Cùng sinh ra làm người nhưng hình như không ai giống ai. Có người đoản thọ, có người trường thọ; có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; có người xấu sắc, có người đẹp sắc; có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ. Nguyên so sự khác biệt ấy là ở đâu? Đây là thắc mắc mà thanh niên Subha Todeyyaputta từng nêu ra cho Đức Phật với hy vọng tìm kiếm câu trả lời từ Ngài.
Đức Phật chứng ngộ sự thật phúc họa khác nhau của chúng sinh tùy theo nghiệp lực mà họ đã tích lũy. Với Thiên nhãn minh, Ngài thấy rõ chúng sinh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xâu, người may mắn, kẻ bất hạnh hết thảy đều do hạnh nghiệp của họ. Ngài chứng ngộ rằng: “Các chúng sinh này làm những ác hạnh về thân, khẩu, ý phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, khẩu, ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này”. Do đó, Ngài đề cao công đức thiện nghiệp và khuyên dạy Tăng chúng hãy nỗ lực làm điều lành, tránh xa điều xấu ác để hưởng an lạc đời này và phúc lạc đời sau. Bài kinh sau đây(1) phản ảnh sự chứng ngộ của Ngài về thực tại trôi chảy của đời người với các biểu hiện hoặc may mắn hoặc bất hạnh, cơ bản do nghiệp lực hay hành động của mỗi cá nhân tạo nên:
“Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
- Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu.
- Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi.
- Vậy này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:
- Thưa vâng, Tôn giả.
Thanh niên Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người áy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, tanh hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõidữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ người ấy sanh ra, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến nhiều bệnh hoạn, này Thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được ít bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn…tánh không não hại…hay với cây đao.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy chịu xấu sắc. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này Thanh niên, tức là phẫn nộ…bất mãn.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dù cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được đẹp sắc (Pasadika: hoan hỷ). Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này Thanh niên, tức là không phẫn nộ…không bất mãn.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm, ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy có quyền thế nhỏ. Con đường ấy đưa đến quyền thế nhỏ, này Thanh niên, tức là tật đố…om ấp tâm tật đố.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không bố thỉ cho Sa môn hay Bà-la-môn đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy có tài sản nhỏ. Con đường đưa đến tài sản nhỏ…ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống…ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được nhiều tài sản. Con đường ấy đưa đến nhiều tài sản…ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy sinh vào gia đình hạ liệt. Con đường ấy đưa đến gia đình hạ liệt…không cúng dường những người đáng cúng dường.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có ngạo nghễ quá mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ…cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy sinh vào gia đình cao quý. Con đường ấy đưa đến gia đình cao quý…cúng dường những người đáng cúng dường.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? thế nào là phạm tội? thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?”. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy có trí tuệ yếu kém. Con đường ấy đưa đến trí tuệ yếu kém…lợi ích,hạnh phúc lâu dài.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, có hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? thế nào là bất thiện…lợi ích, an lạc lâu dài?” Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung người ấy không sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy đầy đủ trí tuệ. Con đường ấy đưa đến đầy đủ trí tuệ…lợi ích, an lạc lâu dài.
Ở đây, này Thanh niên, con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ; con đường đưa đến trường thọ, dẫn đến trường thọ; con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh; con đường đưa đến ít bệnh, dẫn đến ít bệnh; con đường đưa đến xấu sắc, dẫn đến xấu sắc; con đường đưa đến đẹp sắc, dẫn đến đẹp sắc; con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ; con đường đưa đến quyền thế lớn, dẫn đến quyền thế lớn; con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ; con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn; con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt; con đường đưa đến gia đình cao quý, dẫn đến gia đình cao quý, con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém; con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, dẫn đến trí tuệ đầy đủ.
Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”.
Chú thích:
(1) Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung Bộ
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 62
Các tin tức khác
- Thờ Phật ( 4/10/2018 2:53)
- Bức thư của Diêm vương ( 3/10/2018 3:41)
- Sáu nguyên nhân phung phí tài sản ( 3/10/2018 3:40)
- Biết sống tùy duyên ( 1/10/2018 2:35)
- Đánh giá một người ( 1/10/2018 2:26)
- Nói nhiều chánh niệm hay nói ít tâm loạn ? (30/09/2018 3:18)
- Vượt qua lạc thú trần tục (30/09/2018 3:03)
- Vẫn dính bụi trần (29/09/2018 2:21)
- Tiệm tu (29/09/2018 2:20)
- Cuộc đời là một trường học lớn (28/09/2018 3:34)