Tất cả sự vật luôn nói lên sự thật và chân lý

13/02/2017 1:44
Khi một loại cây ăn quả ra hoa, một làn gió lay động sẽ làm hoa rụng xuống đất. Số hoa còn lại trên cây sẽ phát triển thành quả non. Một làn gió lại thổi qua và một số quả non lại rụng! Số còn lại trên cây tiếp tục chín dần và rơi rụng dần cho đến khi quả chín muồi; chúng sẽ chờ để được hái xuống hoặc rụng xuống.

Con người ta cũng vậy, giống như hoa và trái cây trong gió, họ cũng rời khỏi cuộc đời này vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Một số sinh linh ra đi khi vẫn còn trong bụng mẹ, những trẻ sơ sinh khác qua đời chỉ trong vòng một vài ngày sau khi sinh. Một số khác sống được vài năm và chết khi chưa kịp trưởng thành. Có những nam thanh nữ tú chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Còn những người khác sống thọ hơn và chết vì bệnh già.

Khi chiêm nghiệm về cuộc đời con người, chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh của hoa và quả trên cây trong gió; cả hai đều không có gì chắc chắn và bảo đảm. Tương tự, luật vô thường cũng có thể hiện diện trong đời sống tự viện. Một số người đến tự viện với khao khát cháy bỏng là được xuất gia nhưng sau đó, vì một lý do nào đó, họ thay đổi ý định và rời đi khi đang tập sự xuất gia hoặc ngay cả sau khi đã xuống tóc và khoác y. Một số người khác đến chùa với dự định xuất gia ngắn hạn để gieo duyên trong vòng một khóa tu. Cũng giống như trái trên cây đung đưa theo gió, tất cả đều không chắc chắn! Một tâm nguyện có thể xuất hiện trong lòng người và thôi thúc anh ta tìm đến tự viện, sau đó tâm nguyện có thể thay đổi và anh ta rời đi, giống như trái xanh trên cành trong những ngày gió mạnh.

Đức Phật thấu hiểu bản chất không chắc chắn của sự vật. Ngài quán sát hiện tượng trái cây trong gió, liên hệ với việc tu học của các đệ tử của Ngài và rút ra được bản chất vô thường, không chắc chắn trong mọi sự vật và hiện tượng! Đây là cách sự vật vận hành.

Như vậy, đối với một người đang tu học thực tập về sự tỉnh giác, không cần ai đó phải chỉ dẫn và giảng dạy nhiều thì mới có thể nhìn thấy và ngộ ra chân lý. Đức Phật là một ví dụ điển hình, trong một tiền kiếp Ngài là vua Chanokomun. Nhà vua không cần phải học hỏi nhiều. Tất cả những điều nhà vua phải làm là quan sát một cây xoài và ngộ ra được chân lý của cuộc đời.

Ngày nọ, khi cùng với đoàn tùy tùng gồm các quan đại thần đi ngắm cảnh ở vườn thượng uyển, từ trên lưng voi, nhà vua nhìn thấy có những cành xoài trĩu quả chín mọng thơm ngon. Vì không tiện dừng lại lúc ấy, nhà vua dự định khi xong việc sẽ trở lại sau và hái quả để mọi người cùng ăn. Tuy nhiên nhà vua không biết rằng các quan đại thần hộ tống phía sau cũng nhìn thấy và họ đã nhanh tay lấy sào hái hết tất cả các quả xoài trên cây, thậm chí họ còn bẻ cành vặt lá để cho dễ hái. Vào buổi chiều tối khi quay trở lại thăm vườn xoài, nhà vua đã mường tượng trong tâm trí mình về những quả xoài chín mọng và hương vị thơm ngon khi thưởng thức chúng. Nhưng rồi nhà vua đã đi từ ngạc nhiên đến thất vọng buồn bã khi nhận thấy rằng tất cả các quả xoài trên cây đều đã biến mất. Chẳng những thế, cành lá của chúng cũng bị vặt bẻ đến xơ xác và quăng rải rác dưới đất.

Sau đó Ngài nhận thấy một cây xoài gần đó với cành lá vẫn còn nguyên vẹn, xanh tốt. Ngài phân vân không biết tại sao. Sau đó, nhà vua nhận ra đó là vì cây xoài ấy không có trái. Nếu cây xoài không có trái, không ai quan tâm và làm phiền nó, nhờ vậy, nó không bị đau đớn và cành lá không bị hư hại. Bài học này cứ ám ảnh tâm trí nhà vua khi Ngài quay trở về cung điện: chẳng phải làm vua với quyền uy và khả năng ban phát nhiều bổng lộc đã không làm mình khó chịu, phiền não và khổ sở lắm hay sao? Làm vua thì phải luôn quan tâm và lo lắng về mọi thứ, nào là nỗi lo về giặc loạn, cướp bóc, giặc ngoại xâm lấn chiếm vương quốc, rồi lo cho quốc thái dân an… Làm vua thì thật sự là không thể nghỉ ngơi một cách yên tĩnh, thanh nhàn, ngay cả trong giấc ngủ và cả trong những giấc mơ.

Một lần nữa, hình ảnh cây xoài không quả với cành lá xanh tốt sum suê không bị vặt bẻ lại xuất hiện trong trí nhà vua. Nhà vua nghĩ, nếu mình giống như cây xoài ấy, mình sẽ không phải bị tổn hại và quấy rầy.

Về cung điện, Ngài ấy đã ngồi thiền và chiêm niệm. Nhà vua đã so sánh bản thân mình với cây xoài và kết luận rằng nếu một người không can dự vào việc thế tục, người ấy sẽ thực sự được tự do thoát khỏi những lo lắng, ràng buộc hay phiền não. Tâm người ấy sẽ được thanh thản.

Chiêm nghiệm như thế, cuối cùng nhà vua quyết định xuất gia và trở thành nhà sư nhờ vào bài học từ cây xoài.

Từ lúc ấy trở đi, bất cứ nơi nào ngài đến, khi được hỏi thầy dạy của mình là ai, Ngài đều trả lời: một cây xoài. Ngài không cần người khác dạy dỗ gì nhiều. Một cây xoài có thể khiến nhà vua bừng tỉnh và giác ngộ. Ngài quán sát từng sự kiện của cuộc sống này để nhận ra Pháp. Với sự tỉnh giác này, Ngài trở thành một nhà sư với tâm không vướng bận, ít muốn biết đủ và sống vui ở chốn A Lan Nhã. Ngài đã bỏ lại ngôi vua và cuối cùng tâm ngài tìm thấy sự bình an.

Trong câu chuyện này, Đức Phật là một vị Bồ Tát đã tinh tấn tu luyện tâm mình nhờ vào Giáo pháp từ thực tế. Giống như nhà vua Chanokomun, tiền thân của Đức Phật, chúng ta cũng nên quán sát và học hỏi từ thực tế vì mọi sự vật trên thế giới này đều sẵn sàng để giáo huấn ta. Chỉ cần bắt đầu với một chút trí tuệ trực giác, chúng ta sẽ dần dần có thể hiểu thấu được các pháp. Chúng ta sẽ thấy rằng tất cả mọi sự vật trên thế giới này đều là vị thầy nhiệt tình và tuyệt vời. Ví dụ như cây cỏ quanh ta, chúng đều có thể tỏ lộ cho ta thấy sự thật và chân lý. Với trí huệ và tinh thần ham học hỏi, chúng ta không cần phải hỏi ai hay phải học rất nhiều để có thể tinh tấn. Chúng ta có thể lắng nghe và học hỏi từ thiên nhiên để được giác ngộ, như câu chuyện của nhà vua Chanokomun, bởi vì tất cả sự vật luôn nói lên sự thật và chân lý. Chúng không bao giờ xa rời chân lý.

 

Việt Dịch: Diệu Liên Hoa - Trích Everything is Teaching Us - Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top