Giới Định Tuệ & Bát Chánh Đạo

5/07/2016 2:11
Trong Đạo Phật những yếu tố giới, định, tuệ hòa hợp với nhau thành một chứ không phải là những thành phần tách rời riêng biệt, tám yếu tố trong Bát Chánh Đạo cũng vậy. Giống như hydro và oxy hòa hợp thành nước vậy, nếu tách rời hai thành phần ấy ra thì chúng không thành nước được nữa.

- Khi thận trọng, chú tâm, quan sát tức trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì ngay đó có giới định tuệ mà có giới định tuệ thì có chánh kiến, có chánh kiến thì có chánh tư duy, có chánh tư duy thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, mà đã có 5 chánh trên thì chắc chắn tâm ổn định nên tất nhiên là có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Nói cách khác trong Bát Chánh Đạo mỗi yếu tố luôn bao hàm những yếu tố kia.

Yếu tố Tỉnh Giác trong Bát Chánh Đạo

Trong thiền minh sát Vipassanā có 3 yếu tố dẫn đầu trong Bát Chánh Đạo đó là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh kiến, Chánh kiến ở đây được thực hiện qua Tỉnh Giác. Khi 3 yếu tố này hòa hợp với nhau thì 5 yếu tố kia cũng cùng hiện hữu.

Chánh định trong thiền minh sát

Chính khi con thận trọng chú tâm quan sát một động thái nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp thì thận trọng là giới, chú tâm là định và quan sát là tuệ. Thiếu một trong ba yếu tố thì 2 yếu tố kia cũng không thành. Định trong trường hợp này được gọi là sát-na định (khanika samādhi), tùy thời định (tadanga samādhi), hay tịch tịnh định (santo samādhi)tùy theo mỗi lúc và tính chất của nó. Định này mới là chánh định trong thiền minh sát. Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayaṃ samādhi: santo, paṇīto, patipassaddhaladdho, ekodibhāvādhigato, na ca sasaṅkhāra-niggayha-vāritavato’ti).

10 phiền não chướng của thiền Vipassanā.

Các loại định sắc giới, vô sắc giới chỉ gây trở ngại cho thiền minh sát, nếu không biết vượt qua, điều này đức Phật gọi là trong 10 phiền não chướng của thiền Vipassanā (Ánh sáng, hỷ, lạc, khinh an, trí quá nhạy, tin quá nhiều, tấn quá mạnh, xả quá mức, dục tốc sở đắc).

 

Thầy Viên Minh

Các tin tức khác

Back to top