Vô uý thí giúp bệnh nhân đón nhận thực tại một cách bình thản nhất

12/07/2021 12:10
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hiện nay, Tài thí và Pháp thí cố nhiên vô cùng đáng quý, nhưng Vô úy thí lại càng đáng quý vô ngần!

TS.BS. Phạm Nguyên Quý - Tổ chức Y học cộng đồng, Khoa Ung thư Nội khoa, Đại học Kyoto, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren.

TS.BS. Phạm Nguyên Quý - Tổ chức Y học cộng đồng, Khoa Ung thư Nội khoa, Đại học Kyoto, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren.

Mình không phải chuyên gia Phật học, nhưng xin lạm bàn một tí về Phật giáo trong y khoa.

Sư cô Liên Trí đã chỉ cho mình rằng bác sĩ có thể giúp cho bệnh nhân những món quà ý nghĩa.

“Tài thí” là cung cấp vật chất như thuốc men, dinh dưỡng, vệ sinh... cho người bệnh.

“Pháp thí” là cung cấp kiến thức đúng và hướng dẫn hợp lý để bệnh nhân an tâm điều trị.

Nhưng còn một loại thứ 3 khó hơn (nhưng có khi lại dễ làm hơn) là “Vô úy thí”

“Vô úy thí” là giúp bệnh nhân không/bớt sợ hãi để đón nhận thực tại bình thản nhất.

Bệnh nhân của mình 60 tuổi bị ung thư thực quản giai đoạn cuối nhưng bình thản lắm.

Tháng 1 rồi dính COVID loại khá nặng: Mình vẫn ở bên ổng.

Tháng 2 ra viện xong vợ bỏ: Mình vẫn ở bên ổng.

Tháng 5 không muốn hóa trị nữa: Mình cũng vẫn ở bên ổng.

Ung thư không còn hóa trị mình vẫn hẹn tái khám như thường.

Đó chỉ là một trong những mẹo nhỏ mà mình đang sử dụng để bệnh nhân có chỗ dừng chân khi cả thế giới đang thay đổi.

Bởi điều kiện cần để Vô úy thí là ở bên người bệnh.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân sẽ nhìn thái độ của bác sĩ mà hành xử.

Bác sĩ mà bình thản nói “Đó là chuyện thường thôi!” thì bệnh nhân ắt sẽ bình tâm.

Bác sĩ mà nhảy cà tưng thì ắt bệnh nhân sẽ bỏ chạy.

Nhìn về Việt Nam, tôi thật sự ái ngại vì quá nhiều NVYT đang phải tham gia làm xét nghiệm tại cộng đồng, phải dành hầu hết thời gian thúc đẩy việc sàng lọc - cách ly mà ít ai được ở bên người bệnh. Phải chăng đó là một trong những nguyên do gây nên sự hoảng loạn trong cộng đồng?

Vô úy thí: Cực kỳ cần thiết trong cái dịch này.

TS.BS. Phạm Nguyên Quý

Tổ chức Y học cộng đồng,

Khoa Ung thư Nội khoa, Đại học Kyoto,

Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren.

Các tin tức khác

Back to top