Không có trung thực sẽ không có sự trưởng thành thật sự

3/07/2016 1:51
Trong thiền tập cũng vậy, chỉ có một sự chân thật hoàn toàn mới dẫn đến tiến bộ.

Một thiền sinh phải không được nói dối, không được giả bộ biết những điều mà thực ra mình không biết. Nhất là ở trong các thiền viện, khi thiền sư hỏi: "Thế nào, bạn hành thiền ra sao rồi? Có tốt không? Có bị phóng tâm không?", có thể bạn sẽ trả lời như vầy: "Bạch thầy, nếu con ngồi 1 tiếng, thì trong suốt một tiếng đó con không hề bị phóng tâm tý nào". Nhưng điều này là hoàn toàn không thể nào có. Chỉ khi bạn đã đắc thiền, và có thể nhập vào an chỉ định thì mới có thể ngồi cả tiếng đồng hồ mà không bị phóng tâm suy nghĩ. Còn đối với những thiền sinh bình thường, dù định tâm có tốt đến đâu chăng nữa, khi ngồi lúc này lúc khác, suy nghĩ vẫn còn trở đi trở lại trong tâm.

Hãy trung thực và nói đúng sự thật. Bạn không nên giả bộ tỏ ra là mình đã đạt được tuệ giác này nọ, tỏ ra đã hiểu biết những điều mà mình không thực sự hiểu, cốt chỉ để gây ấn tượng hoặc làm cho ông thầy của mình hài lòng. Một số thiền sinh còn nói họ hành thiền là vì lợi ích của thầy. Thực sự thì bạn đâu có cần thiết phải hành thiền thay cho thầy. Thầy sẽ tự thực hành cho bản thân thầy. Bạn cũng phải tự thực hành cho chính mình như thế. Hãy làm một cách thật trung thực, chân thành và với đức tin chân chánh, bạn không phải làm điều đó cho bất cứ một người nào cả.

Bạn có thể bịa đặt là đã đạt được tuệ này, tuệ kia mà thực sự mình không có và nói ra điều đó chỉ để làm thiền sư hài lòng, có thể thiền sư sẽ chẳng nói gì cả nhưng thiền sư vẫn biết. Những Sayadaw đã từng hành thiền và dạy thiền nhiều năm sẽ biết rằng: "người này đang nói dối mình", khi biết như vậy họ chỉ cảm thấy thương hại cho kẻ đó. Họ cảm thấy thương hại, bởi vì họ thấy rõ rằng: "Ồ, người này mong muốn quá nhiều khi nói rằng thiền tập của anh ta đang tiến bộ, đến nỗi anh ta phải tự lừa dối chính mình như thế". Nhưng nếu vẫn cứ tiếp tục làm như thế, anh ta sẽ không thể tiến lên một chút nào được nữa. Vì vậy, đối với những người như thế này, cần phải nói cho biết là việc anh ta làm như thế là không thể chấp nhận được.

Xin đừng bao giờ nói dối người thầy của mình. Giữa các bạn với nhau cũng vậy, bạn cũng muốn làm ra vẻ như là trình độ thiền của mình giỏi hơn những người khác, "Tôi đã đạt đến trình độ như vầy, như vầy", đại loại như vậy. Khi đã nói một lời dối trá, bạn sẽ không thể tiến lên được một chút nào trong thiền. Hành thiền, thực hành Pháp là để chỉ bày chân lý, sự thật. Nếu bạn thực sự mong muốn hiểu được chân lý, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự chân thành, ngay thẳng và trung thực - một sự trung thực hoàn toàn.

Bạn phải làm gì khi đã lỡ nói điều gì đó không chân thật? Hãy nhìn vào chính tâm mình; tự thú nhận với chính mình là mình đã nói quá sự thật. Rồi sau đó, hãy tự sửa mình, đính chính lại với người kia rằng: "Cái tôi vừa nói đúng là có hơi chút phóng đại. Thực sự thì cũng không đến mức như thế". Chúng ta thực sự rất sợ phải thú nhận như thế, có đúng không? Điều đó thật là xấu hổ, không dễ mà nói ra được. Đó là lý do tại sao nếu thực sự muốn hiểu được chân lý, muốn hiểu được chân Pháp, bạn cần phải có rất nhiều dũng cảm. Nó đòi hỏi bạn phải rất trung thực.

 

Trích NGÔI NHÀ CHÁNH NIỆM

Tác Giả: Sayādaw U Jotika 

Dịch Giả: Tâm Pháp

Các tin tức khác

Back to top