Nuôi dưỡng tín tâm

14/08/2016 5:46
Niềm tin rất quan trọng. Kinh Hoa nghiêm dạy rằng niềm tin sanh ra tất cả công đức. Người không có niềm tin, công đức không sanh được. Nhưng niềm tin của chúng ta lúc tăng lúc giảm. Phải làm thế nào để củng cố niềm tin của chúng ta, làm cho niềm tin tăng thêm.

Đã có căn lành rồi, chúng ta gặp Phật pháp và sanh ra niềm tin ở Tam bảo. Tuy nhiên, khi chúng ta tin Tam bảo, ác ma cũng hiện ra làm Phật, làm Tăng, làm giáo pháp Phật khiến chúng ta bị lầm lạc, việc tu hành không đạt được kết quả, làm chúng ta mất niềm tin.

Niềm tin của chúng ta phải có trí tuệ chỉ đạo, không phải ai nói gì chúng ta cũng tin. Nhẹ dạ cả tin thì dễ rớt qua mê tín, thậm chí là cuồng tín, nguy hiểm, vì đi vào đường tà, chắc chắn bị đọa.Vì vậy, khi chúng ta nghe nói điều gì mà Phật dạy, cũng đừng vội tin, hãy kiểm chứng lại, vì dễ tin sẽ dễ bị mắc lầm thì phóng lao phải theo lao, không có đường ra. Phật dạy nếu lỡ bước, phải dừng lại, nhưng tốt hơn là đừng để lỡ bước.

Phật tử có căn lành, hướng tâm về Phật Pháp Tăng, mạnh nhất là bốn ông vua triều Thanh của Trung Hoa. Đặc biệt là vua Càn Long có niềm tin rất mãnh liệt, nên ông phát nguyện rằng gặp Phật thì lạy, gặp Tăng thì cúng dường, gặp chùa hư thì tu bổ. Ông phát nguyện như thế, vì quá tin Tam bảo. Thời bấy giờ, có nhiều người tự xuất gia làm Tăng, tự may y phục Tăng, đó là tu sĩ giả. Tệ nạn này phát xuất từ thời vua Càn Long.

Thật vậy, khi Phật pháp hưng thạnh, người vì hưởng lợi đi tu đông, chắc chắn làm cho Phật pháp suy đồi. Vì vậy, khi thấy Phật pháp thạnh hành về hình thức, coi chừng bị hư bên trong. Những người xuất gia thời vua Càn Long vì không tu chứng, không nghĩ đến con đường giải thoát, mà chỉ nghĩ đến xây chùa để kiếm nhiều tiền và có được nhiều người theo. Đó là thời kỳ mà người tu làm việc mê tín, coi nhẹ việc tu học kinh, luật, luận.

Vì vậy, Phật dạy giới luật làm thầy, nói cách khác, lấy giới luật làm thước đo để nhận biết được người tu thiệt, hay tu giả, giúp ta không nhận lầm ma.

Một số Phật tử nhẹ dạ, mắc lầm người lợi dụng hình thức khất thực, hay lạc quyên xây chùa, có người lợi dụng hình thức người tu để buôn bán. Một thẻ nhang bán mười ngàn đồng, nhưng họ nói mua bao nhiêu cũng được, nhưng nếu mình trả mười ngàn đồng, họ lại nói không được. Đó không phải là người tu. Phật biết trước ác ma làm việc này, nên Phật cấm người tu buôn bán. Phật tử nên nhớ rằng nhà sư buôn bán là trái với luật Phật quy định, nếu chúng ta theo họ là đã đi vào đường tà.

Chúng ta củng cố niềm tin bằng cách phải học kinh, luật, luận. Theo quan niệm của nước ta, người chưa được thọ giới không được coi giới luật, nếu coi giới luật là có tội. Nhưng Phật giáo Nhật chủ trương rằng Phật tử phải học kinh, luật, luận nhiều, để nhận biết được sư giả. Nếu có học luật, chúng ta biết ông sư đi khất thực như thế nào là sư giả, vì người tu thiệt, hành đầu đà khất thực từ sáng sớm đến không quá giờ ngọ, tức mặt trời xiên về hướng Tây thì không được đi khất thực và sư khất thực chỉ nhận thức ăn, không nhận tiền bạc. Phật đã quy định như vậy, làm trái luật không phải là đệ tử Phật và làm Phật giáo suy đồi.

Khi quý vị gặp sư giả, dễ mất niềm tin và sẽ khởi ý niệm rằng tất cả người tu đều giả dối; nghĩ như vậy, quý vị đã phạm tội lớn là hủy báng Phật pháp.

Chúng ta tu, chưa phát sinh trí tuệ, thì căn cứ trên kinh, luật, luận để biết việc nào đúng mà tôn thờ, việc nào sai, chúng ta không theo. Tuy nhiên, người ta có thể ngụy tạo kinh, luật. Vì vậy, Đức Phật cho phép người hoằng pháp ở những vùng mà phong tục, tập quán chưa chấp nhận được những điều Phật đã chế, thì họ được phép không làm. Vì nếu cố chấp làm sẽ dẫn đến hậu quả không tốt. Điển hình như Mục Kiền Liên vào vùng ngoại đạo, mặc áo tu theo Phật giáo đã bị sát hại.

Theo tinh thần Phật dạy, điều nào mà phong tục tập quán không chấp nhận, chúng ta không làm; chỗ nào hay thời kỳ nào mà giáo lý Phật không được tôn trọng thì không nên áp dụng ở chỗ đó, ở thời đó. Chỗ nào cần thay đổi để phát triển Phật giáo, nên tập hợp tập thể Tăng để quyết định, cá nhân không được quyết định. Vì Phật tại thế, Ngài quyết định được, nhưng Phật Niết-bàn, không có người có đủ năng lực như Phật, nên Ngài cho phép tập thể Tăng quyết định được chính xác hơn. Nói dễ hiểu là Phật giao cho các Giáo hội Tăng-già quyền quyết định, Việt Nam có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Campuchia, Thái Lan… cũng có Giáo hội của họ.

Tập thể Tăng-già quyết định, tất cả Tăng Ni phải theo, ai trái lại không được. Điều này được Phật cho phép như vậy, nhưng với điều kiện là tập thể phải có trí tuệ của A-la-hán mới được. Còn tập thể kẹt quyền lợi thì không được. Thật vậy, khi kiết tập kinh tạng lần thứ nhất, A Nan chưa đắc La-hán, nên không được tham gia. Nhưng đại chúng nói rằng A Nan là bậc đa văn hầu Phật, biết rõ những gì Phật dạy. Nếu không có A Nan thì ai biết hết để phán đoán cho đúng.

Ca Diếp trả lời rằng việc này dễ, chỉ cần làm cho A Nan đắc La-hán. Người còn kẹt quyền lợi cá nhân, chắc chắn quyết định không trong sáng. Ca Diếp bảo 499 vị La-hán dồn lực thiền định công phu cho A Nan, ngài sẽ đắc quả La-hán.

Vì vậy, tu theo Đại thừa, tự mình không đắc đạo được, nhưng mười phương chư Phật phóng quang gia hộ sẽ giúp cho mình đắc đạo dễ dàng. Nhất là tu Pháp hoa, cầu nguyện Phật hộ niệm để tâm chúng ta tự nhiên thanh tịnh, trí chúng ta tự nhiên sáng lên.

Đạo tràng Pháp Hoa trong suốt một năm làm Phật sự, phải dành ba tuần cuối năm ở yên một chỗ để tụng kinh, tham thiền, cầu nguyện mười phương chư Phật phóng quang gia bị tâm chúng ta sáng lên. Pháp này Phật Thích Ca đã làm và dạy chúng ta thể nghiệm. Thật vậy, Phật đã trải qua ba giai đoạn thiền định, đầu hôm Ngài chứng Túc mạng minh, giữa đêm, Ngài chứng Thiên nhãn minh và khi sao Mai mọc, Ngài chứng Lậu tận minh. Phật tọa thiền ở Bồ Đề Đạo Tràng trong 21 ngày đến mùng 8 tháng 12, Ngài thành đạo.

Từ ý này, Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta tu gia hạnh và ngài nói rằng nhờ thành tựu pháp này mà Phổ Hiền trở thành siêu nhân. Điều này nói rõ trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát thứ 28: “Nếu kẻ hạ liệt muốn trì kinh này mà không có thầy tận tình chỉ giáo, đối trước Tam bảo phát nguyện trì kinh, nhờ Phật quang minh và Phổ Hiền lực tu rất tích cực trong suốt ba tuần, được thấy Phổ Hiền ngồi trên bạch tượng, phước đức vô lượng, vô số hằng sa chư Thiên tán hoa, cùng trổi kỹ nhạc, tâm hồn thanh thoát, vượt khỏi thế gian, đến cõi thiên đàng, ra mắt Di Lặc, được làm quyến thuộc Đâu Suất Đà thiên…”.

Nhưng trên bước đường tu, vì chúng ta chưa tới được chỗ này, thì khi thành công chúng ta vững niềm tin đi tới, nhưng khi thất bại, chúng ta mất niềm tin, thoái lui, bị đọa sâu.

Thực tế cho thấy có Phật tử phát tâm hành bố thí, muốn giúp đỡ người tu hạnh Bồ-tát. Khởi tâm như vậy thì những người làm từ thiện và các thầy cô cũng tới mời gọi, quyên góp. Nhưng chạm thực tế, có nhiều người đến xin, họ lại sợ, lần đầu cho một trăm ngàn đồng, lần sau thì cho bớt lại, đến cuối cùng họ không cho mà trốn luôn, đó là thoái tâm. Thầy nói coi chừng bị ác ma tới mời gọi, khi nhờ được, họ ca ngợi, nhưng không nhờ được thì họ có thái độ khác.

Lịch sử có ghi câu chuyện ngài Ưu Ba Cúc Đa từ chối dự trai tăng cúng dường và nói rằng chưa phải lúc. Ngài Ưu Ba Cúc Đa đắc đạo, thấy con đường này nguy hiểm cho Phật giáo Ấn Độ. Phật giáo đào tạo người có đạo đức, có trí tuệ để cứu người, giúp đời. Có nhiều người như vậy, Phật giáo thạnh, nếu không, Phật giáo suy. Và quả đúng như vậy, Phật giáo Ấn bị bặt tăm quá lâu.

Khi bà thí chủ hết phước, bị bệnh hoành hành, ngài Ưu Ba Cúc Đa tới thăm. Bà khóc, nói rằng lúc con giàu có, thỉnh thầy không tới, nhưng bây giờ thầy tới, con không còn gì để cúng dường. Ngài nói bây giờ mới phải lúc, vì bà không còn gì mới lắng nghe pháp Phật, hãy giữ tâm thanh tịnh và hướng về Phật, Phật sẽ thọ dụng. Bà nghe người ta nói cúng trai tăng được phước, nhưng kết quả bà trở thành thân tàn ma dại, vì bà đã lạc vào ma giáo, nên đã mất niềm tin Tam bảo, ngài mới đến cứu độ.

Phật giáo có nhiều vị như Ưu Ba Cúc Đa, tu hành có chiều sâu thì Phật giáo chắc chắn hưng thạnh; nếu chỉ có bề nổi, Phật giáo dễ suy vi. Thật vậy, Phật đã dạy rằng sư tử trùng thực sư tử nhục, người trong Phật pháp mới dễ làm cho đạo bại hoại.

Trên bước đường tu, tất cả Phật tử nên cân nhắc. Phật dạy chúng ta nghe ai nói điều gì, nên kiểm chứng xem điều họ nói có thật hay không, người nói có thực tập được kết quả hay chưa. Nếu chỉ nói suông thì không nghe. Phật khác ma ở điểm đó. Ma nói nhiều, nhưng không làm được. Phật không nói nhiều, nhưng Ngài làm được, hay Ngài nói điều gì thì thực hiện điều đó. Phật không hứa hẹn, nhưng Ngài cưu mang những người cần cứu độ.

Chúng ta nhìn về cuộc đời của Đức Phật để chúng ta tin. Phật sanh trong dòng họ cao quý, có cuộc sống dư thừa vật chất, nhưng những thứ này không cám dỗ được Ngài, dù Ngài chưa xuất gia. Cuộc sống cao thượng của Ngài như vậy khiến chúng ta tin Phật.

Khi Phật tu, Ngài không xin ăn, vì Ngài không thiếu thốn thứ gì, nhưng Ngài dùng phương tiện khất thực để độ những Sa-môn hữu duyên lạc vào ngoại đạo và cũng để tạo phước duyên cho hàng cư sĩ gieo trồng căn lành nơi Phật. Vì vậy, ta tin chắc rằng Đức Thích Ca quyết tâm tu thực sự, vì Ngài biết rõ tất cả những gì ở cuộc đời này đều không bền chắc.

Phật khuyên chúng ta rằng được sanh làm người và được gặp Phật pháp là điều rất quý báu, phải hạ quyết tâm tìm thấy con đường mình đi sau khi chết. Nếu chưa thấy được tương lai của mình sau khi bỏ huyễn thân này thì chưa yên tâm. Và chưa thấy đúng quá khứ của mình thì đừng dạy người khác.

Trước khi chứng Túc mạng minh, Phật không thuyết pháp. Phật chỉ bắt đầu thuyết pháp sau khi Ngài chứng Túc mạng minh, nghĩa là biết được nhân duyên từ đời trước của Ngài và người, nên Ngài đến giáo hóa họ. Điển hình sau khi Phật thành đạo, Ngài thấy năm anh em Kiều Trần Như có duyên với Ngài từ kiếp quá khứ, nên Ngài đến độ họ đắc quả La-hán. Phật độ ai thì người đó đắc đạo.

Phật không lừa dối ai, vì Ngài không có quyền lợi nào trên cuộc đời này, nên chúng ta tin Phật. Phật nói, chúng ta cảm thấy như Ngài nói cho ta, khiến chúng ta được an lạc, giải thoát. Nhưng Phật Niết-bàn, chúng ta cách Phật xa, không gặp Phật bằng xương thịt. Tuy nhiên, Phật khẳng định rằng Ngài không Niết-bàn. Ngài vào Niết-bàn chỉ là rời bỏ thân tứ đại, nhưng Báo thân và Hóa thân Phật không mất. Yếu lý này được Phật dạy trong kinh Pháp hoa rằng Ngài thành Phật ở Ta-bà thì có tên Thích Ca, ở chỗ khác, Ngài có tên khác.

Thâm nhập nghĩa lý này, thầy tụng kinh Dược Sư và nói rằng Đức Phật Dược Sư là Đức Phật Thích Ca, vì thầy thấy lời nguyện của Phật Dược Sư giống với nguyện của Phật Thích Ca. Chính vì vậy, chúng ta nói có thiên bá ức Hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật.

Trên bước đường tu, chúng ta có tầm nhìn rộng hơn, gọi là lịch sử của niềm tin, lịch sử của căn lành. Nhìn bằng niềm tin, bằng tâm, chúng ta có thể thấy xa, nhưng muốn như vậy, Phật dạy phải gạn sạch phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Phật bảo cắt bỏ ham muốn, kể cả mạng sống, coi tâm mình như thế nào. Thầy nhất định ôm chân Phật, có chết cũng không sao. Phấn đấu để đạt mục tiêu về với Phật, thành Phật, thì Phật mới hộ niệm. Còn nay vầy, mai khác, chỉ là hàng tùy duyên mà thôi, người này phải đợi Phật Di Lặc ra đời độ họ.

Tu hành hạ quyết tâm, cuộc đời chúng ta sẽ có thay đổi tốt đẹp, hay đó chính là củng cố niềm tin. Thật vậy, riêng thầy, có nhiều việc thầy nghĩ khả năng mình không làm được, nhưng lại thành công, đó là nhờ Phật quyết định. Niềm tin cũng vậy, niềm tin không lay động thì điều tốt lành sẽ đến. Việc khó mà vượt được giúp ta càng vững niềm tin hơn. Còn nhẹ dạ, dễ tin sẽ bị ác ma dẫn, vì ma nói đúng ham muốn của mình, nên mình nghe theo, chấp nhận. Điều này rất nguy hiểm.

Vì vậy, Phật khuyên phải cắt lòng tham, mới thấy đúng thực tế như thế nào. Đối với người tu, trí tuệ sanh ra do học kinh, luật, luận. Riêng thầy, nhờ học nhiều kinh, luật, luận, nên thấy điều gì tương ưng với kinh, thầy theo, nếu không thấy tương ưng với kinh, thầy kiểm chứng lại, nên không mắc sai lầm và đi xa trên đường đạo.

Và củng cố niềm tin vững mạnh, thì người chọc tức, ta không giận và họ cũng không cám dỗ được, thể hiện tinh thần vô tham, vô sân. Và hạn chế tối đa vật chất, không bị vật chất chi phối, Phật mới hộ niệm. Phải giữ tâm thật thanh tịnh, bấy giờ Phật hộ niệm được, trí mình sáng lên, mới quyết định không sai lầm.

Khi Phật về hoàng cung giáo hóa, vua cha cho bảy vương tử xuất gia theo Phật. Phật không quan tâm đến bảy vương tử này, nhưng lại chú ý ông thợ hớt tóc Ưu Ba Ly, vì Phật thấy căn lành và đạo đức của ông này, tương lai sẽ trở thành pháp khí.

Phật không quan tâm đến bảy vương tử, vì Phật đã đi xa, nhưng bảy ông này còn ngồi nghỉ mệt và ăn uống. Người tu chỉ cầu đạo, không nghĩ đến ăn thì không mệt và đi xa được. Khi đi hành hương, thầy thấy người quyết tâm thì núi cao cũng lên được. Mình tu Phật đạo dài xa cũng vậy, có người thấy núi cao, không lên, nhưng có người một bước lạy một lạy một cách nhẹ nhàng, vì trong đầu họ có Quan Âm, nên Quan Âm trợ lực, hộ niệm người này. Thầy lên đến đỉnh núi Phổ Đà sơn cũng thấy ông này lên được, như vậy là có niềm tin. Còn người nghĩ phải kiếm cái gì ăn rồi hãy đi, nhưng ăn no, bụng nặng thì phải nghỉ. Chỉ ăn và nghỉ là hết cuộc đời tu.

Bảy vương tử xuất gia theo Phật, mới tặng cho Ưu Ba Ly tất cả trân bảo sống hết đời cũng được, vì ông đã có công hầu hạ họ. Ưu Ba Ly nghe vậy, nghĩ mình chưa mơ ước mà được, nên mừng. Ông liền nghe Phật nói nhỏ rằng thôi con, người ta có còn bỏ, mình lấy làm gì. Nghĩa là ông đã được Phật hộ niệm, nên liền bỏ của báu, chạy theo Phật và tới trước bảy vương tử, vì Phật trợ lực ông. Và ông được Phật xoa đầu, cho xuất gia  trước. Ưu Ba Ly đi sau mà tới trước, nhờ có Phật hộ niệm.

Phật nói ai tu trước, người đó lớn, nên bảy vương tử phải đến đảnh lễ Ưu Ba Ly. Bữa trước, ông phục vụ họ, nhưng bữa sau, ông đắc đạo, họ phải nghe ông. Phật có trí tuệ, người đáng độ trước thì Phật độ, nên suốt cuộc đời Ngài giáo hóa không sai lầm.

Chư Tổ, các Thánh A-la-hán duy trì được Phật pháp vững mạnh, nhưng thời kỳ có phàm tăng nhiều và chỉ trọng hình thức thì Phật giáo suy đồi. Thầy nhớ lại lịch sử triều Thanh, các ông vua hết lòng ủng hộ Phật giáo, có đến bảy, tám trăm ngàn Tăng sĩ. Nhưng khi nhà Thanh sụp đổ, Phật giáo không được quý trọng nữa, người tu bắt đầu bỏ cuộc và phân chia tài sản, mỗi ông sư chiếm lãnh một phần.

Ngài Hư Vân nói lúc đó chỉ còn ba, bốn chục ngàn người tu. Người quyết tâm tu thì càng khó, càng khổ, càng quyết tâm cao và như vậy làm cho Phật pháp hưng thạnh. Còn chỉ có hình thức mạnh, coi chừng mầm mống suy đồi đang hiện hữu.

Phật tử củng cố niềm tin phải thấy chiều sâu, không phải Hiền, không làm bạn, không phải Thánh thì không tôn thờ. Làm bạn với ma quỷ, chết chắc.

Tóm lại, quý vị nương theo lời Phật dạy và kiểm chứng cuộc sống của mình, để cắt bỏ phiền não, nghiệp chướng, trần lao và có được minh sư, thiện hữu tri thức giúp đỡ thăng hoa trí tuệ và đạo hạnh, đó chính là ý nghĩa đích thực của việc củng cố niềm tin. Cầu Phật gia bị cho quý vị nhiếp tâm tu hành, thân khỏe, tâm an, trí sáng, luôn được Phật hộ niệm trên bước đường tìm cầu giải thoát, giác ngộ. 

 

HT.Thích Trí Quảng

Các tin tức khác

Back to top