“Mấy đứa con nghĩ chừng nào má mình còn, thì tết không bao giờ mất” (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư).
Là vì có má thì Tết mới đủ đầy! “Má” là đại diện cho tất cả những người phụ nữ mang cái tết ấm cúng về cho gia đình. Thử hỏi cái tết có còn ấm áp, đủ đầy không, khi vắng đi bàn tay và những giọt mồ hôi của má…
Sự ấm cúng đó là gian bếp với đủ đầy món ăn làm nên hương vị tết. Là mâm cơm cúng có thể thịnh soạn hay đơn sơ, nhưng tính trang nghiêm nhất định phải có, để ông bà tổ tiên dẫu đã khuất bóng vẫn như được trở về quây quần bên con cháu.
Là chiếc áo mới gửi gắm cả tình thương của má vào trong đó. Hồi nhỏ nhà nghèo, tôi thường mặc lại áo của chị Hai để lại (những nhà nghèo thì đồ cũ của anh chị là đồ mới của mấy đứa em trong nhà). Thế nhưng, má cũng có đủ chữ “công” để biến chiếc áo thật sự là chiếc áo mới: thêu lên ngực áo hình con bướm, cánh hoa, hoặc may viền thêm những đường chỉ màu để tà áo, bâu áo, cổ áo mới hơn…
Là những ngày cận tết, má như vị “chỉ huy trưởng” phân công việc cho từng người, ba và những đứa trai tráng trong nhà thì nhận việc quét mạng nhện đeo bám trên khung cửa sổ, nhất là gian bếp thì ôi thôi đen ngòm bởi nấu bằng lửa củi, nhện giăng rất nhiều; con gái thì tước lá mai, lau chùi những chiếc ghế đóng bụi, giặt giũ tiếp má những cái mùng, cái mền, áo gối rồi đem phơi cho thơm mùi nắng (chứ đâu được như bây giờ có biết bao nhiêu là loại nước xả vải để thơm tho)…
Nói điều không mấy vui, mùa giáp tết, lại thường là mùa những người già không chịu nổi thời tiết thất thường… Tình cờ đọc trên trang Facebook cá nhân, tôi xót xa với những vần thơ chị viết gửi mẹ mình trong những ngày cuối cùng còn được ngồi bên mẹ:
“Mẹ ơi, Mẹ ở đây
Để đi làm về con chạy về ôm Mẹ
Quàng tay siết nhẹ
Đôi vai gầy run run
Nhớ mảng lưng 40 năm trước lẵn tròn cùng nắng mưa tất tả
Mẹ ơi, Mẹ ở đây
Để con kề khuôn mặt con bên khuôn mặt Mẹ
Hai mươi sáu năm sau
Con chắc chẳng đẹp được như mẹ hôm nay
Mẹ ơi, Mẹ ở đây
Để con trò chuyện và lắng nghe tiếng Mẹ
Lời thủ thỉ dạy con như thuở còn thơ bé
Ngậm cơm, bám theo Mẹ xin xu
Mẹ ơi, Mẹ ở đây
Con mỗi ngày đều cần chạm vào da thịt Mẹ
Cần thấy nụ cười
Tiếng bước chân và lời Mẹ gọi
Như nước uống cơm ăn
Như không khí ở mảnh vườn nhà mình Mẹ luôn tưới tắm
Mẹ ơi, Mẹ ở đây
Để đời con tựa vào lòng Mẹ… (Đỗ Thị Thu Hằng).
Ngậm ngùi nỗi đau của chị, tôi bỗng nhớ bài thơ “Mẹ” của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
“Hôm nay… anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
Ngã nón đứng chào xe tang qua phố/ ai mất mẹ?
Sao lòng anh hoảng sợ
Tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình?”…
Biết rằng ngày xuân sắp tết không nên nói điều rủi, nhưng nỗi hoảng sợ đó chắc ai cũng sẽ trải qua trong đời. Nhận ra để còn biết, còn kịp nâng niu, trân trọng những lần được ở bên mẹ, còn mẹ ở trên đời!
“Chừng nào má mình còn, thì tết không bao giờ mất”. Câu đơn giản mà thâm thúy biết chừng nào…