Tôn trọng truyền thống

18/12/2017 2:50
Đã đến lúc ta phải bắt đầu hành thiền. Hành thiền để thông hiểu, để buông xả, để vứt bỏ, và để được an định.

Ngày trước, tôi là một du tăng. Tôi đi bộ tìm gặp các thiền sư và tìm sự tịch liêu hiu quạnh. Tôi đi nhiều nơi, không phải là để thuyết pháp. Tôi đến để nghe các buổi pháp thoại của các bậc đại sư đương thời. Tôi không đến để dạy cho các Ngài. Tôi lắng nghe bất cứ điều gì các Ngài giảng dạy. Ngay cả khi các vị tu sĩ, trẻ và thấp hạ, nói với tôi thế nào là Chánh Pháp, tôi cũng kiên nhẫn lắng nghe. Tuy nhiên, tôi ít khi tham gia tranh luận về Chánh Pháp. Tôi không thấy có lý do gì mà mình lại phải dính dấp vào các cuộc tranh luận dài dòng. Bất cứ lời dạy nào tôi chấp nhận, tôi đều thực hành ngay, theo chiều hướng đưa đến sự xả ly và buông bỏ. Ta không cần phải là những học giả về kinh điển. Mỗi ngày ta mỗi già nua, thế mà mỗi ngày ta lại cứ vồ lấy một ảo ảnh, bỏ mất sự vật chân thật. Thực hành Pháp là điều khác hẳn với việc nghiên cứu Pháp.

Tôi không chỉ trích bất cứ một pháp hành thiền hay một phương cách hành thiền nào cả. Khi ta thông hiểu rõ mục đích thực sự của của các pháp thiền đó, chúng không có gì sai lầm. Tuy nhiên, nếu người nào tự gọi mình là thiền giả Phật giáo, mà không tuân thủ đúng theo các giới luật (Vinaya), theo ý tôi, người ấy sẽ không bao giờ thành công. Tại sao? Bởi vì người ấy cố tình bỏ qua một đoạn hết sức thiết yếu của Con Đường. Bỏ qua giới hạnh, thì định lực và trí tuệ không khởi động được. Vài người có thể bảo bạn không cần bám víu vào sự an định của pháp hành thiền An chỉ (Samatha): "Đừng bận tâm với thiền An chỉ, cứ tiến thẳng đến trí tuệ và thực tập thiền Minh quán (Vipassanā)". Theo tôi, nếu chúng ta đi theo lối tắt tiến thẳng vào thiền Minh quán, rồi ra, ta sẽ thấy không thể nào hoàn tất trọn vẹn cuộc hành trình của ta.

Đừng bỏ qua phương thức và kỹ thuật hành thiền của các vị đại sư lỗi lạc trong truyền thống Sơn Lâm như các Ngài Ajahn Sao, Mun, Taungrut và Upali. Con đường các Ngài chỉ dạy rất đáng tin cậy và đúng với sự thật - nếu ta làm y theo cách thức mà các Ngài đã làm. Nếu theo đúng bước chân của các Ngài, ta sẽ đắc được tuệ minh quán thực sự. Ngài Ajahn Sao nghiêm trì giới luật mà không ai có thể chê trách. Ngài không bảo ta nên bỏ qua giới luật. Nếu các vị đại sư của truyền thống Sơn Lâm đó đã khuyến nhủ thực tập hành thiền và tuân thủ qui luật tu viện theo một cách đặc biệt nào, thì vì sự tôn kính sâu xa đến các Ngài, ta nên vâng theo lời dạy. Nếu các Ngài bảo làm như thế, ta phải làm như thế. Nếu các Ngài bảo ngưng lại vì đó là điều sai lầm, thì ta dừng lại. Ta tuân theo vì lòng tín phục. Ta tuân theo với sự thành khẩn và quyết tâm, không lung lay. Ta tuân theo cho đến khi nào ta thấy được Chánh Pháp trong tâm mình, cho đến khi nào ta hợp làm một với Chánh Pháp. Đó là lời dạy của các bậc đại sư theo truyền thống Sơn Lâm. Đệ tử của các Ngài, vì thế mà rất tôn quí, nể sợ và kính ái các Ngài, bởi vì nhờ theo đúng bước chân của các Ngài mà họ thấy được những gì các vị Thầy đã thấy.

Hãy tập thử một lần đi. Làm theo đúng như lời tôi nói. Nếu bạn thật tâm thực hành, bạn sẽ thấy được Chánh Pháp, bạn sẽ hòa làm một với Chánh Pháp. Nếu bạn thực sự khởi công tìm tòi, thì có gì ngăn trở bạn? Các lậu hoặc của tâm trí sẽ bị đánh bại nếu bạn đối địch chúng với một chiến lược đúng đắn: tập tánh xả ly buông bỏ, từ tốn trong lời nói, vui lòng với sự ít ỏi, và từ bỏ các lập trường và quan điểm bắt nguồn từ lòng tự mãn và kiêu mạn. Bạn chịu khó, kiên nhẫn lắng nghe mọi người, khi họ nói đúng và ngay cả khi họ nói sai. Tôi cam đoan là bạn có thể làm được như thế, nếu bạn thật lòng muốn tu tập. Tuy nhiên, các nhà học giả ít khi chịu đem Chánh Pháp ra thực hành. Cũng có vài người, nhưng chỉ là số ít. Thật đáng tiếc. Bạn đã chịu khó đến đây để thăm viếng, đó là điều đáng khen ngợi. Điều đó chứng tỏ bạn có sức mạnh nội tâm. Có vài tu viện khuyến khích sự nghiên cứu, học kinh điển. Ở đó, các vị tỳ khưu cứ học và học, học hoài mà không thấy bao giờ mới xong; nhưng họ không hề chịu cắt đứt những gì cần phải cắt đứt. Họ chỉ học chữ "an định" mà thôi. Nhưng nếu bạn có thể ngừng lại bất động, bạn sẽ khám phá ra được một chút gì có giá trị thực sự. Đó là cách mà bạn phải nghiên cứu, tìm tòi. Sự tìm tòi đó thực sự có giá trị và hoàn toàn bất động. Nó đi thẳng vào cốt lõi của những gì mà bạn đã đọc qua. Nếu các học giả không thực tập hành thiền, kiến thức của họ chứa rất ít sự hiểu biết. Một khi họ chịu đem ra thực hành các lời dạy về những gì họ đã học được, thì các điều ấy sẽ trở nên rõ ràng, sáng tỏ.

Vậy hãy bắt đầu thực tập đi. Hãy phát triển loại hiểu biết đó. Hãy thử vào rừng sống, ngụ trong các cốc nhỏ. Thử tập qua lối tu tập này một thời gian, và trắc nghiệm lấy chính mình, như thế còn nhiều giá trị hơn là lối đọc sách. Rồi thì bạn sẽ có sự tranh luận với chính mình. Trong khi ta quán sát tâm thì dường như nó đang buông bỏ và an trú trong trạng thái tự nhiên của nó. Khi nó lăn tăn gợn sóng rời khỏi chỗ ổn định đó, thì tình trạng tự nhiên khoác lấy các hình thức tư tưởng, khái niệm, và tiến trình điều kiện hóa của các hành uẩn (sankhāra) được phát động. Hãy hết sức cẩn thận và canh chừng thật kỹ lưỡng tiến trình điều kiện hóa đó. Khi nó khởi động lên và xa rời tình trạng tự nhiên, thì sự thực tập theo Chánh Pháp không còn theo đúng đường lối nữa. Hoặc nó rẽ sang sự tự dễ dãi, hoặc nó ngã theo sự tự hành xác. Ghi nhận ngay tại đó. Đó là điều đã làm khởi lên màng lưới của sự điều kiện hóa tinh thần. Nếu tình trạng tâm đang tốt, nó sẽ tạo nên sự điều kiện hóa tích cực. Nếu tình trạng ấy xấu, sự điều kiện hóa trở nên tiêu cực. Tất cả các sự việc đó đều bắt nguồn trong chính tâm của bạn.

Này bạn, kể cũng vui thú lắm khi ta quan sát kỹ lưỡng cái tâm đang hoạt động. Tôi có thể thích thú ngồi kể lại chuyện đó trọn cả ngày. Khi bạn rõ được lề lối của tâm, bạn sẽ thấy nó diễn tiến ra sao và bằng cách nào mà tâm bị các ô nhiễm tác động. Tôi thấy tâm cũng như một điểm duy nhất. Các tâm sở là những người khách đến viếng thăm điểm đó. Đôi khi, kẻ này đến viếng, đôi khi, kẻ nọ đến thăm. Họ vào trong phòng tiếp khách. Bạn tập cho tâm biết canh phòng và nhận biết họ với cặp mắt tỉnh thức thật linh động. Đây là cách bạn chăm sóc đến tâm trí bạn. Mỗi khi khách tới, bạn xua họ đi chỗ khác. Nếu bạn cấm khách vào, thì họ sẽ đến ngồi lên chỗ nào? Chỉ có một chỗ ngồi, và bạn đang ngồi ở đó. Bạn hãy ngồi suốt ngày trên điểm đó.

Đây chính sự tỉnh thức kiên cố và không lay chuyển của Đức Phật, đang canh phòng và bảo vệ tâm trí. Bạn đang ngồi ngay tại đây. Kể từ khi lọt lòng mẹ đến nay, mỗi người khách đến thăm bạn cũng đến tại đây. Dầu họ có thường đến viếng hay không, mỗi lần đến, họ cũng đến tại đây, ngay chỗ này. Biết được tất cả khách đến, sự tỉnh thức của Đức Phật ngồi một mình tại đây, kiên trì và không hề lay chuyển. Các khách đó lặn lội đến đây để tìm cách gây ảnh hưởng, để điều kiện hóa và để lung lạc tâm bạn theo nhiều cách. Khi họ làm cho tâm bạn bị vướng vít vào các vấn đề của họ, tức thì các trạng thái tâm liền khởi lên. Cho dù đó là vấn đề gì đi nữa, hay nó có đưa đi đến đâu, bạn cũng cứ quên phứt nó đi - không có gì đáng quan ngại. Chỉ cần biết khách là ai khi họ đến. Một khi họ đã ghé vào, họ thấy chỉ có một ghế, và cho đến chừng nào mà bạn vẫn còn an tọa trên đó, họ còn tìm đâu ra chỗ ngồi? Lần khác, họ lại đến, vẫn không có ghế trống. Bất kể bao nhiêu lần các vị khách lắm lời đó chường mặt đến, họ cũng gặp bạn ngồi tại chỗ ấy. Bạn không nhúc nhích rời khỏi ghế đó. Bạn thử đoán xem còn trong bao lâu nữa các bọn khách đó chịu đựng được tình trạng như thế? Chỉ cần nói chuyện với họ, bạn sẽ biết rõ được họ thật kỹ càng. Bất cứ ai, bất cứ sự việc gì mà bạn biết đến kể từ khi bạn bắt đầu kinh nghiệm về thế giới này, đều đến viếng bạn. Chỉ cần quan sát và tỉnh thức ngay đây cũng đủ để thấy được toàn bộ Chánh Pháp. Bạn thảo luận, quan sát và quán chiếu một mình bạn.

Đó là cách thảo luận về Chánh Pháp. Tôi không biết nói gì khác hơn. Tôi có thể tiếp tục nói mãi như thế này, nhưng rốt cuộc rồi thì chỉ là nói và nghe mà thôi. Tôi khuyên bạn nên dấn bước thực sự vào việc thực tập.

 

Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top