Tiến đến hạnh phúc là đoạn trừ cái xấu ác

4/12/2021 12:30
Sống là làm cho mình càng ngày càng hoàn thiện hơn, theo đúng với sự tiến hóa của con người và thế giới. Tự hoàn thiện là tránh làm những cái xấu và trau dồi thêm những cái tốt. Trau dồi, bồi dưỡng, trồng trọt cũng là nghĩa chữ văn hóa (culture) trong tiếng phương Tây. Bất kỳ con người nào cũng muốn cuộc sống mình tiến bộ theo chiều hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Không ai muốn điều ngược lại.

Nhưng cái xấu và cái tốt là gì?

Xấu là những cái khiến chúng ta đi ngược chiều với sự tiến hóa của con người và thế giới, hạ thấp sự sống làm người, đi xuống thay vì đi lên. Đó là những hành động của thân, khẩu, ý của chúng ta gây ra sự làm hại cho sự tiến hóa của chính mình và người khác, phá vỡ cái trật tự của sự tiến hóa hướng thượng, cản trở và làm thụt lùi cuộc sống tương đối bình an và hạnh phúc của những người khác.

Chẳng hạn phạm vào năm giới là xấu. Giết hại người hay tự giết hại mình là xấu, vì chấm dứt sinh mạng của một người là tước đoạt cơ hội làm người để sửa sai và hoàn chỉnh số phận của người ấy. Ngoài ra nó còn gây ra sự hỗn loạn  và khổ đau cho gia đình cả hai bên. Ngày nay, thế giới đều lên án chiến tranh, ngay cả chiến tranh để tự vệ cũng là điều bất đắc dĩ.

Trộm cướp hay lấy của không cho là xấu vì điều đó làm hại và gây khổ đau cho người khác và chính mình thì phải trốn tránh và tù tội. Điều đó gây ra sự mất an ninh và làm hại xã hội. Tà dâm là xấu. Chẳng hạn ngoại tình, ngoài cái xấu là hai đương sự không chiến thắng nổi sự ham muốn không chính đáng của mình, làm cho mình rơi xuống mức thấp kém, còn làm hại cả hai gia đình và nói rộng ra là xã hội. Nói dối là xấu, vì mình thì mất sự tin tưởng của người khác và còn làm cho xã hội rối loạn và sai lầm vì những điều dối trá. Say sưa mất tự chủ là xấu, vì nó hạ thấp nhân cách của mình và có khi còn làm hại người khác, như chạy ẩu đụng xe, nóng nảy đánh lộn…

Dĩ nhiên làm điều xấu gây hại cho trật tự xã hội mà bị phát hiện thì pháp luật sẽ trừng trị, nhưng nhiều khi sự trừng trị của pháp luật chưa đủ hay bỏ sót thì vẫn còn tầng lớp công lý ở sâu hơn, khó thấy hơn, đó là luật nhân quả. Luật nhân quả là mình đã gây ra sự mất trật tự, xáo trộn thì mình cũng bị một sự mất trật tự xáo trộn tương đương ở cả thân và tâm. Mình đã gây sự thiệt hại cho người khác thì mình cũng bị một sự thiệt hại tương đương ở thân và tâm.

Với người có ý hướng tích cực với cuộc đời mình, thì thay vì làm những điều tiêu cực người ấy sẽ làm những điều tích cực. Thay vì giết hại thì cứu giúp mạng sống, thay vì trộm cướp thì cho tặng, thay vì nói dối thì ảnh hưởng đến người khác bằng lời chân thật. Và giữ giới là bao gồm toàn bộ thân khẩu ý của mình, vì ý cũng là một hành động, gọi là ý nghiệp.

Như vậy giữ giới là giữ gìn sự toàn vẹn của toàn thể con người mình, là làm hoàn thiện toàn thể con người mình.

Người ta giữ năm giới còn vì một nguyên nhân lớn lao khác là tình thương: mình không muốn làm tổn hại, tổn thương người khác, dù chỉ bằng một câu nói. Tình thương làm cho nhân cách một người càng thêm cao, rộng.

Chính sự giữ giới như vậy tôn thêm nhân cách một người, làm cho người ấy tăng thêm những giá trị. Cho nên những giá trị đạo đức cũng chính là những giá trị của con người và rộng ra, đó cũng là những giá trị của xã hội.

Nhìn sâu hơn, một hành động xấu làm tổn hại ngay tức khắc, chứ chưa nói về lâu dài, cho người làm; và một hành động tốt đem lại hạnh phúc tức khắc và rồi còn lâu dài cho thân tâm người tạo ra hành động ấy. Sở dĩ như vậy vì bất cứ hành động tốt xấu nào đều in dấu ngay vào những tầng lớp sâu của tâm thức, chìm trong đó và khi đủ điều kiện hoàn cảnh thì biểu lộ lên bề mặt của cuộc sống thường ngày. Những tầng lớp sâu của tâm thức được tâm lý học chiều sâu của Tây phương gọi là tiềm thức (subconscience). Cái tiềm thức ấy mà rộng hơn, kéo dài nhiều đời, sâu hơn , in dấu tất cả kinh nghiệm của nhiều kiếp sống, được Duy thức học Phật giáo gọi là tạng thức hay a-lại-da thức. Chính do tạng thức này mà không có cái gì mất đi. Hạt giống nào gieo vào đó thì sẽ mọc mầm, đủ điều kiện thì sẽ lớn lên thành cây, trái. Như định luật bảo toàn năng lượng của vật lý học, tạng thức làm cho định luật bảo toàn năng lượng của tâm thức được hoạt động theo dạng có nhân ở tâm thức thì phải có quả ở tâm thức.

Những ám ảnh, những ác mộng, những dằn vặt hối hận, những lo buồn vô cớ là những biểu lộ từ tiềm thức hay tàng thức a-lại-da những điều xấu mà mình đã làm bằng thân, khẩu, ý. Điều đó chứng tỏ chúng vẫn còn nằm trong những bề sâu của tâm thức.

Chúng ta đã từng nghe có người kể rằng khi sắp chết họ thấy lại toàn bộ cuộc đời mình trong một chớp mắt. Y học Tây phương qua những nghiên cứu thực tế cũng công nhận có sự kiện ấy.

Khi muốn nhớ lại chuyện gì thời nhỏ, bằng ý thức chúng ta có thể nhớ lại được. Nhưng cho đến bây giờ, khoa học vẫn chưa tìm thấy cái kho trí nhớ ấy nằm ở trung tâm nào trong não hay bộ phận cơ thể nào, và trí nhớ ấy được lưu trữ theo dạng nào, mã hóa ra sao. Có điều các bác sĩ phân tâm học vẫn dùng phương pháp thôi miên hoặc liên tưởng tự do để moi chúng lên bề mặt ý thức mà chữa bệnh tâm thần.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Như người sắp chết, thấy tướng thọ báo theo nghiệp của họ: người gây ác nghiệp thì thấy tất cả cảnh giới khổ nơi địa ngục, quỷ đói, súc sanh. Hoặc thấy lính ngục cầm binh khí giận dữ la mắng, trói bắt dẫn đi, cũng nghe những tiếng kêu khóc than van. Hoặc thấy sông lửa, vạc nước sôi, núi dao, cây cối bằng gươm, rồi bị ép bức vào chịu khổ.

Người làm lành thì thấy cung điện trời, vô lượng chư thiên, thiên nữ mặc y phục trang nghiêm, cung điện vườn rừng đẹp đẽ. Dầu thân chưa chết, nhưng do nghiệp lực nên thấy những sự như vậy” (phẩm Nhập Pháp giới)

Đây là điều Phật giáo gọi là cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp ấy sẽ dẫn người ta đi đến một tái sanh tương đương với nghiệp hay hành động tốt xấu mình đã tạo ra.

Cho nên, Phật giáo khuyên chúng ta chớ làm điều xấu ác để một ngày nào nó sẽ hiện ra hành hạ mình, vì nó vẫn nằm trong tàng thức. Và nên làm những hành động tốt đẹp để gặp gỡ những sự việc may mắn tốt đẹp trong cuộc đời.

Một trong những mục tiêu của đạo Phật là giúp đỡ con người chuyển hóa những khuynh hướng xấu của mình thành những khuynh hướng tốt, tạo những nhân tốt để có những quả tốt, như vậy chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc:

Tâm dẫn đầu mọi sự
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nói  làm với tâm ác
Khổ đau theo liền sau
Như bánh xe theo trâu.

Tâm dẫn đầu mọi sự
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nói làm với tâm tịnh
Hạnh phúc liền theo sau
Như bánh xe theo trâu.

(Kinh Pháp Cú, phẩm Song yếu)

Con người luôn luôn được tự do chọn lựa giữa hành động tốt hoặc hành động xấu, luôn luôn được tự do chọn lựa hạnh phúc hay khổ đau cho đời mình. Khi đã chọn lựa và hành động thì không thể nào tránh khỏi kết quả của hành động. Bởi vì:

Không trên trời, giữa biển
Hay ở trong hang núi
Không đâu trong ba cõi
Trốn được quả nghiệp ác

Nguyễn Thế Đăng

Văn Hóa Phật giáo 214


Các tin tức khác

Back to top