Biết ơn giúp ta dễ hài lòng và sống thực tế hơn

28/08/2016 2:25
Khi thấy mình là kẻ thọ ơn, ta dễ dàng có cảm giác hài lòng và tâm lý ta dễ dàng đạt đến sự thỏa mãn, bằng lòng với những gì mình đang có hay vị trí mình đang là. Cảm giác này hoàn toàn chủ quan và mang tính tương đối.

Cùng trong một điều kiện sống, có người hài lòng thì cảm nhận được hạnh phúc, an lạc, nhưng lại là đau khổ của người khác. Cùng trong một môi trường, không gian sống, khi này thì ta hài lòng, lúc khác ta lại không vừa ý. Với vật chất thế gian, con người chỉ có được trạng thái hài lòng tạm thời mà thôi. Tâm chao đảo, mất cân bằng do tham đắm và bám níu vào cái ta thích, từ chối và đẩy ra những gì ta không thích khiến ta khó có được sự hài lòng lâu bền. Chỉ khi nào biết trân quý những gì ta đang có, đang sử dụng với ý niệm biết ơn, biết đủ, ta mới thôi đòi hỏi, tìm cầu và sống thực tế hơn.

Thường xuyên thực hành hạnh biết ơn sẽ giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, an lành và thỏa mãn hơn. Người không thỏa mãn với những gì mình đang có không thể nào khởi niệm biết ơn với những gì mình đang có được, mà chỉ có thể khởi tâm phàn nàn. Biết ơn đơn giản là có cảm giác mình là người thọ lãnh và ghi nhận giá trị của những gì mình nhận được từ con người và cuộc sống. Một ý niệm biết ơn là mạch máu làm tươi nhuận con tim, khối óc và tâm hồn chúng ta. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để có thể khởi tâm cảm ơn người khác. Với cảm nhận đầy đủ về những gì mình đang có và những gì mình đang trải qua đủ để chúng ta khởi niệm cảm ơn. Thân thể, vóc hình, trí tuệ, sắc đẹp, sức khỏe, tài sản, tình cảm ta sở hữu trong kiếp sống này đủ để chúng ta cảm ơn. Từ trong ý niệm biết ơn, chúng ta biết cách sử dụng những gì ta đang có làm lợi ích cho mình, cho người, sống một đời đáng sống là cách thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn một cách thiết thực nhất.

Chúng ta có thể làm cho cuộc sống mình trở nên phong phú và giàu có, tất cả đều trong tầm tay của mình, bằng cách ghi nhận những gì ta đang thọ nhận hằng ngày để duy trì sự hoạt động của thân và tâm vốn đã được vay mượn từ cha mẹ thuở mới sinh ra, ghi nhận giá trị của những gì mình đang thọ nhận và chú tâm tỉnh giác để chuẩn bị tâm thế đón nhận những gì đến với mình trong tinh thần biết ơn. Chúng ta có trọn quyền và có đủ khả năng để điều khiển ý tưởng của mình để được hạnh phúc và bình an trong cuộc sống. An lạc hoặc đau khổ, thật ra, do mình chọn lựa nhiều hơn là do hoàn cảnh hay cái gì bên ngoài đem lại.

Khởi niệm biết ơn không có nghĩa rằng chúng ta phủ nhận một sự thật rằng có những buồn đau, thất vọng xảy ra với mình như một phần trong cuộc sống. Biết ơn là nhận ra mình còn được nhiều thứ từ cuộc đời này lắm và hãy lấy những cái được làm thuốc trị bệnh đau buồn. Một khi chúng ta phàn nàn, nghĩa là chúng ta cảm thấy thiếu thốn và không hài lòng với cuộc sống hiện tại thì làm gì có thể khởi lên ý niệm biết ơn? Cứ quay lại nhìn mình, với những gì mình đang có, đủ để chúng ta khởi niệm cảm ơn để cuộc sống trở nên bình an và hài lòng hơn với cuộc sống còn nhiều điều bất toàn này. Vấn đề là khi chúng ta biết khởi tâm biết ơn, chúng ta có khả năng vượt trên những đau buồn như một cơ hội để trưởng thành hơn. Người khôn ngoan biết lấy nghịch cảnh làm cơ hội để học hỏi và biết cách tự thân vận động vươn lên từ trong bĩ cực để hóa giải và thăng hoa nỗi đau thành niềm vui. Rác rưởi có thể sử dụng thành dưỡng chất cho cây lá tươi xanh đâm chồi nảy lộc, cho hoa trái khoe hương tỏa sắc giữa đất trời.

Khi ta chú ý đến điều gì, cái đó trở nên quan trọng và chiếm vị trí trung tâm trong tất cả suy nghĩ, ý tưởng của mình. Hơn thế nữa, bao nhiêu ý tưởng liên quan đến từ khóa ấy cũng lần lượt xuất hiện. Ví như khi chúng ta gõ một từ khóa nào đó trên hệ thống tìm kiếm trên mạng, như google chẳng hạn, thì lần lượt từng trang một, bao nội dung liên quan đến từ khóa xuất hiện, ta muốn tìm tiếp, tìm tiếp nữa. Cũng như vậy, khi có một ‘từ khóa’ nào đó xuất hiện trong ý tưởng, ví dụ đó là một điều ta muốn. Thế rồi bao ý tưởng từ đó mà phát sinh. Chim bay theo đàn, ý tưởng cuộn theo từng mảng chứ không hề tồn tại riêng lẻ. Một sự thật rằng trong cuộc sống, chúng ta không nhận được những gì mình muốn, ta không hài lòng. Nếu chúng ta dành 5 phút trong ngày để ước muốn thì thời gian còn lại trong ngày, 1435 phút còn lại (24 tiếng đồng hồ là 1440 phút) chỉ để lo lắng liệu những mong muốn của mình có thành tựu hay không. Ham muốn chỉ đến trong tâm người không hài lòng với thực tại và không biết cách khởi niệm biết ơn. Do đó, người không biết ơn thì tâm luôn lăng xăng bận rộn mà không thể hướng thượng và hướng thiện. Nếu chúng ta bình tâm quan sát bản thân mình với tất cả những năng lực mình đang có, những gì đang sở hữu thì chúng ta sẽ thực tế hơn trong việc dự đoán, chứ không phải mong cầu cho thỏa lòng tham. Làm được thế này, tâm chúng ta sẽ trú trong “ngưỡng an toàn” và không quá bận rộn vô ích với nhưng điều xa rời thực tế với tâm lý mệt mỏi, nhọc nhằn vì cầu không được. Thay vì lao tâm khổ tứ vì những ý tưởng tiêu cực do lo lắng sợ hãi tạo ra, ý niệm biết ơn sẽ giúp chúng ta trở nên an ổn và tâm thanh thản hơn trong cuộc sống.

 

TG: Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top