Hành Bồ Tát đạo

12/03/2016 2:33
“Tâm thường chiếu soi đạo lý, niệm niệm đều khế hợp chân thường”.

Người ngộ rồi thì tất cả động tác đều hợp lý. Người chưa ngộ nhất định làm không đến được, bởi vì họ chưa ngộ tức là tâm địa chưa minh, lý đương nhiên không thể đạt đến được hoàn toàn. Người chưa ngộ cho mình là mình, lấy người là người. Người ngộ rồi thì không thế, lấy mình làm người, lấy người thiên hạ làm mình, vì thế không giống nhau. Các ông hãy nghĩ xem: Lấy ta làm ta thì đương nhiên trước hết chỗ nào cũng đến ta, mặc áo ăn cơm trước hết phải có ta; đương cũng muốn có được mặc áo tốt, ăn uống được ngon; cái gì trước hết cũng phải có ta rồi sau mới đến người. Người ngộ rồi không như vậy, họ tương phản triệt để, mặc áo thì trước hết muốn người mặc, ông không có quần thì họ có thể không lo cho họ mà cởi của họ cho ông mặc; không có áo, họ cũng cởi cho ông; ăn thì cũng muốn người ăn trước cho no, còn mình thì đói, chẳng gấp gáp tí nào. Vì sao vậy? Vì họ ngộ rồi, tâm của họ không giống như tâm ông, tâm của họ là tâm Bồ Tát, người chưa ngộ là tâm phàm phu. Cho nên kẻ phàm phu, người Bồ Tát, trên trời dưới đất sai khác nhau, ấy là do ngộ với chưa ngộ. Nhưng Bồ Tát và phàm phu không giống nhau chỗ nào? Ta nói một thí dụ thì các ông sẽ dễ hiểu. Thí dụ như người nấu cơm là Bồ Tát, người đun bếp là phàm phu; Bồ Tát và phàm phu cùng lo chung một việc, cùng ở một liều, chỗ hành của họ đương nhiên không giống nhau, phàm phu thì muốn sướng một chút, làm việc thì muốn làm bớt đi một ít, chỗ nào thì cũng muốn chiếm lấy tiện nghi, họ chẳng cần để ý đến người khác có động phiền não hay không, động niệm hay không động niệm, tổn phúc hay không tổn phúc, họ chẳng hỏi đến. Bồ Tát không như thế, việc chịu khổ thì tự mình đi làm, nhường cho người phần tiện nghi, ông sung sướng thì họ mới có khổ để chịu, rất sợ người khác động niệm, động phiền não, thà để tự mình tổn phúc. Cũng như người nấu cơm đến lúc nấu muốn người đun bếp nhóm lửa, khi ấy người đun bếp lại đi nói chuyện với người khác, người nấu cơm tính muốn tự mình nhóm lửa thì không kịp mà không dám kêu người đun bếp về, chẳng thà chắp tay lạy người khác nhóm hộ, chứ không chịu để người đun bếp bị động niệm, sợ người ấy không vui. Người đun bếp về thấy đã có người nhóm lửa hộ rồi mà không nói cám ơn, người nấu cơm còn phải an ủi người đun bếp, nói những lời dễ nghe cho người ấy vui. Các ông nghĩ xem: Bồ Tát làm như thế đó, không dám như kẻ phàm phu đâu! Hiện nay chúng ta đều là phàm phu, chưa có vị nào là Bồ Tát, muốn học làm Bồ Tát cũng có thể học cái hạnh của người nấu cơm này.

Năm Tuyên Thống thứ 2 (1910), chúng tôi ba người đều là người bị thỉnh làm Ban Thủ nhưng không làm, mà phát tâm làm việc khổ trong bếp để đền ơn nhà chùa cho nên xin làm chức hành đơn (lo việc bếp núc). Tôi là Tây đơn ba (lo cơm nước), hai vị kia là Tây đơn nhất (lo thức ăn) và Tây đơn nhì (lo việc củi lửa). Chúng tôi khi mới phát tâm làm khổ hạnh, ba người có hẹn với nhau rằng: “Chúng ta đều là người không nhận chức Ban Thủ, nay làm trong nhà bếp không để xảy ra sự rầy ra than vãn gì. Đừng nói đến việc phải sang khách đường (tư pháp của nhà chùa) để cho người ta xử, nói một câu lớn tiếng để khách đường biết đã là không phải rồi”. Hai người kia đều tán thành. Vào kỳ truyền giới, năm trước có ba người nấu cơm, năm ấy thì chỉ có một mình ta. Năm trước ở đại liêu (nhà bếp lớn) có bốn cái lu lớn để đựng cơm thừa cháo thừa, đến ta thì chẳng còn cái lu nào. Một hôm Tăng lên đến hai trăm người đều là những người đến thọ giới Tỳ Kheo. Một hôm nọ, thúng của ta không đủ dùng bèn đi đến người làm rau mượn, anh ta không chịu, ta mượn đi mượn lại đến ba lần mà anh ta cũng không cho. Vừa khi anh ta có việc đi ra ngoài, ta nhân lúc cần phải nấu cơm bất đắc dĩ mới lấy thúng của anh ta vo gạo, còn chưa vo được thì anh ta trở lại nắm vạt áo của ta giật mà nói: “Chúng ta xuống khách đường đi!”. Ta không chịu đi, anh ta cứ lôi mà không nhúc nhích, ta hướng về anh ta rập đầu nói: “Đồng tham! Đồng tham! Đừng xuống khách đường. Chúng ta khi ra khỏi thiền đường đã có hẹn là không bao giờ xuống khách đường để người ta cười chúng ta”, lại rập đầu thêm ba cái nữa, anh ta mới thả ta ra. Một ngày sau anh ta đắp y mang tọa cụ đến liêu phòng ta cầu sám hối. Các ông nghĩ xem: muốn thành Bồ Tát đạo có phải hành cái nhẫn nhục chăng? Các ông hãy phát tâm! Tham thiền đi!

 

Trích Thiền Thất Khai Thị Lục - Lai Quả Thiền Sư

Các tin tức khác

Back to top