Trong thế giới hiện tại, chúng ta đang sống trong bóng tối và hận thù của đe dọa về chiến tranh và nếp sống phi đạo đức. Vì thế chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và tình thương bao dung. Đó cũng là bức thông điệp đức Phật để lại cho chúng ta, bức thông điệp kêu gọi nhân loại hãy phấn đấu để trở thành những con người toàn thiện, những bậc Thánh giả thoát khỏi mọi sự ràng buộc và đau khổ của kiếp nhân sinh.
Chính vì thế gian này là phù du, tạm bợ và các khổ đau vô thường, bất toại nguyện làm ta đau khổ. Chúng ta không muốn sống chung với người ta không ưa thích và cũng không muốn xa lìa những người thương yêu. Những hoàn cảnh nghịch lòng, trái ý và nghiệt ngã lắm lúc xảy đến đột ngột làm cho ta vô cùng khổ sở, khốn đốn.
Đối với người thế gian, chưa tỏ ngộ được chân tướng vạn hữu, thì thọ hưởng dục lạc là hạnh phúc tốt đẹp duy nhất, như những tình yêu, vật chất, danh sắc, tài sản, quyền thế, danh vọng, địa vị… Nếu sự nghiệp vật chất ấy được thâu đoạt bằng bạo lực hay bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc nếu sự nghiệp ấy được hướng theo một chiều lầm lạc, hay ta đem lòng luyến ái nó, triều mến nó, thì đó là nguồn đau khổ và phiền não vô biên.
Chắc chắn rằng có hạnh phúc nhất thời khi mơ ước, lúc thọ hưởng dục lạc vật chất, nhưng hạnh phúc ấy quả thật ảo huyền và tạm bợ, mong manh và dễ mất. Theo đức Phật, vượt lên trên mọi dục lạc, cám dỗ, sân hận, si mê,… mới chính là hạnh phúc cao thượng và trường cửu.
Thế nhưng cuộc sống giả tạm, đổi thay và nhiều cạm bẫy vẫn luôn rình rập kiếp người trong từng sát na, âm ba diệu pháp vang vọng khắp chân trời mà nhân thế vẫn còn chìm trong bể khổ.
Chính trong sự khổ đau như xé lòng đó, đức Phật đã đem phương thuốc diệt khổ cho chúng sanh, bằng vô số pháp môn phương tiện để ứng hợp với từng căn bệnh chúng sanh mà cho thuốc.
“Vườn Nai Phật chuyển pháp luân
Rống lên tiếng rống uy hùng thậm thâm
Đoạn sanh tử diệt mê lầm
Khai thông nẻo đạo pháp âm nhiệm mầu”.[1]
Suốt cuộc đời giáo hóa gần nửa thế kỷ, đến lúc trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật cũng chỉ tuyên bố rằng: “Này chư Tỳ Kheo! Xưa cũng như nay ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”.[2]
Và đề tài hôm nay, chúng tôi muốn gửi đến quý vị với nội dung là Bốn pháp vượt sầu khổ. Trích từ cuộc vấn đạo của dạ-xoa Alavaka với đức Phật được ghi lại trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tương Ưng Dạ-Xoa, Kinh Alavaka.
Câu chuyện về đức Thế Tôn thâu phục được dạxoa alavaka được ghi lại trong kinh điển và các bản sớ giải như là một trong tám đại uy lực của Thế Tôn. Sau cuộc tỷ thí phép thuật với nhiều thứ vũ khí hủy diệt kinh khủng nhưng cũng không làm xoay chuyển được chéo y của đức Thế Tôn, dạ-xoa liền thử cách khác để dụ dỗ Thế Tôn bằng cách đuổi Thế Tôn ra khỏi ghế ngồi của mình. Đức Phật cũng nghe theo lời nói ấy và đi ra ngoài. Sau đó, dạ-xoa liền mời Thế Tôn đi vào chỗ cũ và Thế Tôn cũng nghe theo lời ấy đi vào. Dạ-xoa mời ba lần và Phật đến ba lần nghĩ rằng sự thông cảm sẽ làm giảm sự phẫn nộ của Dạ-xoa. Nhưng tới lần mời thứ tư, Phật từ chối không làm theo lời yêu cầu của dạ-xoa nữa.
Này Hiền giả, Ta không đi ra. Hãy làm gì ông nghĩ là phải làm.
Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu hỏi. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.
Khi ấy, dạ-xoa đã bạch hỏi Thế Tôn nhiều câu hỏi như là: cái gì là tài sản tối thượng? Cái gì đem đến sự an lạc? cái gì là vị ngọt tối thượng? Cái gì là sống tối thượng? làm thế nào vượt qua khổ đau? Làm sao để có trí tuệ? Làm sao để có bạn tốt? Làm sao để có trí tuệ?
Với nhiều câu hỏi vấn đạo như thế, hôm nay chúng tôi chỉ muốn gửi đến quý vị một câu hỏi ngắn và câu trả lời của đức Thế Tôn về cách làm như thế nào để chúng ta vượt qua sầu khổ?
Dạ-xoa hỏi rằng:
Asmā lokā paraṃ lokaṃ, evaṃ pecca na socati.
Ðời này qua đời khác, Như vậy không sầu khổ.
Và đức Phật trả lời:
Yassete caturo dhammā, saddhassa gharamesino;
Saccaṃ damo dhiti cāgo, sa ve pecca na socati.
Tín nam gia chủ nào, Tìm cầu bốn pháp này,
Chơn thực và chế ngự, Kiên trì và xả thí,
Vị ấy sau khi chết, Không còn phải sầu khổ.
Đây là bốn pháp giúp cho chúng ta, những ai biết áp dụng sẽ vượt qua những sầu khổ ở thế gian ngay trong đời này và cả tương lai ở những kiếp sau.
1. Chân thật (sacca)
Kiṃsu have sādutaraṃ rasānaṃ, Cái gì giữa các vị, Là vị ngọt tối thượng?
Saccaṃ have sādutaraṃ rasānaṃ, Chân lý giữa các vị, Là vị ngọt tối thượng.
Chân thật là sống với sự thật, việc có nói có, việc không nói không, không được xảo ngôn, nói dối, nói lừa đảo hoặc gạt gẫm. Đức Phật đã giảng dạy cho sadi Rāhula về nguy hại của việc nói dối trong bài kinh Giáo giới Rāhula ở rừng Ambalaṭṭhika như sau:
Phật đến thăm Rāhula, và khi Rāhula bưng chậu nước cho Ngài rửa chân, Ngài đã dùng ví dụ chậu nước để giáo giới. Ở đất nước Ấn Độ, khi một người tôn kính đến thăm gia đình thì người Ấn có phong tục là múc một chậu nước để rửa chân như là biểu hiện của sự kính trọng và hiếu khách. Theo thông lệ đó, khi Đức Phật đến thăm, Rāhula bưng nước rửa chân cho Ngài. Rửa chân xong, đức Phật đổ nước, rồi chừa lại một ít trong thau. Ngài dùng hình ảnh quen thuộc này, cùng với phương pháp sử dụng chuỗi câu hỏi có định hướng, để hướng dẫn Rāhula ý thức được việc mình đang làm cùng những hậu quả của chúng. Với một chút nước còn đọng lại trong chậu, Ngài lay động tâm thức của đứa bé 7 tuổi với những lời nhẹ nhàng mà nghiêm khắc. Ngài nói “cũng ít vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”.
Sau đó Đức Phật Ngài đổ hết nước trong chậu ra ngoài, rồi Ngài nhắc nhở “cũng đổ đi vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”.
Chưa dừng lại ở đó, Ngài khắc sâu vào tâm trí non trẻ của Rāhula bằng hình ảnh chậu không còn nước lật úp xuống và nói “cũng lật úp vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”.
Để nhấn mạnh thêm nữa, đức Phật lật ngửa cái chậu trở lại và với hình ảnh này, tiếp tục khắc sâu vào tâm trí Rāhula: “cũng trống không vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”. [3]
Đức Phật dạy: “Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối”. Nói dối trong đó có nói đâm thọc, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, chia rẻ. Người phạm phải lời nói dối, lời đâm thọc, người đó giống như nước chỉ còn một ít trong thau, giống như nước không còn trong thau, giống như cái thau bị úp xuống, như cái thau bị lật lên, thật là vô ích.
Người nói dối, nói đâm thọc, đời sống của họ đảo lộn, tâm của họ bấn loạn, luôn sợ hãi, lo âu. Những người nói dối làm ảnh hưởng, gây tại họa cho những người chung quanh. Cho nên người tu phải gìn giữ cái miệng, tức là giữ lời nói của mình cho được thanh tịnh.
Bài học đầu tiên, Đức Phật dạy cho Rāhula, một đứa con mới 7 tuổi, một sa di mới xuất gia là bài học về đạo đức chân thật. Trẻ con phải chân thật, trung thực ngay khi còn nhỏ, đó là chất liệu của một nền tảng đời sống đạo đức. Trong cuộc sống, tất cả các mối quan hệ: thầy- trò, chồng – vợ, cha – con, anh – em, chủ- tớ…đều phải có niềm tin với nhau thì quan hệ đó mới bền vững. Niềm tin đó có được từ lòng chân chật, ngay thẳng đối với nhau.
Đức Phật dạy con nghiêm khắc, nhẹ nhàng chỉ cho con thấy việc nói dối là không nên làm đối với một đứa trẻ. Trẻ con cần phải chân thật trong mỗi lời nói, mỗi việc làm của mình. Có như vậy, lớn lên mới làm người thành thật.
Thế Tôn sử dụng hình ảnh con voi lâm trận, nếu không biết bảo vệ cái vòi thì xem như là đang thí mạng; cũng thế, tu sĩ mà nói dối, không có tàm quý thì xem như là đang hy sinh giá trị phạm hạnh.
Với Rāhula, tuy còn nhỏ tuổi, hình ảnh một con voi thiện chiến của vua, có ngà dài, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở chiến trường là một hình ảnh quen thuộc vì Rāhula sống trong hoàng cung từ bé. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, dùng hầu hết tất cả những bộ phận của thân thể, nhưng nhất thiết phải bảo vệ cái vòi, vì khi cái vòi được bảo vệ cẩn thận, mạng sống con voi được đảm bảo. Một khi con voi không tự biết bảo vệ cái vòi của mình, nghĩa là nó đã quăng bỏ mạng sống. Đến mạng sống của mình còn khi suất, thì con voi ấy không có việc gì là không dám làm. Từ hình ảnh này, Ngài quay lại vấn đề, nhấn mạnh rằng, “này Rāhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rāhula, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”.
Với một người mà nói dối không biết xấu hổ, không biết hổ thẹn thì chắc chắn rằng người đó không có việc ác gì mà không dám làm. Do đó, trong cuộc sống ta phải biết giữ chữ tín, giữ lời hứa, phải nói lời chân thật, không nói lời giả dối, ngoài ra nữa là mình phải biết tu tập khẩu thiện nghiệp (vacikusalakamma) như là không nói dối (Musāvādā veramaṇī), không nói chia rẽ (Pisuṇāya vācāya veramaṇī), không nói độc ác (Pharusāya vācāya veramaṇī) và không nói nhảm nhí (Samphappalāpā veramaṇī); tức là phải tập nói lời chân thật, có sao nói vậy, không thêm mắm dặm muối; nói lời hòa hợp, đem đến sự đoàn kết cho tập thể; nói lời nói thế nào cho nhiều người thương mến; nói lời hợp thời, lời đúng lý, lời hữu ích, nói về pháp, nói về luật, nói lời đáng lưu giữ. Lời chân thật đem đến cho ta những hạnh phúc là:
Lời nói chân thật thuộc về thập thiện, nguyên nhân sanh phước.
Lời nói chân thật là đại phúc, khiến con người được an vui trong kiếp này và vị lai.
Lời nói chân thật sẽ đem lợi lộc, quyền chức, giàu sang, quyến thuộc và bạn lành.
Lời nói chân thật làm cho người bên ta đều tin tưởng nơi ta.
Lời nói chân thật làm cho người hạnh phúc từ bậc thấp là trời, người, đến bậc cao là Niết Bàn.
Lời nói chân thật đem lại cho người tất cả các sự hạnh phúc mà người ước mong.
Người hành theo lời chân thật là người đi theo đường của chư Phật.
2. Chế ngự (dama): tự điều phục, tự huấn luyện bản thân.
Thuở ấy, có một người nghèo khổ chuyên đi làm thuê. Một ngày kia có vị Sa-môn thấy anh đang đi trên đường, trên người chỉ đóng chiếc khố rách, vai vác cái cày. Vị Sa-môn hỏi:
Nếu anh chỉ kiếm sống bằng cách ấy, sao không đi tu cho khỏe?
Bạch Ngài, ai mà chịu cho con, một người làm thuê đi tu?
Nếu anh muốn, ta sẽ độ cho.
Thật là tốt phước cho con. Nếu Ngài độ con xuất gia, con xin làm Sa-môn.
Vị Sa-môn đem người cày thuê về tinh xá Kỳ Hoàn tự tay tắm rửa cho y. Vị Sa-môn bảo chú Sa-di mới hãy treo chiếc khố rách với cái cày trên một nhánh cây gần tịnh thất. Từ đó thầy có tên là Nangalakula, Tôn giả “Thợ Cày”.
Sau một thời gian sống trong tu viện, với những thực phẩm cúng dường sung túc, Tôn giả “Thợ Cày” trở nên bất mãn. Không chống chọi nổi sự dày vò, thầy nhủ thầm: “Ta không muốn đắp chiếc y vàng do đàn việt cúng nữa”. Thầy đến dưới gốc cây, và tự sỉ nhục mình: “Mi thật xấu xa, không thành tâm chút nào. Bộ mi muốn mặc chiếc khố rách này, trở về thế tục để làm thuê hay sao?” Sau khi tự cảnh tỉnh mình, thầy lại trở về tu viện, hăng hái tu hành. Vài hôm sau, cơn bất bình lại kéo đến. Thầy cũng ra gốc cây nhìn chiếc khố rách và tự khiển trách như trước. Cứ thế, mỗi khi buồn bực, thầy đến gốc cây để lại lấy ý chí.
Các vị Sa-môn để ý thầy thường lui tới gốc cây, bèn hỏi:
Này huynh Thợ Cày, huynh đến đó làm gì thế?
Thưa chư vị, tôi đến viếng vị giáo thọ của tôi.
Vài hôm sau, thầy chứng A-la-hán. Các vị Sa-môn thấy thầy không đến gốc cây bèn hỏi đùa:
Này huynh, lâu nay không thấy huynh lui tới đường này, chắc huynh không đến vị giáo thọ nữa?
Thưa vâng, khi tôi còn vướng bận thế gian, tôi thường lui tới đường này. Nhưng nay tôi chẳng còn liên hệ gì với thế gian nữa, tôi không cần phải đi.[4]
Yo sahassaṃ sahassena, saṅgāme mānuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ, sa ve saṅgāmajuttamo.
Dầu tại bãi chiến trường. Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng. [5]
Những con thú, những vật vô tri có thể bị huấn luyện thuần chủng và làm theo y của mình nhưng để thuần phục được bản thân là một việc làm khó vô cùng. Cũng như thế, với lỗi của người khác thì mình dễ dàng thấy được chứ lỗi của bản thân thì mình lại không thấy, thậm chí có người chỉ rõ cũng không chịu nhìn thấy, nguyên do là mình chỉ thích sống ảo, không dám chấp nhận với cái hiện thực.
Một cậu bé bảy tuổi xuất gia Sa-di. Ngày kia, theo thầy trì bình, cậu để ý thấy những người nông dân dẫn thủy nhập điền, những người thợ chuốt tên, những người thợ mộc đang hành nghề và nêu lên nhiều câu hỏi cho ông thầy. Vị Sa-di bảy tuổi ấy tự nghĩ: “Những vật vô tri vô giác như nước, như gỗ còn có thể uốn nắn và kiểm soát được, tại sao ta lại không thể kiểm soát được cái tâm của ta?” Nghĩ vậy, ông rút vào tịnh thất, chuyên chú hành thiền và đắc quả A-LaHán trong lúc chỉ có bảy tuổi.
Udakañhi nayanti nettikā, Usukārā namayanti tejanaṃ;
Dāruṃ namayanti tacchakā, Attānaṃ damayanti paṇḍitā.
Người trị thủy dẫn nước, Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ, Bậc trí nhiếp tự thân.[6]
Có nhiều phương pháp để mình tự điều phục bản thân thoái khỏi các phiền não: sân hận là từ; não hại người khác là bi; ghen ghét, tật đố là hỷ; tham ái à xả; phóng tâm là chánh niệm.
3.Kiên trì (dhiti): ở đây đồng nghĩa với nhẫn nại hay kham nhẫn (khanti) với mọi nghịch cảnh của cuộc đời như: thời tiết, vật thực, bệnh tật, tiếng thị phi, tám ngọn gió đời như là được mất, vinh nhục, khen chê, vui khổ.
Kẻ vô văn phàm phu khi được lợi lộc, được danh, được khen, được hạnh phúc thì người ấy không nhận thức tính chất vô thường – khổ, nên có sự tham đắm hoan hỷ với lợi lộc ấy, và khi bị mất lợi, mất danh, bị chê, bị khổ thì người ấy khởi lên sầu muộn. Do tâm bị chi phối với thuận cảnh và nghịch cảnh như vậy, nó không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Trái lại, một vị thánh đệ tử hiểu pháp, khi gặp thuận cảnh (lợi lộc, danh tiếng, được khen, được hạnh phúc), hoặc nghịch cảnh (mất lợi, mất danh, bị chê, bị khổ), vị ấy khéo tác ý, nhận thức tính chất vô thường – khổ của sự kiện nên không tham đắm cũng không buồn phiền. Nhờ vậy vị ấy đoạn tận tham, sân, si và được thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết.
Selo yathā ekaghano vātena na samīrati;
Evaṃ nindāpasaṃsāsu, na samiñjanti paṇḍitā.
Như đá tảng kiên cố, Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê, Người trí không giao động.[7]
Đức Phật nhấn mạnh khả năng kham nhẫn trong cuộc sống tu tập. Vị Sa-môn trên bước đường hoằng đạo phải học đức chịu đựng nhẫn nại với mọi hoàn cảnh. Dù với nghịch cảnh như thế nào cũng phải kiên tâm, tự chế không nuôi dưỡng hiềm hận trong tâm, nghiêm trì giới luật, thu thúc trong các căn, tiết độ trong ăn uống, sống thanh tịnh độc cư thiền định, sống với tâm hướng thượng là những pháp căn bản của người cầu đạo giải thoát.
Anūpavādo anūpaghāto, pātimokkhe ca saṃvaro;
Mattaññutā ca bhattasmiṃ, pantañca sayanāsanaṃ;
Adhicitte ca āyogo, etaṃ buddhāna sāsanaṃ.
Không phỉ báng, phá hoại, Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ, Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,
Chuyên chú tăng thượng tâm, Chính lời chư Phật dạy.[8]
Đi xa hơn đức Phật dạy thế nào là cái đẹp, cái được, cái nổi bật mà một người trên đường đạo nên mong mỏi. Pháp nhẫn nại là trang sức đẹp nhất; là điều kiện tất yếu cho các thiện pháp phát triển; là trang sức của người trí; là vẻ đẹp của người hiền; là điều kiện dẫn đến những thành tựu trong cuộc sống. Nhẫn nại là phương cách diệu dụng hoá giải mọi tranh chấp.
Nhẫn nại pháp tối ưu căn bản
Khiến hạnh lành giới định đặc thù
Diệu năng nhẫn nại đoạn trừ
Căn nguyên lầm lỗi cho dù tế thô
Mọi tranh chấp hơn thua phải quấy
Dùng nhẫn kham hoá giải chấp tranh
Nhẫn nại trang phục tuyệt trần
Của hàng trí giả đạo căn kiên cường
Pháp nhẫn nại là nguồn cội phúc
Là bạn hiền tài lộc uy danh.
Chú giải có dạy rằng Tỳ khưu có lòng nhẫn nại là người có tính cách làm như điếc, không cần nghe những lời của kẻ khác khen hay chê, hoặc chửi mắng; hay làm như người bại xuội, nghĩa là không đánh đập mình, cũng như vị đạo sĩ tên Khantīvādī hằng cố gắng làm cho tâm mình trong sạch bằng đức tánh nhẫn nại, hoặc như Đại đức Punna, là vị mà Đức Thế Tôn tuyên dương công đức là người nhiều nhẫn nại nhất trong hàng đại đệ tử Phật. Tôi xin lần lượt nhắc sự tích ấy theo Túc sanh truyện.
Trong lúc quá khứ, Đức Bồ tát sanh vào dòng Bà la môn Kunda ở tại kinh đô Bārānasī. Ngài xuất gia làm đạo sĩ ở tại rừng Tuyết Lãnh rất lâu. Ngày nọ ngài về thành Bārānasī ở tại vườn thượng uyển. Lúc ấy đức vua Bārānasī tên là Kulāpu uống rượu say, dẫn phi tần vào vườn thượng uyển chơi. Đức vua vì say nên ngủ quên. Các phi tần thấy vua ngủ, nên rủ nhau đi chơi, gặp vị đạo sĩ đang ngồi dưới cội cây, mới rũ nhau đến làm lễ và nghe pháp.
Sau khi tỉnh rượu, đức vua không thấy có một phi tần nào hầu ngài, nên nổi giận xách gươm đi kiếm. Khi ấy có một vương phi được vua yêu nhất, giựt lấy gươm ngài. Khi ngài ngự đến cội cây, thấy vị đạo sĩ mới hỏi: “Này thầy Sa môn, ngươi hằng dạy người bằng pháp gì?”
Tâu Đại vương, bần đạo hằng dạy về pháp nhẫn nại.
Nhẫn nại là gì?
Nhẫn nại là sự không sân hận, trong khi kẻ khác chửi mắng, đánh đập, khinh bỉ mình.
Nếu vậy, ta sẽ trông thấy ngươi có pháp nhẫn nại hay không.
Rồi ngài truyền đao phủ thủ rằng: “Người hãy đè vị đạo sĩ này xuống, đánh khắp châu thân y hai ngàn roi cho trẫm!” Đao phủ thủ làm y theo lời. Rồi đức vua hỏi: “Ngươi hằng dạy người pháp gì?”
Tâu Đại vương, bần đạo hằng dạy về nhẫn nại, có lẽ Đại vương tưởng rằng nhẫn nại ở theo da của bần đạo chăng? Nhẫn nại không ở theo da của bần đạo đâu, nhẫn nại ở trong thâm tâm của bần đạo.
Các người hãy chặt tay và chân của vị đạo sĩ này cho trẫm! Vua phán lịnh ấy cho đạo phủ đã tuân hành.
Đoạn Vua hỏi như trước. Đạo sĩ tâu rằng: “Tâu Đại vương, bần đạo hằng dạy về nhẫn nại. Đại vương tưởng rằng, nhẫn nại ở theo tay chân của bần đạo chăng? Nhẫn nại không có ở theo tay chân của bần đạo đâu!”
Vua liền phán:
Các ngươi hãy lắc tay xẻo mũi tên đạo sĩ này cho ta.
Sau khi đao phủ thực hành xong, đức vua cũng hỏi như trước. Vị đạo sĩ cũng trả lời như trước. Đức vua tức giận vô cùng, mới nện gót chân lên ngực đạo sĩ, rồi bỏ đi. Mặt quả địa cầu có sức chở nổi núi non, nhưng không chở nổi tội lỗi của nhà vua, nên nứt làm đôi. Đức vua bị đất sụp chết, sanh vào A tỳ địa ngục.
Sau khi vua ra đi, có một vị quan hầu vào lau máu cho đạo sĩ và nói rằng: “Bạch ngài nếu ngài có giận, xin ngài giận nhà vua làm khổ ngài, đừng phiền chúng tôi.”
Đạo sĩ nói: “Nhà vua nào truyền chặt chân tay, cắt tai xẻo mũi ta, ta cầu xin đức vua ấy được sống lâu. Vì người như ta không bao giờ biết giận.”
Quí hóa thay, cao thượng thay, hạnh của vị đạo sĩ, mặc dù ngài đã chết, nhưng hương lành cũng vẫn còn lưu lại đến hôm nay. Ngài đã nêu gương quí báu về đức nhẫn nại. Người muốn biết rằng mình có tu hay không, là biết trong trường hợp phải sanh hận, tham lam v.v… Nếu muốn tu theo pháp nhẫn nại, phải có trí nhớ, nhớ rằng: Những trường hợp làm lung lạc ta, đó là những cơ hội thử thách lòng ta, xem ta tu đến mức độ nào, ta nên nhớ dùng nhẫn nại để thắng những thử thách ấy. Người có đủ lòng nhẫn nại là người có đủ khí cụ thắng những người hung ác, như Đại đức Punna trong Túc sanh truyện.
Có một người phú thương tên Punna ở xứ Sunāparanta đi đến kinh đô Savatthā (Thất La Phiệt), được vào hầu Phật và nghe pháp, ông phát tâm trong sạch muốn xuất gia, nên ông gọi người quản lý đến bảo y đem hết của cải của ông và trao lại cho em là Culapunna. Rồi ông xuất gia và học tham thiền với Đức Thế Tôn. Khi ông ở tại thành Thật la phiệt không được kết quả tốt đẹp, ông mới nghĩ rằng nơi đây phong thổ không hạp với ông, ông muốn đi về xứ Sunāparanta, nên vào hầu Đức Phật xin đi về xứ đó.
Đức Thế Tôn hỏi: “Thầy muốn đi ở nơi nào”?
Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử xin đi xứ Sunāparanta.
Đức Thế Tôn biết rõ rằng, ông là người có rất nhiều đức nhẫn nại vô lượng vô biên. Nhưng Ngài hỏi để ngài giải đức nhẫn nại cho chư vị Tỳ khưu nghe và cho thiện tín được thấy đức nhẫn nại của ông Punna.
Trong tạng Kinh, bộ Majjhimanikāya, bài kinh Punnavādasutta thuật rằng Đức Thế Tôn hỏi: “Này Punna, người xứ Sunāparanta rất hung ác, thô lỗ. Punna, nếu người xứ ấy chửi ngươi, dọa nạt ngươi, thì ngươi có phương pháp chi đối phó với người xứ ấy?
Bạch Đức Thế Tôn, nếu người xứ Sunāpa-ranta chửi mắng, dọa nạt đệ tử, đệ tử nghĩ rằng, những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì họ không đánh đệ tử bằng tay. Bạch Đức Thế Tôn, trong trường hợp này đệ tử nghĩ như vậy.
Này Punna. Nếu người xứ Sunāparanta họ sẽ đánh ngươi bằng tay, trong trường hợp này nhà ngươi đối phó thế nào?
Bạch Đức Thế Tôn, người xứ Sunāparanta đánh đệ tử bằng tay, đệ tử sẽ nghĩ rằng, những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì những người ấy chưa chọi đệ tử bằng đá. Bạch Đức Thế Tôn trong trường hợp này đệ tử nghĩ như vậy.
Này Punna, nếu người xứ Sunāparanta chọi ngươi bằng đá, trong trường hợp này, ngươi mới đối phó thế nào?
Bạch Đức Thế Tôn, người xứ Sunāparanta chọi đệ tử bằng gạch đá đệ tử cũng vẫn nghĩ rằng, những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì họ chưa đánh đệ tử bằng cây. Bạch Đức Thế Tôn trong trường hợp này đệ tử nghĩ như vậy.
Này Punna, nếu người xứ Sunāparanta đâm ngươi bằng kiếm, chém ngươi bằng dao, trong trường hợp này ngươi đối phó bằng cách nào?
Bạch đức Thế Tôn, nếu những người Sunāparanta đâm đệ tử bằng kiếm, chém đệ tử bằng dao, đệ tử nghĩ rằng những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì họ chưa giết đệ tử. Bạch Đức Thế Tôn trong trường hợp này đệ tử nghĩ như vậy.
Này Punna, nếu những người xứ Sunāpa-ranta sẽ giết ngươi, trong trường hợp này ngươi đối phó thế nào?
Bạch Đức Thế Tôn, nếu những người Sunāparanta họ sẽ giết đệ tử, đệ tử sẽ nghĩ rằng, chư Thinh văn đệ tử Phật, chán nản gớm ghê thân này, các ngài hằng muốn trừ nó, riêng phần đệ tử không kiếm nhưng may lại được. Bạch Đức Thế Tôn trong trường hợp này đệ tử lại lại nghĩ như thế.
Đức Thế Tôn tỏ lởi hoan hỷ rằng: “Lành thay! Lành thay! Punna ngươi là người có tâm thanh tịnh, là sự nén lòng, ngươi có thể đi đến ở xứ Sunāparanta. Vậy ngươi hãy tùy tiện đi”.
Theo tích này ta thấy ngài Punna nhẫn nại trong bảy trường hợp: chửi, dọa nạt mắng nhiếc, đánh bằng tay, chọi bằng đá gạch, đáng bằng cây, chém bằng dao, đâm bằng kiếm, giết chết.
Nhẫn nại cao cả như thế mới đáng gọi là Phật tử. Nhờ đức nhẫn nại ấy mà ngài Punna chinh phục được tất cả lòng người trong xứ ấy, những người chửi mắng ngài đều trở nên tín đồ của ngài. Riêng ngài, nhờ đức nhẫn nại ấy nên ngài đắc quả A La Hán tại xứ Sunāparanta. Chúng ta hãy noi theo gương ngài mà vâng giữ hành theo nhẫn nại.
Nhẫn nại có 5 điều quả báo:
Người có nhẫn nại là người có rất nhiều người thương quý mến yêu.
Người có nhẫn nại là người không có nhiều oan trái.
Người có nhẫn nại người không có nhiều tội lỗi.
Người có nhẫn nại là người không kinh sợ si mê trong khi sắp lâm chung.
Người có nhẫn nại là người được sanh về cõi trời sau khi chết.
4. Dứt bỏ (cāga)
Xả tài cũng là một cách bố thí, và dứt bỏ cũng là một hình thức bố thí nhưng dứt bỏ cao quý hơn, khó làm hơn vì phải có sự phối hợp của tính vô tham, không dính mắc và tầm cầu giải thoát, ở đây muốn nói là manasikara hoặc tác ý của tâm.
“Khi cho những vật thí như: cơm, nước, y phục,… để mong ước hưởng quả hữu vi trong những kiếp sống tương lai. Đó là bố thí. Khi cho những vật thí như: cơm, nước, y phục,… mong người thọ dụng được an lạc trong hiện tại, người cho không mong cầu chi cả. Đó là dứt bỏ”. Trong chừng mực nào đó, dāna (bố thí) và dứt bỏ (pariccāga) đều có nghĩa là “lìa bỏ tham luyến (virāga)”, nhưng sự lìa bỏ này khác nhau: “Lìa bỏ trong hiện tại, tương lai mong cầu hưởng tài sản thế gian, đó là bố thí. Lìa bỏ trong hiện tại lẫn vị lai, đó là dứt bỏ”.
Tóm lại, trao quyền sở hữu tài vật nào đó đến người khác, nhưng vẫn biết rõ người cho, người nhận, là bố thí. Trao quyền sở hữu đến người khác, không vướng mắc ý tưởng “người cho, người nhận”, là dứt bỏ.
Kết luận
Cuộc sống không bao giờ toàn màu hồng, cuộc đời không ai trải thảm cho mình đi bao giờ cả. Đã là cuộc chơi thì phải có thắng có thua thì cuộc đời của chúng ta cũng như thế, lúc lên voi xuống cho, lúc thăng lúc trầm là điều tất nhiên. Cái quan trọng là làm sao khi thắng không kiêu mà bại không nản. Những lúc sầu khổ, phiền muộn là những lúc tự mình quán xét nội tâm của mình như thế nào, đủ nội lực vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống chưa? Hy vọng với bốn chi pháp chúng tôi đã trình bày sẽ giúp thêm phần nào nghị lực để quý vị vượt qua được những nghịch duyên trở ngại cuộc đời.
Chú thích:
[1] Tập Thư Tiểu Viên
[2] Kinh số 22, Ví Dụ Con Rắn, Trung Bộ kinh
[3] Kinh Giáo giới Rāhula ở rừng Ambalaṭṭhika.
[4] Chú giải pháp cú kinh số 379-380
[5] Pc.103
[6] Pc.80
[7] Pc.81
[8] Pc.185
TG: Bhik Samādhipuñño Định Phúc - Theo TVPS
Các tin tức khác
- Những kinh nghiệm hữu ích (16/08/2016 12:15)
- Chùa Bửu Đà: Đại lễ Vu Lan PL: 2560 (14/08/2016 9:42)
- Nuôi dưỡng tín tâm (14/08/2016 5:46)
- Nghiêm trì giới luật (13/08/2016 10:35)
- Phật giáo và đời sống thế tục (13/08/2016 10:31)
- Vu lan mùa mở những sợi dây treo ngược (13/08/2016 1:41)
- Không phải chúng ta cũng không phải họ (13/08/2016 1:36)
- Tùy duyên phải bất biến (13/08/2016 1:32)
- Nguyên nhân tục đốt vàng mã (13/08/2016 1:25)
- Chân thật (12/08/2016 2:03)