Hạnh của biển và hạnh của tâm

15/02/2014 1:51
Mọi nguồn nước dù chua, phèn, vẩn đục, ngọt hay không chua không ngọt, nhưng khi đã đổ về biển, thì tất cả những mùi vị đó đều trở thành mặn, nên gọi hạnh của biển là hạnh đồng nhất.

Chúng ta có thể nói rằng, hạnh của biển là vạn hạnh và hạnh của tâm cũng là vạn hạnh. Tuy nhiên, trong bài pháp thoại này, chúng ta có thể học được bốn hạnh của biển và bốn hạnh của tâm.

 
Bốn hạnh của biển:
 
1/ Hạnh tiếp nhận
 
Thưa đại chúng, bao nhiêu sông ngòi, ao rãnh từ nguồn cao đổ về, bao nhiêu trận mưa từ không gian rơi xuống, tất cả đều đi về biển và biển có bổn phận tiếp nhận. Biển không từ chối bất cứ một loại nước nào khi đến với mình, vì vậy biển có hạnh tiếp nhận, tiếp nhận một cách bình đẳng và tiếp nhận một cách vô tâm.
 
2/ Hạnh giữ gìn
 
Sau khi biển tiếp nhận tất cả các nguồn nước về với mình, biển giữ gìn tất cả mọi nguồn nước ấy, nên gọi hạnh của biển là hạnh giữ gìn. Biển giữ gìn mọi nguồn nước cho đời, cho cuộc sống và cho muôn loài.
 
3/ Hạnh chuyển hóa
 
Biển tiếp nhận mọi nguồn nước từ nguồn cao, từ đất sâu, từ trên không gian. Tất cả các nguồn nước khi về biển đều được biển chuyển hóa.
 
Vì vậy, biển có khả năng trị liệu nhiều loại bệnh cho hết thảy chúng sanh.
 
Ví dụ, một người đau mắt, khi về biển mắt người ấy sẽ thanh trong và dễ chịu, một người đau các khớp xương, đau phổi về với biển cũng được biển hóa giải dần dần ổn định.
 
Do đó hạnh của biển là hạnh chuyển hóa.
 
4/ Hạnh đồng nhất
 
Mọi  nguồn nước dù chua, phèn, vẩn đục, ngọt hay không chua không ngọt, nhưng khi đã đổ về biển, thì tất cả những mùi vị đó đều trở thành mặn, nên gọi hạnh của biển là hạnh đồng nhất.
 
Vì vậy, chúng ta về đây, chúng ta phải học hạnh của biển để thực tập, đưa vào đời sống của chúng ta và chúng ta nhìn tâm của chúng ta qua bốn hạnh của biển.
 
Tâm của chúng ta cũng vậy, tâm chúng ta tạo ra tất cả và tâm chúng ta tiếp nhận tất cả. Từ một tâm mà sinh ra cả pháp giới, từ một tâm mà sinh ra cả vạn hữu, nhưng tất cả vạn hữu rồi cũng quay về một tâm.
 
Vì vậy, tâm chúng ta có khả năng tiếp nhận như biển. Điều hay của mọi người tâm cũng tiếp nhận, điều dở của mọi người tâm cũng tiếp nhận; điều hay của muôn loài tâm cũng tiếp nhận và điều dở của muôn loài tâm cũng tiếp nhận.
 
Điều hay của muôn loài khi vào tâm ta, thì tâm ta giữ gìn, điều dở của muôn loài khi vào tâm ta, thì tâm ta cũng giữ gìn không để rơi mất. Vì vậy có những điều hay của mọi người và muôn loài từ vô lượng kiếp đã đi vào tâm ta, thì tâm ta giữ gìn không để cho rơi mất, hễ đủ duyên thì cái hay đó sẽ biểu hiện. Điều dở của muôn loài, của chúng sinh mỗi khi đi vào tâm ta, thì tâm ta cũng giữ gìn không để rơi mất và hễ có điều kiện là nó biểu hiện và có khả năng chuyển hóa, vì tâm có khả năng  chuyển hóa như biển.
 
Đại chúng biết rằng, những điều hay khi vào tâm ta, nếu ta làm theo những hạt giống tốt trong tâm ta, thì chính những hạt giống tốt đó, sẽ cho ta hoa trái hạnh phúc an lạc và giải thoát. Nên trong tâm ta cũng có những hạt giống có khả năng chuyển hóa, có chất liệu chuyển hóa và tâm ta cũng có những chất liệu đồng nhất. Mọi chuyện của ai không biết, nhưng khi đi vào trong tâm ta, thì nó sẽ đồng nhất với ta, đồng nhất với đời sống của ta, cũng như mọi nguồn nước đi về với biển cả, nó được đồng nhất thành một vị đó là vị mặn. Khi mọi kiến thức, mọi tư duy, mọi học hỏi, chúng ta tiếp nhận từ mọi nền văn hóa, thì mọi kiến thức, mọi tư duy, mọi học hỏi đó đã đi vào trong tâm ta và nó đều được đồng nhất với ta, để cho ta hoa trái an lạc. Vì vậy tâm có khả năng đồng  nhất rất tài tình.
 
Hôm nay chúng ta về đây thực tập chánh niệm, chúng ta nhìn sâu vào hiện tượng của biển, rồi chúng ta nhìn sâu vào hiện tượng của tâm chúng ta, để chúng ta rút ra phương pháp thực tập trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
 
Biển có bốn hạnh như vậy, tâm ta cũng có bốn hạnh như vậy, nhưng là con người, chúng ta sống bằng lý trí, chúng ta sống bằng sự thông minh, chúng ta sống bằng phước báu của loài người, chúng ta phải biết hạnh của biển và tác dụng của biển, cũng như hạnh của tâm và tác dụng của tâm, để từ đó chúng ta có pháp môn thực tập. Chúng ta áp dụng pháp môn đó vào đời sống của mỗi chúng ta, để hạt giống xấu trong tâm ta được chuyển hóa, hạt giống tốt trong tâm ta được sinh khởi. Điều xấu trong tâm ta là gì? Đó là lòng tham, là sự sân hận, là si mê, là cố chấp, là mù quáng... nhưng lòng tham, sự sân hận, si mê, cố chấp, mù quáng đó do đâu mà có? Chính là do chấp ngã mà có .
 
Nếu chúng ta đi theo chấp ngã, chúng ta sẽ rơi vào lòng tham dục của chúng ta, chúng ta đi theo chấp ngã, chúng ta sẽ sinh khởi sự hận thù trong đời sống của chúng ta, chúng ta đi theo chấp ngã, chúng ta sẽ mù quáng trong mọi hành xử của chúng ta. Chúng ta buông bỏ được hạt giống chấp ngã nơi tâm chúng ta là tức khắc, chúng ta có hạnh phúc an lạc.
 
HT. Thích Thái Hòa (Thư viện cổ pháp)

 

Các tin tức khác

Back to top