Tâm ý là chủ đạo

23/11/2015 3:14
Tâm ý chỉ đạo mọi hành động của chúng ta, có điều không phải ai cũng hiểu được điều này, vì hầu hết chúng ta thiếu kiểm soát, thiếu chánh niệm nên không thể ý thức hết vai trò của tâm ý. Những câu kinh mở đầu pháp cú nói lên tầm quan trọng của tâm ý:

Tâm dẫn đầu các pháp. 

Tâm là chủ, tạo tác. 

Nếu nói hay hành động, 

Với tâm niệm bất tịn

Khổ não liền theo sau,

Như xe theo chân bò. (Pháp cú 1)

Tâm dẫn đầu các pháp.

Tâm là chủ, tạo tác.

Nếu nói hay hành động,

Với tâm niệm thanh tịnh,

An lạc liền theo sau,

Như bóng chẳng rời hình. (Pháp cú 2)

Tâm ý có nhiệm vụ quyết định, thân và lời nói chỉ là công cụ của tâm ý mà thôi. Tâm ý là nguồn, thân và lời nói là nhánh ngọn. Để có thể sống chân chánh, trước hết, cần phải có suy nghĩ chân chánh. Ý tưởng quyết định hành động, hành động quyết định kết quả. Một suy nghĩ đúng sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp trong khi đó, một suy nghĩ sai sẽ đưa đến kết quả khổ đau. Nếu chánh niệm, ta có thể nhận biết sự việc khi còn ở giai đoạn động cơ để kịp thời can thiệp và chuyển hướng hành động theo ý muốn để có kết quả tốt nhất có thể. Thay đổi thái độ, nhận thức và suy nghĩ là thay đổi cuộc sống vậy.

Nhiều người cứ quy cho nghiệp như là một yếu tố tiền định quyết định cuộc sống mỗi người, thế nhưng nghiệp là tập quán các, là những thói quen cho tâm ý chủ trì, nên chung quy lại, tâm ý dẫn đầu trong mọi lối đi. Đức Phật dạy chính tâm ý là tác giả của tất cả những hành động, lời nói thiện hoặc ác của mỗi người. Không ai làm cho mình thanh tịnh, không kẻ nào khiến mình nhiễm ô, tất cả đều trong tầm tay của mỗi người. Ai cũng có quyền quyết định mình trở thành người như thế nào, thanh tịnh hay nhiễm ô do mình tự chọn vậy (Pháp cú 165). Hạnh phúc và đau khổ cũng do mình tự chọn lựa. Chọn lựa ở đây là chọn cách thức để đưa đến hạnh phúc, chuyên chú tâm vào hiện tại để sống hạnh phúc trong từng sát na sống, chứ không đơn giản muốn có hạnh phúc là hạnh phúc liền có mặt. Nhiều người do tâm tham, sân và si chế ngự chi phối, nên cứ tạo ra nhân đau khổ mà trong lòng thì mong có quả hạnh phúc. Ví như nấu đá mà mong thành cơm là ảo tưởng viển vông, mơ hồ và không thể nào thành tựu,“nguồn đục trào ra nước há trong”?

Trích Những Bài Học Cuộc Sống Từ Lời Phật Dạy - TG: Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top