Anh kể, anh bị mắc một căn bệnh hiếm gặp. Căn bệnh này khiến anh rất mệt mỏi, ăn ngủ chẳng ngon. Khi mới bị bệnh anh như người mất hồn, lúc nào cũng chán đời và muốn tự tử. Tuy vậy, anh lại không có đủ dũng khí để tự kết thúc đời mình. Công việc đang tốt, sắp được thăng chức bỗng nhiên lại phải nghỉ việc để chữa bệnh. Biết anh bị bệnh, gia đình bạn gái không cho con họ gặp anh nữa, và họ đã chia tay không lâu sau đó. Thế là anh rơi vào hố sâu tuyệt vọng, trong một thời gian rất ngắn mà anh mất mọi thứ từ công việc đến tình yêu. Anh bỏ nhà ra đi, sống vất vưởng rày đây mai đó.
Cuối cùng anh cũng quyết định tự tử. Anh định bụng đi dạo một vòng quanh thành phố rồi tìm một nơi nào đó để… chết. Trời bỗng đổ mưa to, anh phải chạy vào một ngôi chùa để trú chân. Một vị sư đi tới, bảo anh vào ngồi trong nhà. Anh bỗng nhiên hỏi vị sư:
- Thưa thầy, nếu một người bị bệnh nặng đến mức không thể chữa khỏi, thì họ chết đi vẫn tốt hơn phải không?
Vị sư nhìn anh một lần nữa, rồi nói:
- Đã là con người thì ai cũng phải mang bệnh, đó là điều bình thường trong cuộc sống. Có những căn bệnh chạy chữa mãi vẫn không khỏi, lại có những căn bệnh không thể chữa khỏi, nhưng vì đã là con người nên phải chấp nhận có những loại bệnh đó tồn tại.
Nhà sư kể cho anh nghe một câu chuyện ông đã từng gặp khi mới bước chân vào con đường tu nghiệp. Khi đó vị sư trẻ thấy thầy của mình đang nói chuyện với một người đến dâng hương:
- Anh có tin là mình sẽ khỏi bệnh?
- Không ạ, con tuyệt vọng rồi.
Thật bất ngờ, vị sư lại nói:
- Anh nói đúng, nếu không còn hy vọng thì hãy cứ tin như vậy.
Người đàn ông nghe thế gục xuống, dáng chừng không thể chịu nổi. Vị sư già nói tiếp:
- Ở đời có một số người bất hạnh hơn người khác. Và điều những người đó cần làm là chấp nhận thực tế, chúng ta không thể tin rằng sẽ vượt qua tất cả bệnh tật cũng như khó khăn trên đời được. Con người, vốn dĩ đều sinh ra rồi mất đi, đó là quy luật của sự sống, chỉ là sống ít hay sống lâu hơn mà thôi. Vì thế không nên quá lo nghĩ mà hãy tận dụng những gì mình đang có một cách hữu ích.
Vị sư già giảng giải tiếp:
- Chắc anh không nghĩ tôi cũng đang mang bệnh đây, có điều tôi không thể hiện ra ngoài là mình mang bệnh, chính vì thế mọi người vẫn đối xử với tôi như người khỏe mạnh, vì vậy tôi thấy vui vẻ hơn và thanh thản hơn.
Người đàn ông kia hiểu ra, không đau buồn nữa. Anh ta xin ở lại chùa một thời gian để tĩnh tâm, kết hợp với chữa bệnh đúng liệu trình. Sức khỏe khá lên, anh làm được một số việc đơn giản, tự nuôi sống được bản thân mình.
Kể đến đó, anh bạn tôi bỗng trầm tư hẳn, rồi nói:
- Anh biết không, nhiều lúc sự đau đớn, rồi mệt mỏi ập đến, tôi tự đấu tranh với chính mình, tự chống chịu với nỗi thống khổ đó rồi tự vấn lại bản thân mình. À thì ra mình vẫn còn sống, như vậy là vẫn có thể có ích thêm. Thế là tôi lại tiếp tục làm việc và điều trị theo đúng lời bác sĩ. Tuy vẫn phải sống chung với bệnh tật và không biết lúc nào sẽ phải ra đi, nhưng một khi còn sống tôi sẽ sống hết mình.
Thành Trung
Các tin tức khác
- Lời Phật dạy về tha thứ ( 3/05/2019 8:18)
- Cú, Quạ tranh hùng ( 3/05/2019 5:56)
- Vẫn là câu hỏi "Tôi là ai?" ( 3/05/2019 5:54)
- Chuyện người giữ vườn đắc quả vị Phật chỉ nhờ dâng cúng một cành hoa (30/04/2019 8:46)
- Con người vĩ đại nhất là không ai cả (29/04/2019 9:19)
- Tại sao con người xấu xí (29/04/2019 9:16)
- Điều phục ý căn (29/04/2019 6:24)
- Thông điệp Đại lễ Phật đản PL.2563 – DL.2019 của Đức Pháp chủ GHPGVN (28/04/2019 2:25)
- Giữ giới cao hơn thiền định (27/04/2019 8:40)
- Đối phó với cái đau khi tọa thiền (27/04/2019 8:38)