Hậu quả của sự đam mê danh vọng

1/02/2014 4:55
Đức Phật vạch ra hai hậu quả cơ bản của sự đam mê danh vọng là “uổng phí công và nhọc thân xác”, dù cho danh vọng được thỏa mãn cũng vậy.

Sở dĩ, Đức Phật bảo “uổng phí công” là vì cuộc chạy đua danh vọng nào cũng tốn ít nhiều thời gian. Và gọi là “nhọc thân xác” là vì để đạt danh vọng người ta phải đánh đổi bằng thể lực. Nhưng cả hai đều là tăng trưởng duyên thế lợi.

Ở các kinh khác, Đức Phật còn cho biết kẻ chạy theo dục vọng, hư danh, sẽ bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, không cung kính, tán thán: “Này các Tỳ kheo, những ai ưa muốn lợi dưỡng, ưa muốn danh vọng, ưa muốn được cung kính, ưa muốn được tán thán, không tàm quý, ái dục và tà kiến, thành tựu 7 pháp này, những vị ấy sẽ không được mọi người ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo.”[10] Và một bài kệ như một câu châm ngôn, Đức Phật đã cho biết, bỏ tham cầu danh vọng, khi danh vọng đến nó sẽ đem lại đau khổ bất hạnh cho kẻ ấy: “Tự nó chịu bất hạnh, khi DANH được kẻ ngu. Vận mạng bị tổn hại, đầu nó nát tan.”[11]

Chính vì thế, lời khuyên của Đức Phật đến với chúng ta là: “Chớ sống đời phóng dật; thiền định, đạt được an lạc lớn.”[12] Và chính thái độ dứt khoát, chọn lựa hoặc là đeo đuổi hư danh, hoặc là từ bỏ, mà người ta có thể xác định được mức độ nhận thức cuộc sống cũng như giá trị tu tập của con người: “Với kẻ phàm phu không nghe pháp sinh ra lợi dưỡng danh vọng, đam mê hệ lụy vào đấy. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, khi lợi dưỡng danh vọng khởi lên, vị ấy suy tư như sau, lợi dưỡng danh vọng này là vô thường, khổ, biến hoại. Vị ấy như thật chánh tri rõ biết, nên không thuận ứng với lợi dưỡng danh vọng khởi lên.”[13]

Do đó là đệ tử Phật, chúng ta không nên vì những thú vui qua đường, những thú vui chỉ có giá trị thỏa mãn nhất thời, những thú vui hạ liệt, thấp kém mà đánh mất thời gian trau dồi tu tập phạm hạnh. Hãy mạnh dạn vứt bỏ nó như vứt bỏ những cây gai ở chân. Bởi vì: “Người biết từ bỏ những thú vui vặt vãnh sẽ kiến tạo cho mình những hạnh phúc có tầm vóc lớn,”[14] theo nghĩa an lạc, giải thoát của từ này.

5.- Vài tư tưởng gợi ý qua kinh văn của chương này

-  Danh vọng thế tình chỉ là bóng câu qua cửa sổ.

-  Hãy xem những cái bong bóng nước, lấp lánh nhiều màu sắc, nhưng thoáng đó rồi mất đó.

-  Chạy theo hư danh lợi dưỡng tuy nhiều đam mê nhưng không giá trị thật sự.

-  Giá trị của con người không ở cái uy danh mà là đạo đức.

-  Thùng rỗng hay kêu to, kẻ tham danh hay phô trương lấn lướt.

-  Một xã hội muốn tiến xa, trước hết phải loại bỏ những phần tử háo danh nhưng vô thực chất.

Xã hội trì trệ, đạo đức xuống cấp, giáo hội không đi lên được cũng bởi kẻ lãnh đạo chỉ có hư danh không có năng lực.

 

Trích chương 21 - Sách Kinh Bốn Mươi Hai Chương - Thích Nhật Từ

Các tin tức khác

Back to top