Đường trở về

7/01/2016 12:48
Ai đã từng đọc kinh Pháp Hoa chắc rằng không thể quên câu chuyện: đứa con ông Trưởng giả bỏ cha đi lưu lạc lang thang, làm gã cùng tử thật đáng thương.

Từ địa vị là con một ông Trưởng giả giàu có, gia tài, sự sản không thể tính kể, đó là một kho tàng mà mình sẽ thừa hưởng chứ không ai khác; nhưng đành bỏ đi lang thang, ăn mày từ nơi này sang nơi khác, đến nỗi mỗi ngày càng xa quê cũ. Rồi trong một giây phút nào đó, trên bước đường lưu lạc đó đây, bỗng dưng gã ăn xin lần lượt trở về đúng vào ngôi nhà xưa ấy, gặp ngay người cha ấy, nhưng nào có hay biết, vì đã quên mất cội gốc của mình từ lâu.

Đã tự mang mặc cảm mình là kẻ ăn mày lang thang không ra gì, thì đối với một người cha giàu có, sang trọng như vua chúa kia bao giờ dám ngó đến, nói chi là nhận đó làm cha. Đọc câu chuyện trên, chúng ta cảm thấy thương tiếc cho gã cùng tử đó vô cùng! Song xét lại, chúng ta ngày nay có khác gì với gã cùng tử kia! Mỗi người chúng ta hiện nay, đâu không phải là kẻ đang thừa kế một gia sản vô vàn trân quý, mà đành bỏ đi lang thang trong khắp nẻo luân hồi, làm khách phong trần đói khát, khổ sở !

Điều đó không có gì lạ, bởi chúng ta ai ai cũng có đủ một ông cha "chẳng sanh chẳng diệt", với một kho tàng "công đức trí tuệ vô biên", dùng mãi không hết, song vì một niệm bất giác chợt dấy lên, nên đành quên đi, để trôi dạt theo dòng thức sanh diệt và đuổi bắt những pháp hư ảo bên ngoài, đến nỗi phải nhọc nhằn lăn lộn trong ba đường, sáu nẻo, lên xuống không ngừng. Càng theo cái sanh diệt hư huyễn thì càng xa cái chân thật vô sanh, tức càng ngày càng xa quê hương chính mình. Cảm sâu ý nghĩa này, Vua Trần Thái Tông đã nói trong bài kệ NÚI THỨ NHẤT, sách Khóa Hư Lục:

Chân tể huân đào vạn tượng thành,
Bản lai phi triệu hựu phi manh.
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh.
Tỷ trước chư hương thiệt tham vị,
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh.
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

Tạm dịch:

Trời đất nấu nung vạn tượng thành,
Xưa nay không móng cũng không manh.
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

(Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch)

Muôn tượng muôn vật giữa thế gian nầy vốn không có đầu mối, không do ai làm ra cả, mà chỉ do trời đất, âm dương nấu nung, chuyển hóa ngưng đọng mà hiện thành. Đây là ngầm ý nói, mọi vật do mê mà hiện, thật không có mối manh sanh ra. Tức ngay khi sanh là không sanh. Bởi vậy, con người vốn ở trong thể không niệm, không sanh, nhưng vừa chợt có niệm khởi liền sai đi, ngay đó trái với thể không sanh mà nhận lấy có niệm, có sanh. Đó là trôi dạt theo dòng sanh diệt mà kinh Lăng Nghiêm gọi là "vốn ở trong thể thanh tịnh sẵn như vậy, mà bỗng dưng phát sanh núi sông, quả đất" (thanh tịnh bản nhiên hốt sanh sơn hà đại địa). Chính ở một niệm khởi này, nên đành trái với cội nguồn không sanh, bỏ mất chân thể hằng hữu, mà đi xa dần, xa dần trong kiếp sanh tử. Rồi mũi đắm theo các mùi hương, lưỡi tham lấy nơi vị, mắt bị mờ với các sắc, tai thì mê bởi những tiếng, tức là sáu căn chạy đuổi theo sáu trần, bị nó lôi đi mãi, quên mất cả đường về. Vì vậy mới nói rằng, làm khách phong trần lang thang mãi, mỗi ngày mỗi ngày càng đi xa quê hương không biết bao nhiêu dặm trình mà kể. Nghĩ lại có thật đáng thương cho mình chăng? Đó là nói chúng ta đã bỏ mất quê hương chân thật sáng ngời muôn thuở mà đi nhận lấy những bóng dáng hư huyễn chập chờn trên đường trần ai mê muội, rồi vui theo những cái vui tạm bợ, chợt có chợt không, nên chưa bao giờ biết được niềm vui bất diệt tại quê nhà. Chính vì thế, Đức Phật mới ra đời để đánh thức chúng ta nhớ lại. Chư Tổ ra đời, dùng mọi cách để khơi dậy chỗ này. Vậy thì, bây giờ chúng ta làm sao trở về ? Và biết đâu là con đường trở về ?

Các Tổ thường nói: "Nhân đất té, phải nhân đất mà đứng dậy". Chính từ chỗ mình mê đó, cũng chính là chỗ mình quay trở về chứ không đâu khác. Kinh Lăng Nghiêm, khi Ngài A-nan hỏi Phật về nghĩa trói và mở, thì chẳng phải một Đức Phật Thích Ca, mà mười phương chư Phật đồng phóng quang đến thế giới này, đồng bảo Ngài A-nan: "Ông muốn biết cội gốc vô minh là đầu gút khiến cho ông luân hồi sanh tử, chỉ là sáu căn của ông chứ không vật gì khác. Ông muốn biết tánh Vô thượng Bồ-đề, khiến ông mau chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng là sáu căn của ông chứ không vật gì khác." Nói đơn giản, chính sáu căn là gốc sanh tử luân hồi, cũng chính sáu căn là gốc giải thoát Niết-bàn. Đây là điểm rất quan trọng, chúng ta nghiệm xét kỹ, sẽ thấy con đường giải thoát ngay trước mắt đây thôi, chứ không xa lạ tận nơi nào như mình thường tưởng tượng.

 

Trích bài viết cùng tên - TT. Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top