Dốc lòng tu tập

14/12/2017 3:01
Tôi không có nhiều kiến thức. Tôi không học nhiều. Điều mà tôi học là tâm và trí này của tôi, và tôi đã học theo đường lối tự nhiên qua kinh nghiệm, mò mẫm.
 

GIÁO LÝ CĂN BẢN

DỐC LÒNG TU TẬP

Thứ tư, 17 tháng 05 năm 2017
Tôi không có nhiều kiến thức. Tôi không học nhiều. Điều mà tôi học là tâm và trí này của tôi, và tôi đã học theo đường lối tự nhiên qua kinh nghiệm, mò mẫm.

Khi tôi thích điều gì, tôi liền quan sát sự việc gì đã xảy ra như thế nào và điều ấy sẽ đưa tới đâu. Không thể nào tránh khỏi được, thế nào việc đó cũng kéo tôi vào một khổ sở xa xăm nào đó. Sự tu tập của tôi là tự mình quan sát lấy chính mình. Khi sự hiểu biết và minh quán từ từ được thâm sâu, tôi mới biết được chính tôi.

Bạn phải dốc lòng tu tập! Nếu bạn muốn thực tập Chánh Pháp, xin bạn đừng suy nghĩ nhiều quá. Nếu bạn đang hành thiền và nhận thấy mình đang cố gắng để đạt kết quả đặc biệt nào, thì tốt hơn bạn ngưng lại. Khi tâm bạn đã lắng yên lại để trở nên an định, rồi bạn lại nghĩ: "Đấy, đấy! Chính nó đấy, phải không?", thì bạn cũng nên ngừng lại. Hãy lấy tất cả các kiến thức phân tích và lý thuyết của bạn đem gói lại hết và cất kỹ vào trong hộc tủ. Và đừng đem nó ra để tranh luận hay giảng dạy. Đó không phải là loại kiến thức đã đi sâu vào bên trong. Chúng là loại kiến thức khác.

Khi thực tại của một sự việc nào được thấy đến, nó không giống với những gì đã được viết ra để mô tả. Thí dụ như, ta viết ra chữ "ham muốn nhục cảm". Khi ham muốn nhục cảm thực sự đang tràn ngập tâm, thì không thể nào các chữ viết đó chuyên chở được đúng nguyên ý nghĩa như thực tại cả. Đối với sự "giận" cũng lại như thế. Ta có thể viết lên bảng đen chữ "giận", nhưng khi ta thực sự sân giận, thì kinh nghiệm lại không giống như thế. Ta không thể đọc thật nhanh cho kịp chữ ấy, và tâm đã bị cơn giận dữ nhận chìm rồi.

Đây là điểm vô cùng quan trọng. Các lời dạy về lý thuyết thật là chính xác, nhưng đưa được chúng vào tâm mới là điều quan yếu. Chúng cần phải được "nội trú hóa". Nếu Chánh Pháp không được mang vào trong tâm, thì Chánh Pháp chưa được biết thực sự. Chánh Pháp chưa được thấy thực sự. Tôi cũng đã trải qua như thế. Tôi không học nhiều, tôi chỉ học đủ để dự các kỳ thi về Căn bản Phật học. Một hôm tôi có duyên may được nghe một vị thiền sư thuyết pháp. Trong lúc lắng nghe, vài tư tưởng bất kính nổi lên. Lúc đó, tôi chưa biết cách nghe một bài pháp cho có ích lợi. Tôi không hiểu vị thiền sư du tăng đó đã nói những gì. Vị ấy giảng dạy như thể là khởi từ sự kinh nghiệm bản thân trực tiếp của mình và tựa như vị ấy đang đi tìm chân lý vậy.

Một thời gian sau, khi tôi thu thập được vài kinh nghiệm đầu tay về sự tu tập, tôi mới tự thấy được sự thật của những gì mà vị thiền sư kia đã dạy. Tôi mới hiểu ra được cách phải hiểu như thế nào. Trí tuệ liền khởi lên theo sau đó. Chánh Pháp bắt đầu bắt rễ trong chính tâm trí tôi. Phải mất một thời gian rất dài, rất lâu, trước khi tôi nhận thức được rằng tất cả những gì mà vị du tăng kia đã giảng dạy đều bắt nguồn từ nơi kinh nghiệm của chính ông, chứ không phải phát xuất từ sách vở. Vị ấy đã nói, dựa theo sự hiểu biết và minh quán của chính ông. Khi chính tôi dấn bước trên Con Đường, tôi mới gặp mọi chi tiết mà vị ấy đã mô tả, và tôi phải nhìn nhận rằng ông đã nói đúng. Rồi cứ thế mà tôi tiếp tục.

Bạn phải tận lực tu tập theo pháp hành. Cho dù nó có an hòa hay không, bạn cũng đừng lo ngại gì ở thời điểm này. Điều quan trọng ưu tiên hàng đầu là bạn phải bắt đầu tu tập và gieo các nhân duyên cho sự giải thoát về sau này. Nếu bạn thật sự gia công tu tập, bạn không cần lo âu về kết quả. Đừng lo lắng khi bạn chưa thấy kết quả. Lo lắng thì không được yên ổn. Tuy nhiên, nếu bạn không chịu ra sức công phu, thì làm sao bạn có kết quả? Bạn hy vọng thấy được gì? Chỉ kẻ nào chịu khó tìm tòi thì kẻ ấy mới khám phá ra. Ai có ăn thì người ấy no. Muôn sự vật quanh ta đều dối gạt ta. Nhận thức điều ấy cả mười lần, cũng vẫn còn tốt. Nhưng mà "lão cuội sói đầu" kia cứ nhai đi nhai lại các mẩu chuyện cổ và các lời dối trá mãi. Nếu ta biết lão ấy nói dóc, thì cũng không quá tệ, nhưng mà còn rất lâu, thật là lâu, ta mới biết ra được như thế. Lão già cứ tìm đến và cố lừa phỉnh ta với sự man trá hoài hoài.

Hành trì Pháp có nghĩa là trì giữ giới hạnh, phát triển định lực và đào luyện trí tuệ nơi tâm ta. Ghi nhớ và suy ngẫm về Tam Bảo: Đức Phật, Giáo pháp và Tăng Đoàn. Tuyệt đối từ bỏ mọi sự vật, không chừa một ngoại lệ nào. Công phu tu tập của chính ta là những nguyên nhân và điều kiện để chín muồi ngay trong đời này. Vậy thì, bạn phải thành tâm nỗ lực.

Ngay cả khi ta ngồi hành thiền trên ghế, ta cũng vẫn có thể tập chú tâm. Lúc đầu, ta không cần phải chú tâm đến nhiều thứ - chỉ cần chú tâm đến hơi thở của ta. Nếu ta muốn, ta có thể lập đi lập lại các chữ "Buddho" (Phật), "Dhammo" (Pháp), hay "Sangho" (Tăng) cùng một lượt với mỗi hơi thở. Trong khi chú tâm, đừng tìm cách kiểm soát hơi thở. Nếu hơi thở xem thấy như nhọc mệt hay thiếu khoan khoái, điều đó cho biết rằng ta còn tập chưa đúng cách. Khi nào ta còn chưa thoải mái với hơi thở, thì hơi thở xem như quá cạn hoặc quá sâu, quá tế nhị hoặc quá thô phù. Tuy nhiên một khi đã thư giãn với hơi thở, thấy nó thích thú và khoan khoái, nghe được rõ ràng mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra, thì ta đang hiểu đúng cách phải làm như thế nào. Nếu không làm đúng cách, ta sẽ lạc mất hơi thở. Khi việc này xảy ra, nên tạm ngưng trong một chốc, rồi chú tâm lại vào chánh niệm.

Nếu trong khi hành thiền, bạn thấy có sự thúc dục muốn thể nghiệm các hiện tượng tâm linh, hoặc tâm trí trở nên chiếu rạng ngời sáng, hoặc bạn thấy hình ảnh các cung điện trên cõi Trời, v.v., thì cũng không cần phải lo sợ. Chỉ cần nhận biết những gì bạn đang thể nghiệm và tiếp tục hành thiền. Đôi khi, sau một lúc, hơi thở dường như chậm lại rồi ngừng. Bạn có cảm giác như hơi thở đã biến mất và bạn hoảng hốt lên. Đừng lo lắng, không có chi đáng sợ hãi cả. Đó là trí bạn tưởng rằng hơi thở đang ngừng. Thật ra, hơi thở vẫn còn đó, nhưng nó trở nên tế nhị hơn mức bình thường. Không bao lâu, nó sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Trong buổi đầu, chỉ cần tập trung vào việc làm cho tâm trở nên yên tịnh và an định. Dù ngồi trên ghế, ngồi trong xe, trên thuyền, hoặc bất cứ nơi nào bạn đang có mặt, bạn cũng phải thành thạo trong việc đưa tâm vào an định theo ý mình muốn. Khi bạn lên xe lửa và ngồi xuống ghế, lập tức đưa tâm vào tình trạng an định. Bất kỳ ở đâu, bạn cũng vẫn có thể hành thiền. Mức độ thành thạo của bạn chứng tỏ rằng bạn đã quen thuộc với Con Đường. Rồi thì bạn bắt đầu thẩm tra. Hãy dùng sức mạnh của tâm an định mà thẩm tra những gì bạn thể nghiệm. Có lúc, đó là những gì bạn thấy; có lúc, đó là những gì bạn nghe, ngửi, nếm, cảm xúc trong thân thể, hoặc nghĩ ngợi hay cảm nhận trong tâm. Các kinh nghiệm về giác quan dù xảy ra dưới hình thức nào - có đáng thích thú hay không - bạn cứ nắm lấy để quán chiếu. Chỉ giản dị nhận biết về những gì bạn đang thể nghiệm. Đừng áp đặt một ý nghĩa nào, hoặc một sự giải thích nào, lên trên các đối tượng của sự nhận biết về giác quan đó. Nếu nó tốt, cứ hay biết là nó tốt. Nếu nó xấu, cứ hay biết là nó xấu. Đây là một thực tại qui ước. Thiện hay ác, chúng đều vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Chúng không đáng tin cậy. Không có chi nơi chúng đáng cho ta chụp lấy và đeo níu cả. Nếu bạn có thể duy trì được sự tu tập an định và thẩm tra này, thì trí tuệ tự động sẽ khởi sinh. Những gì được cảm nhận và thể nghiệm đều rơi vào ba cái hố vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Đây là hành thiền Minh quán (Vipassanā). Tâm đã an định rồi, và nếu khi nào các tâm trạng bất tịnh có khởi lên, bạn cứ quẳng chúng vào một trong ba cái hố rác đó. Đây là cốt tủy của Minh quán (Vipassanā): vứt bỏ tất cả vào vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tốt, xấu, ghê tởm, hoặc là gì đi nữa, cũng cứ liệng xuống đó. Không bao lâu, sự thông hiểu và tuệ minh quán sẽ nở hoa ngay giữa ba đặc tính phổ quát - đó là tuệ minh quán còn yếu ớt. Vào những bước đầu, trí tuệ vẫn còn yếu, nhưng bạn nên gắng duy trì sự tập luyện này cho bền bỉ. Khó mà diễn tả ra thành lời, nhưng cũng tựa như có người muốn biết tôi, người ấy phải đến đây và sống ở đây. Qua tiếp xúc hàng ngày, chúng ta sẽ biết nhau nhiều hơn.

 

Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top