Không làm tổn hại mọi loài: Đem lại an lạc, hạnh phúc hiện tại và tương lai

2/05/2016 11:18
Ai trong chúng ta cũng đều chấp nhận rằng khi giết hại mạng sống chúng sanh khác là ta đang mang đến cho chúng sự đau khổ tột cùng, sự sợ hãi ghê gớm và nỗi bất an không thể nào lớn hơn.

Nỗi sợ hãi và bất an lớn nhất ở con người chúng ta là sợ chết, sợ không giữ được mạng sống của mình, con vật cũng tương tự như vậy. Điều này đã được đức Phật khẳng định trong nội dung câu Pháp cú số 129 đã trình bày ở trên, rằng không giết hại sinh vật khác là một việc làm đem lại nhiều ý nghĩa cho con vật ấy và cho bản thân mình. Đây là lúc chúng ta cho con vật ấy một cơ hội quý giá nhất đời: Cơ hội kéo dài mạng sống.

Đồng thời ta cũng tự tưởng thưởng cho mình một cơ hội để nuôi dưỡng đạo đức làm người. Đừng nghĩ rằng không có sự liên quan nào giữa việc giết hại mạng sống loài vật với đạo đức con người. Khi ra tay giết hại một con vật, ta đang gieo thêm và tưới tẩm hạt giống bạo động vốn có trong tâm thức mình. Cứ tạo môi trường thích hợp như thế, hạt giống bạo lực, giết hại này được nuôi dưỡng càng lớn mạnh thêm lên. Khi gặp tình huống, chúng trỗi dậy và lúc ấy, nó không cần phân biệt đối tượng là người hay vật, nhất là khi sự hận thù, ganh ghen, bực tức được châm ngòi và xông mờ con mắt lý trí thì tất nhiên, đau khổ sầu muộn liền có mặt. Nếu làm chủ thân và tâm, không giết hại sinh mạng, ta được lợi ích hiện tại và tương lai. Đây là nội dung lời dạy của đức Phật:

Bậc hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự,
Đạt được cảnh bất tử,
Đến đây, không ưu sầu.
(Pháp cú 225)

Không chỉ đức Phật khuyên dạy chúng ta không giết hại sẽ được an vui hạnh phúc, mà Pythagoras, nhà hiền triết phương Tây đương thời với đức Phật cũng từng phát biểu “Khi con người thảm sát động vật, nghĩa là họ đang giết hại lẫn nhau. Ai gieo chết chóc và đau khổ thì không thể gặt hái niềm vui và tình yêu” (For as long as men massacre animals, they will kill each other. Indeed, he who sows the seed of murder and pain cannot reap joy and love). Vua Asoka khi thay đổi từ một con người cực ác đến con người thuần thiện hộ trì Phật pháp rồi thì trong nhà bếp của triều đình không hề có con vật nào bị giết để làm thức ăn cho vua là một điển hình.

Đoạt mạng sống của sanh linh khác để tìm cầu hạnh phúc sẽ không bao giờ được thành tựu vì gieo nhân không hạnh phúc, không bình an thì làm gì có quả hạnh phúc và bình an? Người giết hại sinh mạng tự mình mở ra con đường đen tối, bất hạnh, nhiều đau khổ, “cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi” là điều tất nhiên theo luật nhân quả. Đức Phật khẳng định, không có chuyện một người đồ tể, sau khi giết các con bò, rồi đi bán; tạo nghiệp như vậy mà người ấy được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm II, kinh số 18).

Đức Phật còn kể lại, Ngài từng chứng kiến, có lần Ngài đi từ núi Gijjhakūta (Linh Thứu) xuống, Ngài thấy một người, Ngài mô tả đó là “một đống thịt đang di chuyển giữa hư không”. Một bầy các con kên kên, quạ, chim ưng đuổi theo người ấy, cắn mổ, cắn xé, và người ấy kêu thét lên đau đớn, rồi bị đao kiếm rơi đâm vào người gây đau đớn. Khi các đệ tử thắc mắc, đức Phật nói đó là người đồ tể giết trâu bò, giết dê, giết heo (Tương ưng bộ kinh,tập II, chương VII, phẩm I, kinh số 2, số 4, số 5: Đồ tể giết trâu bò, giết dê, giết heo). Người gây đau khổ cho kẻ khác, dù đó là người hay vật, sẽ không bao giờ được an vui hạnh phúc trong hiện tại cũng như ở tương lai.

Hại chúng sanh khác mà mong mình được lợi, gây đau khổ cho người và vật để thỏa mãn dục vọng mà muốn mình bình an hạnh phúc là hão huyền trên mây khói, chẳng khác nào nấu cát mà mong thành cơm là điều muôn đời không thể!

 

Trích Không Làm Tổn Hại Mọi Loài - Theo Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top