Sự thiếu quan tâm này có lý do rất đơn giản, vì hầu hết chúng ta luôn xem việc có sức khỏe tốt chỉ là điều tất nhiên và quá thông thường, nên chỉ khi nào ta “kém sức khỏe”, nghĩa là có bệnh, thì ta mới thấy cần quan tâm. Nhưng một sự quan tâm theo cách đó là không hợp lý và cũng rất nhiều khi dễ trở thành quá muộn màng.
Ở các nước phát triển, trong các biện pháp bảo vệ sức khỏe thì quy định về việc khám sức khỏe định kỳ luôn được tôn trọng. Người ta không đợi khi có bệnh mới đến với bác sĩ. Tùy theo hiện trạng sức khỏe của mỗi người, bác sĩ thường có sự chỉ định rõ về thời gian mà người ấy phải đến khám sức khỏe, bất kể là có bệnh hay không. Việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp ta phát hiện kịp thời khi nảy sinh các vấn đề về sức khỏe, thay vì phải đợi những vấn đề ấy biểu hiện thành bệnh lý rồi mới nghĩ đến việc chữa trị.
Đa số người bình dân nước ta thường hiếm khi nghĩ đến việc khám sức khỏe định kỳ, và đó chính là một biểu hiện rõ nét của sự thiếu quan tâm đến sức khỏe. Khi bạn sử dụng một chiếc xe gắn máy, nếu bạn không có sự bảo dưỡng định kỳ, không thay dầu nhờn hoặc thường xuyên kiểm tra các chi tiết trong xe thì chiếc xe đó sẽ không thể hoạt động tốt và bền bỉ được. Cơ thể chúng ta không chỉ đơn giản là một cỗ máy, mà là một thực thể sống phức tạp hơn rất nhiều. Nếu chúng ta không có sự quan tâm rèn luyện, bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, ta không thể duy trì được sức khỏe hiện có theo cách tốt nhất có thể được.
Sức khỏe của mỗi chúng ta là một giá trị đặc biệt vô cùng quý báu. Sức khỏe chi phối trực tiếp cuộc sống của ta. Ta không thể sống thoải mái, vui vẻ với một thân thể ốm đau bệnh hoạn. Ta cũng không thể vui sống khi sức khỏe không cho phép ta làm được những điều ta muốn. Khi có sức khỏe tốt, ta sẽ thấy trong người sảng khoái và dễ dàng có được sự lạc quan vui sống. Ngược lại, khi sức khỏe suy sụp, ta luôn có khuynh hướng thụ động và nhìn cuộc sống với một màu sắc bi quan, ảm đạm. Do đó, sức khỏe rõ ràng là một giá trị quan trọng đóng góp vào cuộc sống của mỗi chúng ta, cho dù ta có nhận biết được điều đó hay không.
Mỗi chúng ta đều sẵn có một sức khỏe tùy theo những điều kiện khác nhau, trong đó có sự tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và làm việc trong hiện tại, tùy thuộc vào môi trường mà ta được nuôi dưỡng từ nhỏ, nhưng quan trọng hơn hết là tùy thuộc vào phương cách mà ta thường xuyên rèn luyện và bảo vệ sức khỏe hiện có của mình. Bởi vì, khác với tri thức là một giá trị được tích lũy qua thời gian, sức khỏe của mỗi chúng ta lại là một kiểu “tài nguyên” có giới hạn và luôn có khuynh hướng suy giảm sau khi ta qua khỏi tuổi tráng niên. Sự suy giảm đó là tất yếu, không thể tránh khỏi, nhưng nếu ta biết lựa chọn một lối sống lành mạnh và sự rèn luyện thích hợp thì tiến trình suy giảm đó sẽ có thể diễn ra chậm hơn, cũng như giúp ta có được nhiều hơn những phút giây khỏe mạnh trong cuộc sống.
Duy trì một sức khỏe tốt bao giờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp ta có được cuộc sống lạc quan yêu đời, giúp ta có thể sống hữu ích hơn cho bản thân và người khác. Và chính nhờ vào những điều đó mà ta mới có thể dễ dàng hơn trong việc nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuộc đời.
Trích Những Giá Trị Của Cuộc Sống - Theo Tủ Sách Rộng MởTâm Hồn
Các tin tức khác
- “Ánh mắt” của một con heo đã thay đổi cuộc đời chủ trại heo (30/04/2016 10:29)
- Nuôi dưỡng chánh niệm (28/04/2016 11:32)
- Thực hành thiền mỗi sáng (28/04/2016 11:28)
- Những người giàu nhất thế giới dạy con về tiền bạc như thế nào (28/04/2016 12:28)
- Tịnh và Thiền - Hai hướng đi, cùng một đích đến (28/04/2016 12:23)
- Thiết lập cây cầu (28/04/2016 12:10)
- Vai diễn cuộc đời (27/04/2016 12:09)
- Thập thiện (26/04/2016 1:42)
- 3 bí quyết để sống hạnh phúc mà “không tốn một xu” (26/04/2016 1:06)
- Tột cùng của luân hồi là khổ đau, tột đỉnh của Phật pháp là an lạc (25/04/2016 12:35)