Thầy trả lời: “Buổi sáng chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ. Đôi khi cũng lạnh lắm vì phòng chúng tôi không có máy sưởi. Chúng tôi ăn mỗi ngày một bữa, tất cả thức ăn đều bỏ chung vào một bình bát. Vào buổi chiều và tối chúng tôi không ăn. Dĩ nhiên là cũng không có chuyện sex hoặc rượu chè. Chúng tôi cũng không có vô tuyến truyền hình, truyền thanh, hay âm nhạc. Chúng tôi không bao giờ xem phim, mà cũng không chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc nhiều, và dành thời gian rảnh ngồi tọa thiền, theo dõi hơi thở. Chúng tôi ngủ trên sàn nhà”.
Những người tù tỏ ra hết sức ngạc nhiên về sự kham khổ của nếp sống tu hành. So sánh với tu viện, thì nhà tù hết sức nghiêm nhặt này trở thành một khách sạn năm sao. Quả thật, một người tù đã quá thương cảm hoàn cảnh thanh bần của vị sư đồng môn của tôi đến độ quên khuấy là mình đang ở đâu và anh ta chợt nói, “Sống trong tu viện cực khổ quá. Hay thầy đến ở đây với chúng con đi!”.
Mọi người trong phòng ai cũng bật cười. Tôi cũng bật cười khi nghe thầy ấy kể lại câu chuyện. Rồi tôi bắt đầu quán chiếu:
Quả thật tu viện của tôi kham khổ hơn cả nhà tù khắc nghiệt nhất, tuy nhiên nhiều người tự nguyện đến đây và họ cảm thấy hạnh phúc. Trong khi đó, nhiều người lại muốn thoát khỏi nhà giam kia, và không cảm thấy hạnh phúc ở đó. Tại sao như thế?
Bởi vì các thầy muốn sống ở tu viện, còn phạm nhân thì không muốn ở tù. Sự khác nhau là ở chỗ đó.
Bất cứ nơi nào mà bạn không muốn ở thì dù cho có tiện nghi đến đâu đi chăng nữa, đối với bạn, nó cũng là một nhà tù. Đây là ý nghĩa thật sự của chữ “tù”. Nếu bạn đang làm một công việc mà mình không thích thì bạn cũng đang ở tù. Nếu bạn đang có một mối quan hệ mà mình không mong muốn thì các bạn cũng đang ở tù. Nếu các bạn đang ở trong một thân thể ốm đau bệnh hoạn mà bạn không muốn thì thân thể ấy cũng là một nhà tù đối với bạn. Nhà tù là bất cứ một hoàn cảnh nào mà bạn không muốn mà lại dính mắc vào.
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi các nhà tù của cuộc đời?
Dễ thôi. Hãy thay đổi quan niệm về hoàn cảnh mà bạn đang sống. Thậm chí là ở ngay nhà tù San Quentin, hay thua một chút là ở tu viện của chúng tôi đi, mà bạn thấy muốn sống ở đó thì nơi ấy không còn là một nhà tù đối với bạn nữa. Bằng cách thay đổi quan niệm về công việc, về mối quan hệ, về thân thể ốm đau, bằng cách chấp nhận hoàn cảnh thay vì không ưa muốn, thì nó không còn là một nhà tù nữa. Khi các bạn bằng lòng thì các bạn được tự do.
Tự do là bằng lòng với nơi chốn mình đang ở. Nhà tù là nơi không muốn ở. Thế giới tự do là thế giới mà bằng lòng sinh sống. Tự do thật sự là giải thoát khỏi dục vọng chứ không bao giờ là tự do thỏa mãn dục vọng.
Theo: Who Ordered This Truckload of Dung?
Chuyển ngữ: Trần Ngọc Bảo
Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 54
Các tin tức khác
- Cũng là như thế (15/05/2015 2:57)
- Đâu phải giàu mới có thể bố thí (15/05/2015 2:35)
- Ý nghĩa của Quy y Tam Bảo như thế nào? (15/05/2015 1:33)
- Trí đức (14/05/2015 2:00)
- Tánh giác vốn tự thanh tịnh, nhưng vì cớ sao lại đột nhiên sanh ra đất đai núi sông ? (13/05/2015 12:55)
- Người học Phật quý tại chân thật (13/05/2015 12:22)
- Nước mắt thiền sư (12/05/2015 1:10)
- Sống vươn lên (12/05/2015 1:00)
- Chuyện trâu đen cứu chủ trả nợ tiền kiếp (12/05/2015 12:29)
- 20 bức ảnh khiến bạn trân trọng cuộc sống hơn (11/05/2015 2:44)