mới thốt lên những lời mầu nhiệm như thế. Để động viên và sách tấn quý thầy tu học, Phật cho mời tất cả bốn chúng lại để kiểm nghiệm sự thật, của vị đệ tử từng có quyền cao chức trọng, nay đã khép mình vào chốn thiền môn. Phật hỏi, này đệ tử có phải tối hôm qua con thốt lên câu, hạnh phúc quá phải không? Vậy con có thật sự được hạnh phúc hay không? Con hãy trình bày cho tất cả đại chúng được biết rõ ràng.
Quả thật con rất ư là hạnh phúc chưa từng có từ trước đến nay, thưa đức Thế tôn. Khi chưa xuất gia tu học, con là vị quan tổng trấn tối ngày bận rộn lo toan với đủ thứ công việc. Tuy con sống trong giàu sang, phú quý và quyền lực, nhưng con chưa có một ngày an lạc hạnh phúc thật sự, vì phải bất an, lo lắng, sợ hãi đủ điều. Nào là sợ giặc bên ngoài xâm lăng, cho nên lúc nào binh lính cũng tập dợt phòng thủ để sẳn sàng ứng chiến dẹp loạn. Rồi nỗi sợ hãi những người giúp việc cho mình sợ họ manh nha lật đổ. Cho nên cuộc sống của con không có một ngày bình yên thật sự, tuy được sống trong giàu sang uy quyền và thế lực.
Ngày nay được tắm mình trong giáo pháp của Thế tôn, được sự chỉ dạy tận tình của Người, con như kẻ lầm đường lạc lối bị bóng tối vô minh che phủ, nay nhờ ánh sáng giác ngộ mà vượt qua mê lầm từ muôn kiếp. Hôm qua, trong lúc tọa thiền con cảm nhận được phúc lạc bình an nhất trong cuộc đời, cho nên mới thốt lên những lời như thế, làm tác động và ảnh hưởng đến sự tu học của đại chúng, cho con xin được thành tâm sám hối.
Không, con không có lỗi lầm gì cả. Con người sở dĩ đau khổ và làm tổn hại cho nhau chỉ vì ham muốn quá đáng, cái gì cũng muốn tóm thâu về cho mình, nên khi có quyền hành và thế lực, thì tìm cách bóc lột và vơ vét. Quyền lực lúc nào cũng đi kèm với quyền lợi và sắc đẹp, chính vì thế mà không biết bao người đã tàn nhẫn giết hại lẫn nhau để bảo vệ quyền lực, khi được thì sợ người tranh giành nên tìm cách hạ bệ người khác, dẫn đến oan gia trái chủ, ân oán hận thù nhiều đời không có ngày thôi dứt.
Vị quan tổng trấn đã từng nắm quyền hành gần hai chục năm, tuy đang sống trong giàu sang danh vọng, nhưng thực ra chưa có một ngày sống bình an thật sự. Lúc nào cũng sống trong lo âu và sợ hãi. Nhân duyên xuất gia vì nể lòng người bạn, không phải vì mục đích giác ngộ và giải thoát. Nhưng, nhờ sống gần gũi chư vị Thánh tăng, nương theo lời dạy của Phật nên thầy đã cố gắng tinh cần tu tập, do đó cảm nhận được sự an lạc hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, chẳng phải tìm kiếm đâu xa.
Đây mới thật sự là một thứ quyền lực đích thực, mà không ai có thể cướp được vì xuất phát từ nội tâm thanh tịnh trong sáng mà ra. Người đời vì không biết nên cứ mải mê chạy theo tranh giành triệt buộc lẫn nhau, để được một thứ quyền lực tạm bợ bằng xương máu và nước mắt của nhiều người. Cuối cùng chuốc họa vào thân, đến khi chết ra đi với hai bàn tay trắng và chỉ mang theo vạn khối sầu do nghiệp xấu chiêu cảm.
Nhiều người lầm tưởng rằng có tiền tài, danh vọng, địa vị là hạnh phúc nên khi có quyền hành tìm cách vơ vét thu gom về cho mình, do đó càng thêm gây thù chuốc oán, mang đau thương mất mát đến cho nhiều người, thì làm sao có được hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc theo cách nhìn của người con Phật là tâm không dính mắc vào sự thành bại, nên hư, được mất của thế gian. Khi được giàu sang danh vọng, quyền cao chức trọng, cũng không tự mãn kiêu ngạo hoặc khi nghèo khó thiếu thốn vẫn không buồn lòng, vì biết tất cả là nhân duyên vô thường. Khi có phước báo đầy đủ thì muốn gì được nấy, do đó người con Phật phải chú trọng việc gieo trồng phước đức và siêng tu trí huệ. Người tu có phước mà không có trí tuệ, thì đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng vẫn còn bị tham lam, sân giận, si mê chi phối do đó khó vượt qua biển khổ sông mê. Ngược lại, người có trí huệ mà không gieo bòn phước đức thì chẳng giúp ích gì cho nhân loại, chỉ được thảnh thơi an lạc cho riêng mình mà thôi. Như có một tu sĩ thời Phật còn tại thế, do siêng tu trí tuệ nên đã chứng quả A La Hán, nhưng ngược lại do không đóng góp giúp ích gì cho ai, nên từ khi mở mắt chào đời cho đến khi viên tịch đều phải chịu thiếu thốn đói khát. Cho nên người con Phật phải biết quân bình phước huệ song tu, vừa có phước vừa có trí tuệ thì không bị luyến ái khổ đau ràng buộc. Lúc sống thì dấn thân phục vụ đóng góp vì tất cả chúng sinh, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình, đến khi hết duyên đời thì tự tại ra đi không một chút luyến tiếc.
Cuộc đời này ai cũng có ước mơ đáng quý và trân trọng, nhưng vì không có hiểu biết chân chánh nên dễ rơi vào chỗ si mê, tối tăm, mờ mịt. Vì thấy biết sai lầm, nên cứ tưởng rằng có quyền cao chức trọng là đem lại hạnh phúc, nhưng chúng ta không ngờ rằng thuyền to thì sóng lớn, như người đang nằm trên chảo dầu đang sôi sùng sục mà không biết. Thế gian này sẽ không có hạnh phúc thật sự, nếu chúng ta sống mà không có niềm tin, không biết áp dụng nhân quả vào trong đời sống hằng ngày. Và chúng ta, cũng phải tự tin chính mình có khả năng làm được những đều tốt lành, để giúp ích cho nhân loại vượt qua cạm bẩy cuộc đời.
Con người thường khổ đau phiền muộn vì quá đam mê, tham đắm quyền lực, được thì càng thêm tham, không được thì oán hận thù hằn. Do đó, tạo ra sự mâu thuẩn đối kháng trong cuộc đời, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, giết hại lẫn nhau tranh danh đoạt lợi trên sự khổ đau của nhiều người. Nhưng lòng tham muốn của con người thì vô cùng vô tận, nhưng mấy ai được như ý trọn vẹn. Chính vì thế dễ dẫn đến thất vọng, buồn chán, mệt mỏi và tuyệt vọng.
Một thương gia giàu sang phú quý, đang sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình với nhà cao cửa rộng, bổng nhiên tai họa bắt đầu ập đến, cô vợ trẻ âm thầm lặng lẽ ra đi không một lời từ giả và ôm đi hết số tiền dành dụm của hai người. Công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió, cuối cùng bị phá sản do nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả nên đành phải chịu ngồi tù. Sự nghiệp thế gian, bao nhiêu năm tháng dành dụm chắt chiu bây giờ tan thành mây khói, đang sống hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan, quyền cao chức trọng, vậy mà giờ đây chẳng còn gì trong tay, tất cả đều đội nón ra đi.
Nhưng ngược lại, vị thương gia này từ khi ở tù cho đến nay luôn vô cùng phấn khởi cảm thấy mình an lạc hạnh phúc chưa từng có bao giờ, làm cho vị cai tù rất đổi ngạc nhiên. Ai ở tù, cũng cảm thấy khổ đau tràn trề trong uất hận. Riêng vị thương gia này có sự thay đổi hết sức kỳ lạ, chẳng ai ngờ ông ta lại được hạnh phúc như thế. Vì xưa kia khi còn ở ngoài đời, ông ta nổi tiếng keo kiệt bỏn xẻn, vẻ mặt lúc nào cũng lắm le, lắm lét như sợ người khác lấy của. Ấy thế mà sao khi bị ở tù, ông ta lại vui vẻ hẳn lên. Khiến mọi người ngạc nhiên nên hỏi ông, bộ ông điên rồi sao? Vị thương gia bình thản nói chuyện một cách tỉnh bơ, như không có chuyện gì xảy ra. Dạ thưa tất cả mọi người, tôi có điên khùng gì đâu! Hiện giờ, tôi đâu còn cái gì để mất.
Lòng tham con người không bờ bến là nguyên nhân sinh ra đau khổ, được thì càng thêm tham cho nên muốn vượt qua phiền não khổ đau chúng ta phải biết từ bỏ tham lam. Nhưng làm cách nào để từ bỏ được nó, đó cũng là một vấn đề nan giải. Nếu lòng tham có hình tướng cụ thể, thì ta có thể buông bỏ nó một cách dễ dàng. Đằng này lòng tham không có hình tướng, nên khi đối diện với tiền tài danh vọng, sắc đẹp và quyền lợi thì nó mới lộ rõ chân tướng, khiến ta phải dính mắc chạy theo bám víu vào chúng, nên khổ đau bắt đầu có mặt.
Này các bạn, không gì không thể làm được chỉ sợ chúng ta thất chí, nản lòng hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình tạo lấy. Chính mình là thượng đế tối cao của bao điều họa phúc, đi đến tận cùng của khổ đau là niềm vui vô hạn. Ai biết nắm lấy cơ hội tốt thì ngay bây giờ hãy vươn lên làm mới lại cuộc đời, làm mới lại chính mình.
Thật ra trong cuộc đời này mỗi người đều có phong cách sống khác nhau không ai giống ai, lối sống đó luôn ảnh hưởng đến cách làm việc và tính tình của họ ngay hiện tại. Có người thích sống trong quyền uy thế lực, nhà cao cửa rộng, giàu sang phú quý và vợ đẹp con ngoan. Họ thích quyền hành, thích ăn trên ngồi trước, thích mọi người phải phục tùng. Chính vì vậy, họ hiên ngang tìm cách vơ vét thật nhiều của cải về cho mình, luôn sống trong tham lam, ích kỷ hẹp hòi, do đó làm tổn hại cho nhiều người.
Tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này luôn vô thường biến đổi, nên cuộc sống lúc nào cũng bất như ý nhiều hơn toại nguyện, vì vậy tham muốn nhiều thì càng khổ nhiều. Từ sự vọng tưởng điên đảo tạo tác những điều xấu ác, đến khi đủ duyên mà phải nhận lãnh hậu quả đau thương, càng điên đảo tạo nghiệp xấu ác thì đời sống con người càng thêm rối ren, phức tạp, do đó khó tìm ra được sự an lạc và thảnh thơi. Vì tham cầu đam mê đắm say hưởng thụ cho riêng mình, nên con người càng đánh mất giá trị tình thương chân thật. Cũng có người suốt cả đời chỉ thích sống đơn giản không màng đến danh vọng địa vị, mặc dù có rất nhiều tiền của. Họ không thích phô trương thanh thế, không lãng phí xa hoa biết sống hài hòa vừa đủ và luôn tạo điều kiện giúp đỡ mọi người.
Rồi có người thích sống “ an phận thủ thường”, không hề có tham vọng cao xa, chỉ sống cho riêng mình nhiều hơn, mặc cho thế sự có đổi thay họ cũng chẳng màng đến.
Riêng người con Phật ngoài việc trao giồi giới đức hoàn thiện chính mình lo tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội, còn phải có trách nhiệm hộ trì Tam bảo để làm niềm tin vững chắc cho hàng hậu học mai sau. Vị thương gia là một Phật tử thuần thành và có thời gian quán chiếu tu tập, nên trước sự sụp đổ về công danh sự nghiệp, gia đình ly tán và còn bị tù đày nhưng vẫn không bị phiền muộn khổ đau chi phối. Cuộc đời vốn dĩ như vậy, nên hư, thành bại là lẽ thường tình trong cuộc sống, ai biết tích lũy phước đức trao giồi nhân cách, khi gặp bất hạnh không đến nỗi phải bị khổ đau ràng buộc chi phối.
Thông thường khi thành công, thì chúng ta vui sướng tự hào cho rằng mình là người tài giỏi. Khi thất bại thì buồn khổ bực tức phiền muộn đổ thừa tại bị thì là hoặc đổ thừa cho số phận, định mệnh hay ngẫu nhiên. Thật ra trong cuộc đời này mỗi thứ đều có nhân duyên với nhau, thân tâm và thế giới luôn biến chuyển đổi thay theo từng thời gian, nó là mối tương quan chằng chịt trùng trùng duyên khởi.
“Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”.
Do đó, tất cả những vui buồn, được mất hơn thua, thành công hay thất bại…không phải do thượng đế hay đấng tối cao nào, có quyền ban phước giáng họa.
Hiểu được sự thật như thế, người con Phật cần phải tin sâu nhân quả hơn để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Đời là sống động, nhưng tâm ta vẫn an nhiên bất động trước nghịch cảnh cuộc đời. Muốn được như vậy không phải đơn giản và dễ dàng, mà chúng ta cần phải có thời gian rèn luyện và tu tập tinh cần. Khi việc tốt đến ta cũng không tự mãn coi thường và khi việc xấu đã đến, ta cũng không buồn phiền than phân trách phận, mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Tham muốn quá đáng khiến con người mất hết lương tâm là nguồn gốc dẫn đến khổ đau và làm tổn hại cho nhau.
Người con Phật dù có thành công nổi tiếng trên trường đời cũng không tự mãn coi thường nhân loại. Đến khi bị thất bại cũng không bị buồn khổ bức bách như trường hợp của người thương gia trên. Theo tuệ giác của Thế tôn sở dĩ con người bị đau khổ triền miên, là do không biết bằng lòng với hiện tại. Chính lối sống buông thả chạy theo dục vọng, là nguyên nhân dẫn đến bất hạnh cho đời này và đời sau. Người con Phật khi bị thất bại trên trường đời, vẫn bình tỉnh thản nhiên và luôn an trú trong giây phút hiện tại, thì làm gì bị khổ đau chi phối. Đó là điểm đặc biệt của người Phật tử chân chánh trong thời hiện đại.
Thích Đạt Ma Phổ Giác (Theo Quảng Đức)
Các tin tức khác
- Khiêm tốn để trưởng thành ( 8/04/2013 5:56)
- Bốn pháp làm mất Bồ Đề Tâm ( 6/04/2013 3:57)
- Tình cha và 50$ ( 6/04/2013 1:12)
- Cương yếu để tu - Phần 4: Thị chư Phật giáo ( 5/04/2013 12:26)
- Cương yếu để tu - Phần 3: Tự tịnh kỳ ý ( 5/04/2013 12:25)
- Cương yếu để tu - Phần 2: Chúng thiện phụng hành ( 5/04/2013 12:24)
- Cương yếu để tu - Phần 1: Chư ác mạc tác ( 5/04/2013 12:23)
- Đức Phật dạy quản lý kinh tế gia đình ra sao? ( 4/04/2013 12:07)
- Tâm hạnh người tu (27/03/2013 11:06)
- Tê chân đổi cách ngồi (26/03/2013 10:37)