Đại tự trên hải đảo

17/09/2019 6:28
Trúc Lâm Tịnh Viện là quần thể chùa được khánh thành vào năm 2008 sau một thời gian xây dựng công phu. Chùa được tọa lạc trên một đỉnh núi của đầu mũi đảo Hòn Tre, tựa lưng vào vách đá với một mặt hướng ra Vịnh Nha Trang quanh năm ngập tràn sóng và gió.
Đường lên Tịnh Viện

Đường lên Tịnh Viện

Chiếm một diện tích rộng hơn 3ha trên đảo Hòn Tre, nơi có Khu Công viên Giải trí Vinperl Land nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang, có một ngôi đại tự được lặng lẽ khởi công xây dựng rất công phu và gian khó vào tháng 4 năm 2007, và đã làm lễ khánh tạ lạc thành vào tháng 9 năm 2008 với tổng chi phí vào thời điểm đó ước tính lên đến trên hàng chục tỉ đồng, đó là Trúc Lâm Tịnh Viện.

Từ cảng Cầu Đá, nếu không qua đảo bằng Cáp Treo đắt tiền để đến Khu Vui Chơi Giải Trí, khách có thể dùng phương tiện phà hoặc ca-nô, mất khoảng từ 15-20 phút là đặt chân lên đảo, sau đó tản bộ trên con đường dốc lài sỏi đá, rồi vượt lên một đoạn dốc đứng đã được tráng nhựa phẳng phiu êm ái, chạy giữa những hàng cây phi lao được trồng thẳng tắp xanh mát trên những bãi cỏ xanh rì mượt mà, phía trước xa xa trên đỉnh dốc đã thấy phấp phới cờ tung bay trước gió lộng, và rồi hình bóng của tam quan Tịnh viện hiển hiện uy nghi đón chào lữ khách thập phương…

Một góc Tịnh Viện

Một góc Tịnh Viện

Qua khỏi tam quan, từng bước chậm rãi ngắm nhìn hai bên cây xanh và cỏ mượt, khách có thể đọc được trên những tấm bia đá nhỏ có chạm khắc những câu kinh, bài kệ Pháp Cú khuyên lơn nhắc nhở mình trên bước đường học Phật để diệt “Tam Độc” (Tham -Sân -Si). Đi chừng 50 mét thì thấy ngôi chính điện hiện ra.

Tịnh viện Trúc Lâm tọa lạc trên một đỉnh núi của đầu mũi đảo, tựa lưng vào vách đá với một mặt hướng ra Vịnh Nha Trang xinh đẹp về hướng Đông Bắc, được đặt tên và thờ phụng theo Thiền phái Trúc Lâm- dòng thiền đặc trưng của Việt Nam- do “Trúc Lâm Đại Đầu Đà- Điều Ngự Giác Hoàng” Trần Nhân Tông khai sáng, nhưng không trực thuộc tông môn Trúc Lâm Yên Tử do Hòa Thượng Thích Thanh Từ khởi xướng khôi phục và phát triển trong những năm qua.

Tượng Quan Âm

Tượng Quan Âm

Quần thể kiến trúc của Tịnh viện mang đậm phong cách kiến trúc chùa chiền miền Bắc, được bài trí thiết kế theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, có tả vu - hữu vu, gồm một ngôi chánh điện, nhà hậu tổ, hậu đường, trai đường, tịnh thất… với những mái đều được lợp ngói âm dương, đầu hồi lượn cong, các nóc cù giao được phết màu lam trang nhã, và cột kèo, rui mè, cửa vách… đều được kết cấu bằng gỗ mộc mộng sẻ, không dùng một cây đinh hay tấc sắt nào. 

Điện thờ chính

Điện thờ chính

Có tổng cộng 72 pho tượng Phật, Bồ Tát, La Hán, Long Thần Hộ Pháp, Chư Thiên, Chư Tổ bằng đồng và gỗ quý sơn son thếp vàng được chuyển từ miền Bắc xa xôi vào... hòa cùng những bức hoành phi, liễn đối, tràng phang bảo cái, chuông mõ phướng lọng, pháp cụ pháp khí, đèn hoa… tạo nên một khung cảnh trang nghiêm, cổ kính. Trên chính điện, khách có thể chiêm bái các bộ tượng Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Di Lặc Tôn Phật, Phật Sơ Sinh, hay tượng chư vị Bồ Tát Quan Âm Tống Tử, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Văn Thù Sư Lợi, Đại Thế Chí…

Điện thờ chư Phật

Điện thờ chư Phật

Hai bên chính điện có tượng của các vị Hộ Pháp quen thuộc như: Khuyến Thiện- Trừng Ác, Bát Bộ Kim Cang, Tứ Trấn Thiên Vương, Phạm Thiên- Đế Thích… Bước vào phía sau là nhà hậu tổ, có thánh tượng của chư Tổ Sư Thiền như: Ma-Ha- Ca-Diếp, Bồ-Đề-Đạt-Ma, Tỳ- Ni-Đa-Lưu-Chi, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang của thiền phái Trúc Lâm…Còn có cả tượng thờ của Tổ Sư Liễu Quán, Tổ Sư Minh Hải, Bồ Tát Thích Quảng Đức… Dài theo hành lang hai bên (tả vu hữu vu) dẫn ra sau hậu đường, được bài trí mỗi bên 9 pho tượng Tổ Kế Đăng (thường được gọi là Thập Bát La Hán) đều bằng gỗ với kích cỡ lớn hơn người thật. Nhà hậu đường có bài trí các tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu (Tam Phủ: Thiên- Thủy- Nhạc)… 

Tượng Thiên Vương

Tượng Thiên Vương

Đặc biệt, ngoài khoảng sân rộng thoáng, có đài cao thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, dân ở các vùng duyên hải thường gọi là Quan Âm Nam Hải, được tạc bằng đá bạch thạch Nghệ An, nặng 10 tấn, đặt đứng trên đầu ngọn sóng với chiều cao 14m nhìn hướng ra khơi xa, được ví như “ngọn hải đăng tầm thanh soi đường cứu khổ cứu nạn” của ngư dân miền biển...

Đài Quan Âm

Đài Quan Âm

Vào năm 2009, Trúc Lâm Tịnh Viện đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập và trao kỷ lục là "Ngôi chùa trên đảo lớn nhất Việt Nam", được Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Khánh Hòa quản lý, được kiến tạo thêm nhiều công trình mỹ thuật, tổ chức những khóa tu dành cho Tăng Ni- Phật tử để trở thành một chốn thiền môn tu niệm, truyền bá Chánh Pháp, chứ không chỉ đơn thuần là một “thắng cảnh du lịch tâm linh”. Mặc dù là chùa mới, nhưng với địa thế đặc biệt và tầm vóc độc đáo, Tịnh Viện nghiễm nhiên trở thành một danh lam thắng cảnh đã được nhiều người biết đến trong thời gian ngắn qua, từ nay sẽ góp phần làm đẹp thêm cho Xứ Trầm Hương Khánh Hòa.

Mãn Đường Hồng - THEO GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top