Con người trải nghiệm sự khổ dưới nhiều hình thức. Có loại khổ liên quan đến nỗi đau khổ rõ rệt và đơn giản nhưng còn có những hình thức khổ khác không làm người ta thực sự cảm thấy khổ sở chút nào. Nhiều khi chúng xuất hiện với chúng ta dưới hình thức lạc thú của hạnh phúc giả tạm.
Một số nỗi khổ có thể tránh được, có những thứ khổ không thể tránh né và chúng ta cần phải hiểu sự khác nhau giữa hai loại.
Nhiếu người đã nghe nói đến Bốn Chân lý Cao cả (Tứ Thánh Đế) trong đạo Phật. Thực ra, cao cả chính là con người nhận thức đầy đủ bốn chân lý ấy. Người nào đạt đến sự hiểu biết đầy đủ về khổ và cách đối phó thì có thể gọi là người cao cả.
Phẩm chất cao cả đó phát sinh không phải từ sự trốn chạy đau khổ mà nói đúng hơn là từ sự hiểu biét đầy đủ về khổ đế. Trước hết chúng ta chấp nhận thực tại khổ đau dưới mọi hình thức – chúng ta không chối bỏ nó. Sau đó chúng ta có thể đi đến chỗ đánh giá cao tính chất tạm gọi là “cứu rỗi” của khổ đau như thế nào. Chúng ta không mong cầu đạt giác ngộ bất chấp khổ đau. Chúng ta dụng công để đạt giác ngộ bởi vì khổ đau.
Có rất nhiều điều chúng ta có thể học tập từ kinh nghiệm khổ, vốn là đặc điểm của toàn bộ vòng đời duyên sinh, bánh xe luân hồi gây ra bởi thói quen chấp thủ của chúng ta. Có thể là điều không vui khi nghe nói cuộc đời tràn ngập khổ đau, nhưng chỉ vì chúng ta cảm thấy bất mãn hay đau đớn, các lạc thú của chúng ta không kéo dài, các giấc mơ của chúng ta biến thành ác mộng, điều ấy vẫn không có nghĩa đời sống chúng ta hóa ra vô nghĩa.
Bao lâu chúng ta còn bị đắm trước hay vướng mắc vào cảnh giới luân hồi, bám víu vào một phiên bản cố định của thực tại, chúng ta còn trải nghiệm nhiều hình thức đau khổ. Nhưng chúng ta không cần phải trải nghiệm như thế. Những hình thức khổ đau đó có thể tránh được. Đạo Phật dạy cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta tu tập thái độ đúng đắn và có khả năng nhìn vào chính bản thân, nhìn vào những hướng sống, sở thích và những mô hình thói quen thì chúng ta có thể giảm thiểu và cuối cùng, loại bỏ những hình thức khổ đau có thể tránh được.
Lẽ dĩ nhiên có những hình thức đau khổ khác mà chúng ta không thể tránh nếu chưa đạt được sự giác ngộ đầy đủ hay viên thành Phật quả. Các đau khổ mà chúng ta tự chuốc lấy do tâm vọng động của mình sinh ra thì có thể tránh khỏi, còn những hình thức khác như già, bệnh,chết thì không thể tránh.
Một khi chúng ta đã chấp nhận rằng chúng ta có thể gặp những hình thức khổ có thể tránh thì giải pháp gồm hai phần: Nhìn vào các nguyên nhân gây khổ và tìm phương cách để giải trừ hay chặn đứng nó. Khi chúng ta nhìn vào nguyên nhân của khổ chúng ta không chỉ thuần túy truy tìm nguồn gốc của sự đau khổ. Chúng ta còn phải nhìn kỹ vào những tâm trạng, thói quen và những thái độ tạo ra những gì mình cho là nhưng giây phút hỷ lạc hay mãn nguyện. Một trong những điều hiểu biết sâu sắc mà đạo Phật mang lại cho chúng ta ấy là chúng ta không thể tin tưởng vào những trải nghiệm tức thời để biết chúng ta đang được an lạc hay khốn khổ. Trên bề mặt ta cảm thấy vui hay mãn nguyện hoặc mọi sự có vẻ dẫn đến thất bại buồn rầu nhưng những cảm nhận ấy chưa hẳn phản ánh đúng thực trạng. Chúng ta cần phải nhìn sâu hơn nữa.
Theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể phát hiện tính chất vô ngã vô thường của vạn pháp quanh ta làm phát sinh bất hạnh và đau khổ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là sự cảm nghiệm vô thường vô ngã chính náo là đau khổ hay nguyên nhân trực tiếp gây ra đau khổ. Chúng ta ngộ nhận thông điệp của Đức Phật khi nghĩ rằng vạn pháp vô thường vô ngã hay không có cái ngã bền vững làm phát sinh đau khổ. Những thực tế cơ bản này không phải đích thực là nguồn gốc của khổ.
Khổ sinh ra không phải do chính vạn pháp hay do bản chất vô ngã của chúng. Nói đúng hơn, tâm của chúng ta bị vô minh che mờ nên cứ nghĩ rằng hạnh phúc trường cửu có thể đạt được qua những gì phù du tạm bợ. Đó là lý do tại sao chúng ta được chỉ dạy đi tìm giác ngộ hoặc đạt niết bàn. Chúng ta phải ổn định tâm chúng ta vào cái gì bất biến. Thông thường, ổn định tâm vào cái bất biến có tác dụng làm tâm an tĩnh, ngoài ra nó còn đưa đến một trạng thái cho phép ta am hiểu cái phù du tạm bợ với tâm thái xuất phát từ một cái nhìn sáng suốt hơn, một tâm thái không tìm kiếm hỷ lạc chân thường từ những thứ mang bản chất vô thường vô ngã. Thực hiện điều đó, bạn có thể biến đổi bản thân thành con người cao cả.
Nếu không có Khổ đế và Tập đế, sẽ không có Diệt đế và cũng không có Đạo đế. Không đề cao những mặt tiêu cực của kiếp người, trái lại đạo Phật trình bày một bức tranh rất đầy đủ của thân phận làm người. Đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ những hiểm họa lẫn cả những hứa hẹn của nhân tính. Chúng ta tập trung chú ý vào đời người, không phải vì đạo Phật chẳng quan tâm đến các hình thức sống khác, mà nói đúng hơn là vì đạo Phật, dưới mọi hình thức và trong mọi truyền thống của nó, đã chọn con người là thứ quý nhất. Hiện thân làm người được xem như một chiếc xe tối ưu chúng ta có thể dùng và vận dụng một cách hiệu quả trên cuộc hành trình hướng đến giác ngộ. Theo giáo lý cao siêu của Đức Phật, định mệnh của chúng ta nằm trong chính tay ta. Đó là điều chúng ta có thể thấy khi hiểu đúng Khổ đế một cách đầy đủ. Chúng ta có thể tiếp tục ngụp lặn trong khổ đau và khốn đốn hoặc có thể sáng kiến bắt tay làm một việc gì đó, như là tu tập đạo pháp. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy được bản chất sự của sự việc xảy đến với ta, một phần trong cuộc sống thường nhật.
Giáo lý đạo Phật cho thấy rất rõ chúng ta không nên kỳ vọng luân hồi là niết bàn. Nghĩ như thế là chối bỏ chân lý cao cả thứ nhất và đó là điều nhầm lẫn lớn nhất. Điều đó hoàn toàn không hợp lý. Là người học Phật, chúng ta được chỉ dạy phải nhìn thấy một cách trung thực điều gì khả hữu và điều gì bất khả. Bài học đầu tiên của chúng ta là phải biết kiếp luân hồi không mang lại tất cả những điều nó hứa hẹn…Chúng ta phải thừa nhận các dục lạc tạm bợ chỉ là dục lạc tạm bợ, không có gì hơn. Bao lâu không nhận ra điều đó, chúng ta không chấp nhận Chân lý Cao cả thứ nhất và sự không chấp nhận này chỉ tạo thêm sự bất bình, nản chí. Quả thật,chúng ta cảm thấy thất bại trong nỗ lực xóa tan khổ đau.
Luân hồi là cảnh trần ai. Khổ đau tràn ngập trong cõi luân hồi. Tuy nhiên phần lớn khổ đau chúng ta có thể tránh. Chỉ cần biết uốn nắn tâm thức, ta có thể đối mặt với các nỗi đau đớn thân xác, buồn khổ tinh thần với quyết tâm và dũng khí mạnh mẽ hơn. Ta có thể không lấy làm buồn khi kẻ khác nói xấu mình, có thể không sợ hãi vì những điều người ta nói về mình. Khi cảm thấy mất mát hay buồn phiền, chúng ta có thể không bị những cảm xúc áp đảo, làm ta tuyệt vọng hay buồn lòng nản chí. Chúng ta cũng có thể biết làm thế nào để không tạo thêm đau khổ bằng cách chấp nhận những nỗi khổ không thể tránh là già, bệnh,chết. Cố làm ra vẻ trẻ trung hơn, người ta không trở thành trẻ hơn. Giã vờ bệnh tình của mình không trầm trọng chẳng làm cho hết bệnh. Làm ra vẻ không phải sắp chết trong khi bạn đang dở sống dở chết cũng sẽ không đưa đến một đời sống bất diệt. Ngoài những hình thức khổ này thuộc về đời người, còn có những hình thức khổ không thể tránh trong môi trường chung quanh như động đất, sóng thần, lụt lội. Cũng có khổ đau do nghịch cảnh như rớt máy bay hay tai nạn xe hơi. Có những hoàn cảnh vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cố tìm cách kiểm soát chúng là cách đưa ta đến với khổ đau.
Lạc thú cũng lắm khi là nguyên nhân tạo khổ. Chúng ta thích thú ngồi sưởi nắng nhưng một lúc sau cũng thấy trở nên khó chịu. Ngồi lâu có thể dẫn đến rộp da và đến cả ung thư da. Chúng ta hưởng lạc thú khi ăn những món ngon nhưng ăn đi ăn lại hoài cùng một thứ có thể làm ta hết thú vị. Và các thói quen ăn uống của chúng ta còn có thể dẫn đến những chứng bệnh trong người. Có thể chúng ta nghĩ rằng chúng ta ham ghiền lạc thú bởi vì nhận thấy đối tượng mê say đem lại thú vị. Nhưng khi đã ghiền thứ gì thì chẳng còn thú vị chút nào.
Mặc dù trong tư cách làm người, chúng ta khổ đau, chúng ta cũng không phải chịu khổ không mục đích hay ý nghĩa. Chân lý Cao cả thứ nhất cho chúng ta thấy ý nghĩa của đau khổ. Những trải nghiệm đau đớn có thể dạy chúng ta nhiều điều. Đạo Phật xem đời như một trường học, ớ đó ta có thể học hỏi từ những trải nghiệm đau đớn của chúng ta. Việc học tập này không theo đường lối ấu trĩ càng ngày càng xoáy sâu vào những trải nghiệm khổ đau của chúng ta và trăn trở day dứt với chúng rồi than vãn, đến độ chúng trở thành những tình cảm bức xúc ôm kín trong lòng. Ở đây, học là vận dụng những trải nghiệm đau khổ của chúng ta – chân lý khổ đau – với tinh thần quả cảm và bình tĩnh và từ đó làm bản thân chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, chín chắn vững vàng hơn.
Giáo lý nói đến đạo pháp như là một vị thuốc chữa lành mọi bệnh tật của chúng ta. Tuy là một vị thuốc, đạo pháp không phải là vị thuốc có tác dụng cắt cơn tạm thời. Không giống như ta uống thuốc Prozac để trị trầm cảm. Đạo pháp có tác dụng điều trị bệnh mãn tính. Pháp sẽ không ngăn chận các triệu chứng cũ của chúng ta thỉnh thoảng tái phát, nhưng qua cách hấp thụ đúng đắn chất giải độc chữa bệnh do đạo pháp cung cấp, chúng ta có thể dần dần khắc phục những phiền não dài hạn. Pháp là phương thuốc giải độc chữa trị đau khổ nhưng khổ đau sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Chân lý cao thượng thứ tư- Đạo đế-cho thấy rõ điều đó.
Chúng ta phải đi theo con đường trị bệnh và đi trọn vẹn. Việc này phải mất thời gian. Có thể lúc mới khởi hành chúng ta kỳ vọng được chóng thoát khỏi đau khổ trong kiếp luân hồi. Khi chưa đạt được mong muốn đó có thể chúng ta đâm ra thất vọng, bực mình hoặc phẫn uất, thậm chí có thể ta thán hay thóa mạ đạo pháp. Chúng ta không thể tiêu hóa vị thuốc mạnh đạo pháp bằng chỉ một liều duy nhất, nhưng khi điều trị bản thân dàn dần từng bước, khả năng của chúng ta hấp thụ đạo pháp tăng lên. Sau đó chúng có thể dùng – và phải dùng những liều thuốc càng mạnh hơn. Làm được điều này, chẳng mấy chốc chúng ta có thể thấy công hiệu thực sự và năng lực chữa trị của đạo pháp. Pháp là phương thuốc mạnh nhất đối trị khổ đau.
Traleg Kyabgon Rinpoche đã được giáo dục theo truyền thống bởi một vị hóa thân Lạt ma Tây Tangạ (Tulku) và cũng đã hấp thụ nền giáo dục toàn diện của phương Tây. Ông đặc biệt quan tâm môn Tâm lý học và ngành Tôn giáo Đối chiếu. Hiện nay ông là Chủ tịch và nhà lãnh đạo tinh thần của Viện Phật học Kagya-E-Vam ở Melbourne (Úc) và Viện Nghiên cứu E-Vam tại miền Bắc tiểu bang New York.
Traleg Kyabgon Rinpoche
Chuyển ngữ: Châu Văn Thuận
Nguồn: Shambhala Sun/ Tạp chí Văn hóa Phật giáo
Các tin tức khác
- Khi xúc chạm việc đời ( 8/01/2016 5:17)
- Đường trở về ( 7/01/2016 12:48)
- Bận mà vui, mệt nhưng hoan hỉ ( 6/01/2016 4:24)
- Thiền, liệu pháp của giấc ngủ bình an ( 6/01/2016 4:22)
- Con đường giác ngộ ( 5/01/2016 1:23)
- Nhận diện âu lo về cách bị người khác phán xét ( 5/01/2016 1:20)
- Vô thường ... ( 5/01/2016 12:48)
- Học cách buông xả để phiền não qua đi, bình an trở về ( 4/01/2016 3:23)
- Đi trên con đường của Phật pháp ( 3/01/2016 4:30)
- Lợi hành nhiếp ( 3/01/2016 4:14)