Hai mươi việc khó

6/05/2015 5:10
Hôm nay, quý vị cư sĩ từ Quảng Đông vào núi lễ Phật, cúng dường kết duyên, lại thỉnh tôi thượng đường, thuyết vài ba câu. Nay trân trọng lược bày về kinh Bốn Mươi Hai Chương, để kết duyên với quý vị. Phật nói:

- Con người có hai mươi việc khó: Bần cùng mà bố thí là khó. Giàu sang mà học đạo là khó. Vứt bỏ thân mạng là khó. Đọc tụng kinh Phật là khó. Sanh vào thời Phật là khó. Nhẫn sắc rời dục là khó. Thấy việc tốt mà không mong cầu là khó. Bị nhục mà không sân hận là khó. Có quyền thế mà không Ỷ cậy là khó. Gặp cảnh mà vô tâm là khó. Học rộng chuyên nghiên cứu là khó. Trừ diệt ngã mạn là khó. Không khinh miệt người chưa học là khó. Tâm thường hành bình đẳng là khó. Không nói lời thị phi là khó. Gặp thiện tri thức là khó. Thấy tánh học Phật là khó. Tùy duyên hóa độ người là khó. Đối cảnh không động tâm là khó. Thiện giải phương tiện là khó.

Ai vượt qua được những cửa ải này thì mới thoát khỏi sanh tử. Sanh nhằm thời Phật, sao bảo là khó? Nếu không có thiện căn phước đức nhân duyên, gặp được Bồ Tát, A La Hán cũng rất khó, còn nói chi đến việc gặp được Phật. Luận Trí Độ nói: 

"Thành Xá Vệ có chín ức gia đình, chỉ có ba ức gia đình biết đến và được gặp Phật. Ba ức gia đình tuy tin mà không được gặp Phật. Ba ức gia đình không tin không gặp không nghe được Phật". Hai mươi lăm năm Phật trú tại thành đó, nếu có ai phát khởi lòng tin thì đạt được lợi ích vô biên. Trong thành Xá Vệ, có ba ức gia đình không gặp không nghe đến danh hiệu Phật vì họ không có thiện căn phước đức nhân duyên. Tuy sanh cùng thời Phật, mà không gặp, không nghe thấy được Ngài. Đương thời, có rất nhiều người trên thế giới, vì không đủ phước đức căn lành, nên không gặp, không nghe không thấy Phật, nên không đạt được ích lợi gì. Lại nữa, những đệ tử kề cận Phật, nếu không y giáo tu hành, vẫn bị đọa lạc. Đề Bà Đạt Đa vốn là huynh đệ của Phật; tỳ kheo Thiện Tinh làm thị giả, hầu Phật trong hai mươi năm. Họ vì không chịu tu hành chân chánh, nên phải đọa địa ngục. Bà lão nơi phía đông thành Xá Vệ, sanh cùng ngày, tháng, năm như Phật, nhưng chẳng có duyên với Ngài, nên không

muốn gặp. Thế nên, gặp Phật nghe pháp là việc rất khó. Ngày nay, tuy Phật không còn ở thế gian, nhưng có chư thiện tri thức thay Ngài hoằng pháp; nếu thường thân cận họ, thì cũng được giải thoát sanh tử. Nếu thiện căn kém cỏi, gặp được thiện tri thức cũng là việc khó. Tuy có duyên gặp mặt, nhưng không hiểu rõ lời giảng dạy, thì cũng vô ích.

Hòa thượng Đỗ Thuận sơ tổ tông Hoa Nghiêm, vốn là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù. Ngài có một đệ tử thân tín, kề cận đã lâu, nhưng chẳng hề biết hành trạng vĩ đại của Ngài. Ngày nọ, vị tăng này xin cáo từ Ngài, vì muốn lên núi Ngũ Đài lễ bái Bồ Tát Văn Thù. Ngài bèn tặng cho một bài kệ;

"Kẻ bôn ba du hành

Đài Sơn lễ đất đá

Văn Thù chỉ là thế

Chỗ nào tìm Di Đà?"

Vị tăng này không hiểu ý, vẫn từ biệt đi đến núi Ngũ Đài. Đến đó, Thầy được một ông lão cho biết:

- Hôm nay, Văn Thù đang ở núi Chung Nam, tức hòa thượng Đỗ Thuận đó.

Thầy vội vàng trở về, nhưng ngài Đỗ Thuận đã ngồi xếp bằng mà viên tịch vào ngày mười lăm tháng mười một. Ngày nay, tại Quan Trung có viết ngày nhập Niết Bàn của Bồ Tát Văn Thù, tức ngày mười lăm tháng mười một.

Người nhãn thức kém cỏi, tuy gần bậc thiện tri thức mà không thể nhận ra. Đệ tử của thiền sư Thái Dương Cảnh Huyền, tức thị giả họ Bình, do tâm địa bất hảo, kết quả phản thầy, hủy báng đạo, đi trên đường bị hổ vồ bắt. Gặp được các bậc thiện tri thức cũng có thể là không khó, nhưng nếu không y theo lời dạy bảo của các ngài mà phụng hành, thì vẫn vô ích. 

Bần cùng bố thí là khó. Người nghèo khổ, tuy tâm muốn bố thí, nhưng chẳng có tiền tài. Nếu miễn cưỡng bố thí thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nên đó là việc khó.

Người giàu sang học đạo là khó. Tuy có thể bố thí tiền tài dễ dàng, nhưng khó mà xả bỏ thân tâm để học đạo. Khó dễ là pháp đối đãi. Tinh tấn dũng mãnh, có đại nguyện lực, thì khó sẽ biến thành dễ. Lười biếng giải đãi, ý chí nhu nhược, thì dễ biến thành khó. Khó dễ do người, chẳng phải do pháp; quý nơi dung thông muôn việc, không chướng không ngại. Nghèo do tiền kiếp không hành bố thí, nay mới cảm quả báo khổ, nên phải tận lực bố thí. Giàu sang phú quý, quyền thế danh vọng, thì làm việc bố thí không khó, nhưng phải học đạo.

Đệ tử Phật là ngài A Na Luật, được gọi là Vô Bần và Như Ý. Trong đời quá khứ, Ngài vốn là một nông dân bần cùng. Bà vợ của người nông phu kia thường đem bát cơm ra đồng cho chồng. Ngày nọ, đang lúc làm ruộng, gặp một vị Bích Chi Phật đi hành khất, vị nông phu định cúng dường phần cơm trưa của mình, bèn thưa:

- Bạch Đại Đức! Phần cơm trưa của con đây rất đạm bạc, chắc không thể cúng dường cho Ngài được. Vậy thì kính thỉnh Ngài về nhà, con sẽ dâng cúng thức ăn ngon hơn.

Vị Bích Chi Phật bảo:

- Hiện tại là giờ ngọ. Nếu đến nhà ông thì sẽ qua giờ ngọ. Nếu quá giờ, Ta không thể dùng cơm được. Nay ông bố thí cho Ta bát cơm đó là tốt lắm rồi.

Nghe thế, người nông phu thành tâm dâng cúng phần cơm của mình cho vị Bích Chi Phật. Nhờ công đức đó, nên cảm được quả báo sanh làm thiên vương trong chín mươi mốt kiếp. Đời đời không nghèo hèn, sự sự đều như ý. Làm vua loài trời, vua loài người, không phải là chuyện lạ lùng. Do trồng căn lành, cúng dường bát cơm cho vị Bích Chi Phật, nên ngài A Na Luật lại được làm đệ tử Phật Thích Ca, rồi nghe pháp ngộ đạo, chứng quả A La Hán, trở thành vị có thiên nhãn bậc nhất. Chỉ nhờ duyên bố thí một bát cơm, mà đạt được quả báo tốt lành như thế. Nghèo hèn bố thí, công đức nhiều hơn người giàu sang bố thí. Điều này chứng minh rằng, nếu phá được cửa ải này thì tuy nghèo mà vẫn bố thí không khó.

Khi tu lục độ Ba La Mật, Bồ Tát lấy bố thí làm đầu. Nghĩa của bố thí rất thâm sâu, lược thuyết có ba. Thứ nhất là tài thí, tức bố thí tiền tài vật chất cho người nghèo. Thứ hai là pháp thí, tức thuyết pháp độ người. Thứ ba là vô úy thí, tức cứu người bị hiểm nạn. Lại có bố thí thanh tịnh, tức khi bố thí, không cầu phước báo, danh tiếng, lợi lộc ở thế gian, mà chỉ vì muốn tương trợ thiện căn xuất thế cùng nhân niết bàn, nên dùng tâm thanh tịnh mà bố thí. Bố thí không thanh tịnh, tức dùng vọng tâm, cầu phước báo mà hành bố thí. Thân còn phải xả, huống hồ là những vật bên ngoài.

Bốn vị cư sĩ từ Quảng Đông vượt ngàn núi vạn sông, đến Vân Cư lễ Phật, bố thí kết duyên, thật là việc khó làm. Lại vì cầu pháp xuất ly mà đến, nên phải phát tâm dài lâu, tiến mãi không thối bước, và phải cung kính Tam Bảo. Không nên chấp vào hình tướng; thấy việc hay thì kính tín; thấy việc dở chớ nên khởi tâm oán ghét.

Có tâm thương ghét, thì có phiền não, tức không thể giải thoát sanh tử. Một khi khởi tâm thương ghét, thì đạo tâm sẽ lui sụt. Phải nên cẩn trọng.

Trích Đường Mây Trên Đất Hoa - HT. Hư Vân

Các tin tức khác

Back to top