Nghệ thuật và con đường hoằng pháp

6/06/2017 1:12
1/ Nghệ thuật chính là cuộc sống
Trong đời sống của mỗi chúng ta, tất cả đều là nghệ thuật. Mỹ thuật là mọi nghệ thuật hướng đến. Mỹ thuật có khả năng làm cho con người từ thân thể xấu trở thành thân thể đẹp; từ một cách nhìn xấu chuyển sang một cách nhìn mỹ thuật, nghệ thuật; từ một góc nhìn chuyển sang nhiều góc nhìn, từ một cách nhìn phiến diện đưa tới một cách nhìn toàn diện, và khám phá ra nhiều góc cạnh khác nhau của một vấn đề, của một sự hiện hữu. Qua sự giáo dục này khiến con người mở rộng được sự hiểu biết và có khả năng chấp nhận những dị biệt tín ngưỡng, văn hóa, phong tục tập quán vùng miền và cùng nhau đưa tới một điểm chung, là chân thiện và chân mỹ.
 
2/ Ứng dụng nghệ thuật vào trong đời sống

Tại phòng trưng bày nghệ thuật của Phật Quang Sơn, chúng tôi thấy rằng, mỗi bình trà là mỗi thế giới của nghệ thuật và mỗi tách trà cũng vậy. Nghệ thuật hơn là những lá trà liên kết lại với nhau để tạo thành hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm chứa đựng đầy đủ các phẩm tính của Trí tuệ và Từ Bi của một vị Bồ tát. Không phải bình trà, chén trà và trà là biểu hiện những nghệ thuật mà cách chế trà, uống trà và thưởng thức trà lại là một nghệ thuật trên cả nghệ thuật. 

Uống trà để tâm được yên lắng và tiếp xúc được với thực tại chính nó lại là một nghệ thuật của thiền tập và là thiền tập ngay khi uống trà.

"Tách trà trong đôi tay
Chính niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Ngay trong phút giây này".

Ấy là bài thi kệ giúp chúng ta khám phá nghệ thuật của cuộc sống qua sự uống trà. Nên uống trà không còn là uống trà đơn thuần, mà uống trà trở thành nghệ thuật của đời sống. Khi uống trà vượt khỏi mọi không gian và thời gian thì uống trà không còn là nghệ thuật mà uống trà trở thành trà đạo. Đạo thì không còn là nghệ thuật mà là chân thật. Đạo chính là cuộc sống cao đẹp và chúng ta cần đem sự cao đẹp đó mà sống và đối xử với nhau hằng ngày.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
3/ Nghệ thuật tự thân

Mỗi con người chúng ta đều là tự thân của nghệ thuật. Đi, đứng, nằm, ngồi tất cả đều là tự thân của nghệ thuật. Và mỗi người đều có nghệ thuật riêng của chính mình, cho nên biểu hiện nghệ thuật thì không ai giống ai, vì sao? Vì tâm ý của mỗi người khác nhau nên sự biểu hiện nghệ thuật cũng khác nhau. Tất cả chúng ta đều đi, nhưng không có cái đi của ai giống ai; tất cả chúng ta đều ngồi nhưng không có cái ngồi nào giống cái ngồi nào; tất cả chúng ta đều đứng nhưng không có cái đứng nào giống cái đứng nào; tất cả chúng ta đều nằm nhưng không có cái nằm nào giống cái nằm nào. 

Do đó, cuộc sống con người là đa dạng, nên nghệ thuật do họ biểu hiện cũng đa dạng. Tuy nhiên, Phật giáo giáo dục nghệ thuật là dạy cho con người đi những bước đi ở trong chính niệm để ngay nơi bước đi ấy chế tác ra sự an lạc cho chính họ. Giáo dục nghệ thuật Phật giáo là dạy cho người ta biết ngồi ở trong tư thế hoa sen hay kiết già và theo dõi hơi thở tạo ra sự bất động của thân và tâm đưa đến sự an lạc trong lúc ngồi. Phật giáo giáo dục nghệ thuật đứng một cách vững chãi, mười ngón chân của hai bàn chân chạm sát xuống đất và đứng vững chãi trên mặt đất là biểu hiện cho nghệ thuật, tự mình đứng dậy giữa cõi đời sinh tử và bất động giữa khen chê của cuộc đời. 

Phật giáo giáo dục nghệ thuật nằm trong tư thế sư tử, nghĩa là nằm nghiêng về phía bên phải, tay trái duỗi thẳng trên mình, năm ngón tay khép lại sát nhau, tay phải đặt dưới đầu là biểu hiện cho tư thế nằm nghệ thuật cát tường. Với nghệ thuật nằm này, khiến tim của chúng ta không bị chèn ép bởi thế nằm của chúng ta và làm cho máu lưu thông khiến chúng ta có một giấc ngủ an lành. Ấy là giáo dục nghệ thuật đi, đứng, nằm, ngồi ở trong Phật giáo mà thuật ngữ chuyên môn của Phật học gọi là biểu hiện oai nghi của một người biết tu tập.
 
4/ Nghệ thuật đồng nhất

Nhìn thấy muôn vật là một nghệ thuật nhưng nếu chúng ta nhìn muôn vật với trí tuệ và tâm từ bi thì ta sẽ khám phá ra mọi sự hiện hữu đều là mầu nhiệm. Vì sao? Vì cái này hiện hữu là giúp cho cái kia hiện hữu, và cái kia hiện hữu là giúp cho cái này hiện hữu; cái này đang hiện hữu ở trong cái kia và cái kia hiện hữu ở trong cái này. Năm ngón tay đang có mặt ở trong một bàn tay và bàn tay có mặt để cho năm ngón tay hiện hữu. Với nghệ thuật nhìn này ta có thể khám phá ra mọi vật hiện hữu ở trong toàn thể vũ trụ cũng đều như vậy. Với cách nghe, cách ngửi, cách nếm, cách tiếp xúc muôn vật qua thân thể và tâm ý chúng ta cũng sử dụng trí tuệ và từ bi để nhìn thấy rõ hết thảy chúng đều như chính nó.
 
5/ Nghệ thuật chắp tay

Chúng ta chắp tay chào nhau là cả một nghệ thuật. Năm ngón tay trong bàn tay của mỗi chúng ta là biểu hiện cho đất, nước, gió, lửa và không. 

Năm ngón tay trái của người đàn ông là biểu hiện cho đất, nước, gió, lửa và không thuộc về tính Dương hay là tính Động; năm ngón tay phải của người đàn ông là biểu hiện cho đất, nước, gió, lửa và không thuộc về tính âm hay là thuộc tính tĩnh.

Và năm ngón tay trái của người nữ là biểu hiện của đất, nước, gió, lửa và không thuộc về tính âm hay là tính tĩnh, và năm ngón tay phải của người nữ là biểu hiện của đất, nước, gió, lửa và không thuộc về tính dương hay là tính động. Nên mỗi khi chúng ta chắp tay là ta đưa dương đi về với âm và âm đi đến với dương tạo thành âm dương nhất thể. Do âm dương nhất thể cho nên nó tỏa ra vô lượng ánh sáng, tạo thành sinh mệnh vô tận và tạo nên sự bất động giữa tính động và tĩnh của âm và dương, và tạo thành bất diệt giữa các pháp sinh diệt của thế gian. 

Tính bất động hay tính không sinh diệt là tính rỗng lặng ở nơi mười ngón tay hợp nhất. Nên chắp tay chào nhau là biểu hiện cho một đóa hoa sen thanh khiết từ ba nghiệp thanh tịnh để hiến tặng cho nhau, cho nên người biết tu tập là tạo nên bông hoa thanh khiết cho chính mình giữa cõi đời ô trược. Nên con người là tinh hoa của đất trời và vũ trụ. Con người hiện hữu là một nghệ thuật của tình yêu mang đầy hai chất liệu trí tuệ và từ bi. Trí tuệ là biểu hiện cho tính tĩnh và từ bi là biểu hiện cho tính động. Trí tuệ và Từ bi là bất nhị khi chúng ta chắp hai bàn tay lại để chào nhau.
 

HT. Thích Thái Hòa

Các tin tức khác

Back to top