Tham thiền Thoại đầu chứ không phải niệm câu thoại

12/09/2016 1:11
Nên biết rằng, đả thất tức là vì việc khai ngộ tâm tánh và vì cầu trí huệ. Nếu lại khởi tâm cầu nữa thì ví như lấy đầu đặt lên đầu. Hôm nay, chúng ta đã hiểu rõ rồi thì chỉ lo đề khởi câu thoại đầu. Nếu trong lúc dụng công, chưa có thể đề khởi thoại đầu lên được, thì chớ có gấp rút, chỉ việc xả bỏ muôn niệm để không còn tình tưởng, liên tục thầm lặng, xoay chiếu trở lại.
Đại Hòa thượng Vi Phảng thật rất từ bi. Chư vị ban thủ cũng có tâm tha thiết muốn hoằng dương Phật pháp, cùng các vị đại cư sĩ có đạo tình, đồng phát tâm đả thiền thất, lại yêu cầu Hư Vân tôi ra làm chủ thất. Thật tình mà nói, đây là một nhân duyên thù thắng vô vàn. Ngặt vì tuổi già sức yếu, lại thêm bịnh hoạn, nên tôi không thể giảng nhiều được.

Đấng Thế Tôn thuyết pháp hơn bốn mươi năm, lời hiển lời mật, ngôn giáo tràn đầy trong ba tạng mười hai bộ. Hôm nay đại chúng yêu cầu tôi ra thuyết pháp, thì chỉ bất quá lập lại lời dư thừa của Phật Tổ. Bàn về tông môn, lúc còn tại thế, vào một lần nọ đang ngồi trên pháp tòa, đức Phật được vua trời Đại Phạm cúng dường cành hoa Kim Đàn. Ngài bèn đưa cành hoa Kim Đàn lên để dạy đại chúng. Lúc ấy, dưới tòa đại chúng trời người đều không hiểu chi hết, duy chỉ có Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là tủm tỉm mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo:
- Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay đem phó chúc cho ông Ca Diếp.
 
Đó là truyền ngoài giáo lý, không lập văn tự, đi thẳng đến pháp môn vô thượng. Người sau mù mờ, cho đó là thiền. Nên biết rằng trong Kinh Đại Bát Nhã, có kể đến hơn hai mươi loại thiền, mà tất cả đều không phải là cứu cánh. Duy thiền trong tông môn là không lập giai cấp, chỉ thẳng vào tâm địa, thấy tánh thành Phật. Do đó, không có quan hệ với việc đả thất hay không đả thất. Chỉ vì căn tánh chúng sanh ngày càng ngu mê, vọng tưởng đầy rẫy, nên chư tổ mới đặt ra phương tiện để nhiếp thọ. 

Tông môn này, kể từ Tổ Ma Ha Ca Diếp truyền cho đến ngày nay, trải qua sáu bảy mươi đời. Triều đại Đường và Tống (619-1278), gió thiền lan khắp thiên hạ, hưng thịnh một thời. Hiện tại, thiền tông đến thời kỳ suy vi tột bậc, chỉ có vài nơi như Kim Sơn, Cao Mân, Bảo Quang còn giữ được chút tông phong. Thế nên, nhân tài trong tông môn thật hiếm hoi. Cũng đả thất tham thiền, nhưng đa số chỉ vì danh, mà không có thực thể.

Khi xưa, thất tổ Hành Tư hỏi Lục Tổ Huệ Năng:

- Làm thế nào để khỏi lạc vào giai cấp?

Lục Tổ hỏi lại:

- Ông đã từng làm những gì?

- Thánh đế còn chẳng làm, thì có gì là giai cấp?

Lục Tổ thầm chấp nhận, hứa khả. Hiện tại, căn khí chúng ta rất cứng cỏi, nên chư đại Tổ Sư mới giả lập phương tiện, dạy tham quán câu thoại đầu. Sau đời Tống, người niệm Phật rất nhiều, nên chư đại Tổ Sư lại dạy tham quán câu "Ai là người đang niệm Phật?"

Ngày nay, mọi nơi đều theo pháp này mà dụng công, nhưng có rất nhiều người không hiểu rõ ràng, cứ để câu "Ai là người đang niệm Phật" nơi cổ họng, rồi niệm đến niệm lui không dừng, thành ra tụng niệm, chứ không phải tham quán câu thoại đầu. Tham thoại đầu tức là tham khán. Thế nên, trong mọi thiền đường đều có treo bốn chữ "Chiếu Cố Thoại Đầu". Chiếu tức là phản chiếu. Cố tức là xoay trở lại. Nghĩa là phải tự phản chiếu, nhìn vào tự tâm. Gọi đó là quán thoại đầu.

"Ai là người niệm Phật", khi chưa khởi lên thì gọi là thoại đầu, còn đã khởi lên rồi thì gọi là thoại vĩ (đuôi). Chúng ta tham khán thoại đầu thì phải nên xem khán chữ "Ai". Lúc tâm chưa khởi lên chữ "Ai" thì như thế nào? Giống như lúc đang niệm Phật, có người đến hỏi:

- Bạch Thầy! "Ai" đang niệm Phật?

Nếu đáp:

- Tôi là người đang niệm Phật.

Người đó lại hỏi:

- Thầy là người niệm Phật. Vậy miệng niệm hay ý niệm? Nếu nói miệng niệm thì lúc ngủ, sao không niệm? Nếu nói tâm niệm thì lúc thân này chết mất, sao không tiếp tục niệm?

Do đó, chúng ta có một nghi vấn, phải nên truy cứu: "Câu thoại đầu đây từ đâu mà đề khởi? Tôi là ai?" Vi vi tế tế, phản chiếu xoay lại, xem xét kỹ càng, đó gọi là nghe lại tự tánh của mình.

Lúc đi bộ hành hương phải ngẩng đầu lên và cái gáy chạm đến cổ áo. Phải bước theo nhịp chân người trước. Tâm phải bình bình tịnh tịnh. Không nên ngó sang đông qua tây, chỉ nhất tâm xoay lại, phản chiếu câu thoại đầu. Lúc ngồi, không nên ưỡn ngực về phía trước. Đừng để hơi thở quá cao hay quá thấp, chỉ để tự nhiên tùy theo hơi thở. 

Lại nữa, phải thu nhiếp sáu căn, mắt tay mũi lưỡi thân ý. Phải buông bỏ muôn niệm. Luôn luôn xoay chiếu lại thoại đầu, chớ bỏ quên mất. Đừng xem khán quá vi tế, nếu quá vi tế thì bị hôn trầm (tức buồn ngủ) lạc vào không vọng, không thể thọ dụng chi được. Đừng xem khán quá thô; nếu quá thô thì phù trầm (tức vọng tưởng) nổi lên, không thể khởi thoại đầu được. Nếu xem khán được thoại đầu thì công phu tự nhiên từ từ thuần thục, tập khí dần dần giảm bớt. Người mới bắt đầu dụng công thì khó lòng mà xem khán được thoại đầu. Tuy vậy, quý vị đừng lo sợ, lại cũng đừng có vọng tưởng là muốn khai ngộ, hay cầu được trí huệ v.v... 

Nên biết rằng, đả thất tức là vì việc khai ngộ tâm tánh và vì cầu trí huệ. Nếu lại khởi tâm cầu nữa thì ví như lấy đầu đặt lên đầu. Hôm nay, chúng ta đã hiểu rõ rồi thì chỉ lo đề khởi câu thoại đầu. Nếu trong lúc dụng công, chưa có thể đề khởi thoại đầu lên được, thì chớ có gấp rút, chỉ việc xả bỏ muôn niệm để không còn tình tưởng, liên tục thầm lặng, xoay chiếu trở lại. Khi vọng tưởng khởi lên, nếu không màng đến, thì chúng sẽ tự nhiên lặng mất. 

Vì vậy bảo: - Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.

Vọng niệm khởi lên, chỉ dùng định lực xoay lại xem khán thoại đầu. Nếu mất thoại đầu, phải mau đề khởi lại. Mới ngồi thiền thì dường như là chỉ lo dẹp vọng tưởng, nhưng lâu dần thì thoại đầu từ từ khởi lên được. Khi ấy, quý vị có thể ngồi hết cả một cây nhang. Nếu không để mất thoại đầu thì kết quả sẽ rất tốt.

Ngôn ngữ chỉ là lời nói suông. Quý vị hãy nên chân thật dụng công.

Thiền sư Hư Vân (Thiền thất khai thị lần thứ nhất tại chùa Ngọc Phật, thành phố Thượng Hải, năm 1953)

Các tin tức khác

Back to top