Lập chí

26/02/2015 4:21
Ngài Anh Thiệu Vũ nói với Hoà thượng Chân Tịnh Văn rằng: “Vật lớn mau tất gãy non, công chóng thành tất dễ hoại. Không suy tìm cái kế lâu dài lại bảo công chóng thành, như thế đều không phải là tư chất cao xa rộng lớn.

Trời đất đầy đủ lẽ linh diệu mà còn cứ ba năm lại trở lại một năm nhuận mới thành công, mới đủ sự hoá dục. Huống là lẽ vi diệu của đại đạo, vội vàng mà làm xong được chăng. Cốt yếu ở chỗ chứa góp công đức dần dần mới được. Cho nên có chỗ nói: “Muốn chóng thì không thông đạt, giữ tế hạnh thì không lầm lẫn. Vậy muốn thành đạt mỹ mãn, phải lâu ngày và phải có mưu kế trọn đời”. Thánh nhân nói vững tin để giữ gìn chí khí, lanh lẹ để gia sức thực hành, trung hậu để đạt thành. Như vậy việc dù lớn cũng quyết thành. 

Ngày xưa thiền sư Mộ Triết khi giữ chức thị giả, thường thường ban đêm ngài chỉ ngồi, không ngủ. Ngài dùng khúc gỗ tròn làm gối, hơi buồn ngủ thì gối lăn, ngài tỉnh lại. Thức dậy và ngồi yên như cũ. Hoặc có người cho là ngài dụng tâm thái quá. Ngài Mộ Triết nói: “Duyên phận trí tuệ của tôi rất mỏng manh, nếu tôi không khắc khổ rèn luyện chí khí, sợ bị vọng tập lôi kéo, huống chi đây chỉ là mộng ảo không thực, đâu phải là kế trường cửu. Ngày xưa ở đất Tương Tây, tôi đã mục kích thấy sự thao lý như thế. Do đó tùng lâm phục danh ngài và kính tụng đức ngài”. 

Nói về lập chí, người xưa để lại cho chúng ta những kinh nghiệm rất quý báu. Như lối hành đạo khắc khổ của thiền sư Mộ Triết. Ngài làm thị giả nên ban ngày rất bận. Công việc này không có gì nặng, nhưng lúc nào cũng phải có mặt để chăm sóc lo lắng cho thầy như châm nước, quét phòng, thầy dặn bảo việc nọ việc kia v.v... không khi nào rãnh. Vì vậy về đêm ngài hạ thủ công phu bằng cách thường ngồi. Vì trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, thì ngồi là thế vững vàng nhất, dễ tỉnh nhất, có oai nghi nhất. Dù nói đi cũng thiền, nằm cũng thiền... nhưng ngồi lại có phong cách trang nghiêm của chư Phật, Bồ-tát nhất. Vì vậy người xưa thường chọn cách ngồi làm phương pháp giúp cho việc nội tỉnh của mình. 

Ngài Mộ Triết tự thấy việc tu tập của mình chậm tiến vì ban ngày bận rộn, nên về đêm ngài chuyên ngồi. Sợ mỏi mệt sẽ ngã xuống ngủ, ngài không dùng gối bông mà dùng khúc gỗ tròn. Khúc gỗ đó sẽ là bạn đánh thức khi ngài vừa chợp mắt, vì mất thăng bằng nó sẽ lăn. Khúc gỗ lăn khiến ngài giựt mình thức dậy và tiếp tục ngồi. Người xưa dụng công như vậy, không có chuyện thành Phật dễ dàng đâu. Nếu chúng ta tu như người xưa cũng sẽ thành Phật. Nhưng vì chưa có những phút giây quyết liệt như người xưa nên mình vẫn còn làm chúng sanh. 

Ngài Mộ Triết dụng công quyết liệt khắc khổ, cho nên không bao lâu ngài sáng được việc của mình và trở thành một đại thiện tri thức nổi tiếng đương thời. Ngày nay chúng ta có chùa, có phòng nghỉ, có thời khoá tu tập hẳn hoi. Giờ giấc này không ai có quyền mượn chúng ta làm bất cứ việc gì, bởi đó là giờ ấn định chung cho thời khoá tu tập. Hành trì đều đặn như thế cũng là tốt lắm rồi, không dám mong như ngài Mộ Triết. Vậy mà đôi khi chúng ta làm vẫn chưa được. Cho nên không ngạc nhiên chi khi kết quả tu tập của chúng ta còn quá sơ sài. 

Nói thế không có nghĩa là thời này không có người siêng tu. Cũng có, nhưng rất ít và hạ thủ cũng kém hơn. Tại thiền viện Thường Chiếu, ngoài thời khoá chính quy, nhiều thầy đã tự tạo một thêm thời khoá riêng cho mình. Ví dụ tối 9 giờ xả thiền, quí thầy có thể ngồi thêm tới 11, 12 giờ. Khuya 3 giờ thức chúng thì 2 giờ quí thầy đã thức dậy ngồi thiền. Nhưng chưa có ai thức dậy bất cứ lúc nào hay nằm trên gối gỗ như ngài Mộ Triết. Song như thế cũng là đáng khích lệ cho anh em lắm rồi. 

Người xưa hạ thủ quyết tử nên đến được chỗ hiện tiền, như con trâu trắng sờ sờ trước mắt, đuổi cũng không đi. Chúng ta chưa được như vậy nên phải cần dây roi, nếu thấy trâu đi bậy liền đánh, cần nữa thì lấy dây khớp mỏ nó lại, cầm dây dẫn đi, không cho liếc ngó hai bên lúa mạ của người. Trong phước duyên bình thường chung của chúng ta, phương tiện lúc nào cũng vẫn rất cần thiết vậy. Dù ta có căn cơ khá, nhưng nếu không khéo ứng dụng phương tiện tu hành, không tránh duyên, khó tạo cho mình thế cân bằng an ổn. Thành ra tránh duyên là điều không thể thiếu đối với chúng ta. 

Mỗi vị tự xét nét lại mình, người yếu về âm thanh, người yếu về sắc tướng, người yếu về mùi vị v.v… tất cả đều là bệnh. Muốn trị những bệnh này không thể áp dụng phương thức của những người tu bình thường, mà đương sự phải khéo léo tự khắc phục mình. Mỗi khi đi ngang qua góc phố đó mình mang về một gánh, tối lại ngồi lấy ra từng mảng, coi tới coi lui rồi cất vô kho, lâu lâu lại lấy ra coi nữa. Mỗi ngày qua mỗi ngày qua đều như vậy thì chắc có lẽ cái kho của mình trở thành cái bồ chứa toàn là vật dụng quán xá bên đường. Cho nên với người tu, tránh duyên là bảo vệ cho mình, vì sự yếu đuối bệnh hoạn của mình mà không dám xông xáo. 

Không phải chúng ta sợ những thứ đó, nhưng chỉ ngại cái gánh nặng thôi. Người khôn ngoan là người biết bỏ bớt đồ trong gánh ra. Bởi vì đường xa trời trưa nắng gắt, không ai dại gì chất thêm trong gánh nữa, phải biết rằng cái gánh này rồi cũng quăng luôn. Trong kinh Kim Cang Phật nói “Pháp còn phải bỏ” hà huống cái gánh! Tóm lại, cái gì cũng phải bỏ. Thời gian bỏ là ngay bây giờ đây chứ không phải đợi lúc nào. Người xưa cũng như chúng ta hôm nay, muốn sáng được việc lớn, muốn thành đạt và nhất là muốn mình trở thành người hữu dụng cho Phật pháp, chúng ta phải sáng suốt, phải lập chí. 

Việc tu không thể nóng vội, người muốn chóng thành chừng nào thì không thông đạt chừng đó. Bởi sự thành đạt không có phẩm chất thì không có giá trị và càng không thể tồn tại. Dụng công tu hành cần trải qua thời gian chiêm nghiệm, vượt mọi khó khăn, như vậy sự thành công mới có giá trị. Hồi xưa có vị sau khi sáng được việc của mình rồi, các ngài vẫn tiếp tục trui luyện công phu, thử xem đạo lực của mình vững đến mức nào. Đại sư Huệ Khả sau khi truyền tâm pháp cho Tam tổ Tăng Xán, ngài không trụ trì nhất định ở chỗ nào, mà đi cùng khắp, vào các quán rượu, chợ búa… Ngài nói có tới lui như vậy mới thấy được ta là gì, mới biết ta là ai. Đó là những cách thức người xưa dùng để thử mình. Từ những trở lực lớn lao đó mà các ngài thành công. Tuy nhiên cũng có vị không cần phải đối diện với những khó khăn ấy mà vẫn thành công. Tùy theo duyên của mỗi người, không nhất thiết như thế. Nhưng thường các bậc thành tựu đạo nghiệp đều trải qua rất nhiều gian nan khó khổ.

Mỗi người tự nghiệm lại xem bệnh của mình là gì, tránh đi. Ví dụ người thích uống rượu thì đừng bao giờ đi ngang quán rượu. Người thích âm nhạc thì đừng tới chỗ âm nhạc. Người thích ăn ngon thì đừng tới lui các quán xá. Làm thế nào mình tu được, trôi tròn trách nhiệm của người xuất gia, đừng để mất đạo nghiệp, xứng đáng là đệ tử Phật, tu hành thanh tịnh.

 

Trích NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM - Lời dạy của Hòa thượng Bảo Phong Anh - Hòa thượng Thích Nhật Quang (Thường Chiếu)

Các tin tức khác

Back to top