Nghỉ hè, trẻ em được gì, mất gì: Lên chùa học đạo

9/06/2013 6:02
Những năm gần đây, các ngôi chùa trở thành nơi lý tưởng để bậc phụ huynh gửi gắm con trẻ rèn nết, học đạo. Hè này, nhiều gia đình ở TPHCM chuẩn bị khăn gói cho con nghỉ hè ở… chùa.

Nhộn nhịp lên chùa

Mọi năm, cứ đến nghỉ hè, gia đình em Phạm Phước Vũ Văn, học sinh lớp 7 trường THCS Lê Quý Đôn, nhà ở phường Bến Thành, Q.1 lại lên kế hoạch cho Vũ Văn nghỉ hè. Lịch trình suốt kỳ nghỉ chủ yếu là học thêm các môn, học đàn piano và học võ. Sau kỳ nghỉ, Văn vào năm học mới một cách mệt mỏi và uể oải, lúc học khó tập trung vì cả mùa hè không được nghỉ ngơi.

Năm nay, bác Phạm Văn Căn, bố em Vũ Văn quyết định thay đổi lịch. “Cháu sẽ được gửi lên chùa khoảng một tuần. Tôi có một người bạn, hè năm ngoái cũng đưa con vào chùa. Sau khi “tu” một thời gian, cháu sống rất tình cảm với mọi người, tính tình không còn nóng nảy, cáu gắt như trước. Khi học bài cũng rất chuyên tâm, tôi hy vọng con mình cũng được như vậy”, bác Căn kể.

Địa điểm được đông đảo phụ huynh ở TPHCM lựa chọn gửi con là chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn). Chùa Hoằng Pháp mở các lớp tu mùa hè từ năm 2006. Mỗi khóa, chùa đón nhận gần 5.000 em.

 

 “Đọc kinh giúp trẻ biết lắng nghe, thanh lọc tâm hồn. Thiền giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng, tìm lại sự bình an. Bài học đầu tiên ở chùa là các lễ nghi, đi đứng, tụng kinh, ăn uống, học hướng thiện…”. 

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm

Năm nay, chùa mở khóa tu từ ngày 30/6 đến 7/7, nhận khoảng 3.000 em. Các em được học hoàn toàn miễn phí, được cấp quần áo lam và áo tràng lam trong suốt khóa tu. Việc đóng góp hỗ trợ tiền ăn chay cho các em tùy thuộc thiện tâm của phụ huynh. Ngoài ra, cũng có hàng ngàn sinh viên đến chùa theo học “Khóa tu sinh viên hướng về phật pháp” được tổ chức trải đều trong năm.

Năm ngoái, chùa Hoằng Pháp mở khóa tu mùa hè dự kiến đón nhận 3.000 em. Thế nhưng, mới 7 giờ sáng ngày đầu mở lớp, số phiếu phát ra đã hết veo, trong khi vẫn còn hàng ngàn phụ huynh chờ đến lượt. Thậm chí, nhiều người cho biết, đã hai năm liền vẫn không đăng ký được cho con theo tu học ở đây.

Đại diện chùa Hoằng Pháp cho biết, các khóa tu mùa hè trùng với dịp an cư kiết hạ của chư tăng. Tuy nhiên, với mục đích khai tâm, dưỡng thiện cho thanh thiếu niên, chùa vẫn tổ chức hoằng pháp, giảng giải kiến thức nhà phật, đạo lý làm người cho các em.

Đại đức Thích Minh Nhẫn, trụ trì chùa Phật Quang (TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, chùa cũng tổ chức khóa tu mùa hè cho khoảng hơn 2.000 em, thời gian tu học 5 ngày, từ 15 - 19/6.

Đại đức Thích Quang Hạnh, trụ trì chùa Vĩnh Hưng (Châu Thành, Long An) cho biết, khóa tu của chùa diễn ra từ ngày 9 - 15/6, dự kiến đón nhận hơn 1.000 em. Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng) mở khóa tu từ 21 - 27/7…

Ngoài ra, còn có các chùa Quang Thọ (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM), chùa Vạn Phước (xã Châu Pha, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), chùa Phổ Giác (Sóc Trăng)… cũng tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên.

Học thiền, võ và đạo lý làm người

Tham gia khóa tu mùa hè, con trẻ hầu như cách ly hoàn toàn với cuộc sống, thế giới bên ngoài. Các em được tập ngồi thiền, học võ, học giáo lý nhà phật, đạo lý con người. Những cậu ấm, cô chiêu trong bộ áo lam tự giác gấp dọn chăn màn, rửa chén bát, vệ sinh phòng ở, nội tự chùa…

Chị Nguyễn Hải Anh (phường 26, quận Bình Thạnh) cho biết: “Năm ngoái tôi cho con trai theo học khóa tu mùa hè. Ban đầu, vào Phật đường rộng lớn, uy nghiêm, cháu rất sợ hãi, nhút nhát. Sau khi ngồi thiền, tập tĩnh tâm, nghe các sư thầy nói chuyện, giảng đạo lý, cháu về nhà sống chỉn chu hơn, từ tốn, bớt nóng nảy như trước”.

Thỉnh thoảng, con chị lại đòi mẹ đưa lên chùa, đến ngày rằm hay mồng một cháu đều cùng mẹ nấu món chay.

Trong một buổi tu học tại chùa Hoằng Pháp, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ nói với các bạn trẻ: “Bốn sai lầm tuổi trẻ hay mắc phải là coi mình tài giỏi hơn người, thích làm người lớn, sống thử và làm tổn thương bản thân”. Nhiều bạn trẻ giật mình nhận ra hầu như ai trong mỗi người cũng từng có những sai lầm như vậy.

Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, gõ mõ và thiền là hai phương pháp mà các tu tập sinh khi bước vào sinh hoạt trong môi trường này phải học: “Đọc kinh giúp trẻ biết lắng nghe, thanh lọc tâm hồn. Thiền giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng, tìm lại sự bình an. Bài học đầu tiên ở chùa là các lễ nghi, đi đứng, tụng kinh, ăn uống, học hướng thiện…”.

Ngoài các khóa tập tu, tại một số chùa còn mở các chương trình rèn luyện kỹ năng sống. Các em sẽ được học về trách nhiệm của người con, sống lành mạnh, cai nghiện game, học kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng sinh tồn, vượt qua khó khăn, học võ, học hát.

Theo Tiến sỹ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, phụ huynh cần xem xét kỹ tính cách, ước muốn của con trước khi gửi lên chùa tu học. Ngoài ra, cũng cần giảng dạy các quy tắc, giáo lý nhà Phật, chuẩn bị tâm lý cho con trước, tránh việc phó mặc mọi thứ cho nhà chùa.

 

Thùy Dung (DPNN)

Các tin tức khác

Back to top