Khúc gỗ trôi sông

23/06/2016 2:10
Có chuyện thế này. Một hôm chư Tăng đi với Đức Phật đến bên một dòng sông. Ngài Anan hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng con tu tập theo sự hướng dẫn của Thế Tôn thì khi nào chúng con sẽ đến được Niết Bàn?”

Đức Phật mới chỉ khúc cây trôi giữa dòng sông và nói: “ Nếu khúc cây kia không bị kẹt vào bờ bên này, không bị kẹt vào bờ bên kia, không tự bị mục nát từ bên trọng, không bị chìm xuống đáy, không bị ai vớt đi thì khúc cây đó sẽ ra đến biển”.

Câu chuyện này vô cùng sâu sắc. Mình cứ tưởng mình phải cố gắng chạy cho thật nhanh, mình phải cố gắng cho thật nhiều để mình tới Niết Bàn. Nhưng mà không phải. Niết Bàn là do Pháp tự đưa tới. Dòng sông chính là Pháp, mình là khúc cây trong dòng sông, mình đang được Pháp đưa đi. Mình chỉ cần đừng kẹt vào bờ bên này, bờ bên kia là chối bỏ cái này, mong muốn cái kia, kẹt vào tham và sân. Bị mục nát tức là người hoàn toàn sống buông lung, tạo nghiệp dữ. Người quá chấp trước, ôm giữ một cái gì đó không chịu buông ra thì kẹt xuống đáy. Còn người bị vớt đi chính là cái mong muốn tu tập lên các cõi trời. Phần lớn sự tu tập của mình là bị vớt đi. Vì mình cứ mong muốn đắc định này, mong muốn đắc định kia. Mong muốn cái này cái nọ, kể cả là mong muốn các thánh quả, Niết Bàn. Tất cả những cái mình gọi là đạt được đó là mình đang bị vớt đi hết.

Niết Bàn là kết quả tự nhiên của Pháp sẽ đưa mình tới. Nếu mình cố gắng đạt đến là mình bị vớt đi liền. Đây là ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bài kinh. 

Một người đạt Tu đà hoàn (quả Dự lưu) được gọi là một người đã hoàn toàn “nhập dòng”, dòng ở đây chính là dòng Pháp. Dòng Pháp trôi đi đâu là trôi đi đó. Vì dòng Pháp trôi đi nên đương nhiên sẽ ra Niết Bàn. Tất cả mọi nỗ lực tu hành của mình là đều hướng đến một tương lai. Và khi hướng đến tương lai là mình đều đang rơi vào cái không biết mà muốn, tức là rơi vào vô minh ái dục. Một bên thì vướng vào sân, một bên thì vướng vào tham, và phải mất thời gian để đạt được. Mà đã mất thời gian thì không còn đúng với tính chất của Pháp là không có thời gian. Cái đó có thật hay không thật thì vẫn không phải Pháp.

Bây giờ mình có thể ngồi thiền và đắc định, nhưng cái đắc định đó thì rồi mình bị vớt đi khỏi dòng chảy của Pháp. Nên vấn đề là phải thấy ra được dòng chảy của Pháp. Mà Pháp phải là ngay cái thực tại hiện tiền, phải là cái đang là chứ không phải là cái sẽ là hay đã là. Cái đang thực sự diễn ra thì mắt mình mới thấy, tai mình mới nghe, mũi mình mới ngửi…

Phải xác định điều này, bất kỳ pháp hành gì mà phát xuất từ lòng ham muốn đạt đến thì đều rơi vào tham sân si. Như vậy, không thể chấm dứt tham sân si và không thể tới Niết Bàn được. Và hướng tới một cái gì đó thì phải trải qua thời gian, chứ không phải là cái hiện tại thấy ngay. Trong khi Đức Phật nói: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, Quá khứ đã đoạn tận, tương lai lại chưa tới, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây, không động không rung chuyển”. Không động không rung chuyển tức là không buông lung. Hữu, tướng, tác tức là động. Tức là mình có ý muốn đạt một cái gì đó, mình phải trú vào một phương pháp nào đó là tướng và cố gắng để tạo tác. Đó là động, là rung chuyển. Sự chuyển động này tạo ra thời gian, nó không phải là cái thực hiện tại. Cái thực thì không thấy, cái muốn có thì không thấy, vậy hoàn toàn mình đang ở giữa một khoảng không, làm sao mà không động, không rung chuyển được.

Như vậy: Hữu, tướng, tác không thể nào đạt được không, vô tướng, vô tác được.

Đức Phật nói như sau: Dù Như Lai ra đời hay Như Lai không ra đời thì Pháp vẫn vậy. Như vậy là đi từ vô minh ái dục thì muôn đời vẫn trong luân hồi sinh tử. 

Mình khởi đầu bằng Tham sân si, Hữu tướng tác thì làm thế nào mình tới Niết Bàn được. Mình đang đầu tư cho vô minh ái dục mà mình không biết. Mình tạo ra một cái bản ngã, ảo tưởng về một bản ngã. Mình là gì mình cũng cho rằng tôi làm, của tôi, của ta. Khi mình còn thấy cái tôi thì không bao giờ mình thấy được Pháp. Nên tất cả các hành động của mình là hành động của bản ngã, do bản ngã tạo dựng. Vì vậy Đức Phật mới nói quá trình tu tập của Ngài là đi tìm người thợ làm nhà. Đến lúc Ngài đắc đạo quả dưới cội cây Bồ Đề, ngài mới nói Như Lai đã tìm được người thợ làm nhà, ngài bẻ gẫy hết tất cả các kèo cột mà người thợ đã làm ra. Thế nhưng cái hữu tướng tác chính là bản ngã. Vì vậy mình phải thận trọng, nếu không Pháp hành của mình rơi vào hữu tướng tác.

Có một điều vô cùng quan trọng là Pháp luôn vận hành đúng. Chỉ khi bản ngã xen vào rồi xoay theo ý mình mới làm cho Pháp theo hướng của bản ngã. Bản ngã chọn cho mình mình những pháp ưu thích để sở hữu. Trên thực tế là mình đang ưa thích, đang chọn lựa cái gì đó để sở hữu. Khi đó, mình đang làm giàu, đang tăng trưởng bản ngã mà thôi. Như vậy, phải có một pháp hành nào đó thực sự thoát khỏi bản ngã. Một pháp hành phải khởi đầu bằng vô tham vô sân vô si, một pháp hành khởi đầu bằng không, vô tướng, vô tác. Nếu không thì mình cứ loay hoay mãi trong vô minh và luân hồi sinh tử.

Có một kinh nói: Khi mà những vị chư thiên đang ở trong cõi trời vô sắc giới, sắc giới, dục giới khi hết tuổi thọ ở cõi trời đó thì hi hữu thay mới được sinh lại làm người mà phần lớn bị đọa vào các cõi dữ. Tại sao vậy, khi họ đã lên tới trên đó là cao lắm rồi mà sau khi chết lại đọa vào ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Vậy, tất cả những gì mình nỗ lực, bản ngã tạo dựng để lên các cõi trời thì khi thân hoại mạng chung lại tái sinh vào cõi dữ. Tại vì sao? Ai biết tại vì sao? Đó là vì mình không đi đúng từ cơ bản của Pháp. Nếu mình đi đúng từ vô tham vô sân vô si thì càng đi nó càng phải buông bớt dần, bản ngã phải mất dần. Có nghĩa là mình được mở ra, bớt đi những trói buộc của bản ngã, của tham sân si thì mình càng ngày càng được tự do giải thoát mới là đúng. Nhưng ở đây, người này tham vọng. Thầy ví dụ thế này cho dễ hiểu. Có một đứa nhỏ, nó thích học toán và là một thần đồng toán, chỉ lớp 1 đã đậu được tiến sĩ toán học. Nhưng tất cả các môn khác thì vẫn là trình độ lớp 1. Cũng vậy cái người này ham thích thiền định, cố gắng hành thiền định mà bỏ quên tất cả mọi chuyện. Thay vì mình học tất cả Pháp để thấy ra tất cả các mặt của Pháp để không bị vướng kẹt vào đâu thì bản thân mình lại bị vướng kẹt vào Thiền định. Hơn nữa, sau khi mình đắc được thiền định thì đó là cái nhân. Cái quả của nó sẽ là sinh lên cõi trời, sau khi hưởng hết quả thì mình lại rớt xuống. Vậy thì mình lại phải học lại từ đầu thôi. Luật tự nhiên là vậy thôi, không khác được. 

Thế nên sao mình lại chọn lựa mà mình không học tất cả các Pháp. Pháp là gì, là mắt tai mũi lưỡi thân ý, thọ khổ lạc xả, thấy ra Tứ Diệu Đế. Tại sao mình không ngay nơi đó để mà thấy ra Pháp. Pháp ngay nơi mỗi người, nhưng tại vì cái Phi hữu ái, hữu ái, dục ái mỗi người mỗi khác nên tạo tác tạo nghiệp ra khổ khổ, hành khổ, hoại khổ mỗi người mỗi khác. Thì dù mình làm cách gì không biết, Pháp vẫn vận hành đúng nhân quả, không thể khác được. Vậy, hoàn cảnh mình đang gặp phải chính là nghiệp của mình chứ không phải của ai khác. Vì vậy tất cả những gì đến với cuộc đời của mình đều là bài học chính xác nhất cho mình chứ không có bài học nào khác. Có thể mình nhìn ra bên ngoài để thấy nhân quả nghiệp báo của người khác như thế nào, nhưng bài học chính là bài học từ Pháp của mình và hoàn cảnh mình sống trong đó. Nói theo Bắc Tông là Chánh báo và Y Báo. Hoàn cảnh mình đang sống trong đó là Y Báo, cái đang đến với mình ở nơi mình là Chánh Báo. Đó là những cái thực, cái thực đang đến với mình. Cái thực đó là Pháp, qua cái thực đó mình mới học ra Pháp chứ không có Pháp nào khác cả.

 

HT. Viên Minh - Theo Cội Nguồn Hạnh Phúc

Các tin tức khác

Back to top