Khi những người hiện diện đã đổi nhau và ngồi yên chỗ, có một người nêu lên vấn đề xin hỏi Sư như sau.
Trong những bài giảng của ngài, ngài luôn dạy rằng do tập tành những thói xấu ở đời mà chúng ta đổi tâm Phật thành ra những ý tưởng xấu ác. Khi nghe ngài, tôi cũng nhận thấy làm thế là bậy. Nhưng tôi là một thị dân làm nghề thương mãi, nên có khi những điều người ta nói làm cho tôi tức giận hay bực mình. Tự thâm tâm tôi không có ý xấu gì như giận dữ hay bực bội, nhưng người khác thường cứ khiến tôi nổi giận, như vợ con và tôi tớ. Sau khi nghe ngài giảng, tôi nhận ra làm vậy là sai quấy, và cố gắng bỏ thói giận dữ ấy đi. Nhưng những ý nghĩ tức giận vẫn cứ nổi lên trở lại, và cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy. Vậy tôi phải làm sao để dứt sự giận dữ?
Sư trả lời: Sự thật là, bạn muốn nổi giận, nên bạn tự khiến cho mình điên tiết lên. Nếu ban đầu bạn không có một ý xấu nào, thì dù người khác có khiêu khích tới đâu, chắc chắn bạn cũng không nổi giận. Nhưng khi những cảm giác giận dữ bực bội đã thành hình trong tâm bạn, thì dù người khác không cố ý chọc giận, bạn vẫn bị lôi tuột đi bởi sức mạnh của chính ngã chấp nơi bạn, khiến bạn mất bình tĩnh và cả quyết mình không có gì sai quấy. Những ý tưởng của bạn tạo nghiệp ba ác đạo, trong khi cái tâm tu la ray rứt bạn. Đây là cỗ xe bằng lửa (CT. Xe chở người đi xuống địa ngục.ND) do cái tâm chấp ngã của bạn tự tác tự thọ.
Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và a tu la không ngoài tâm bạn. Hơn nữa, nếu cố ý chấm dứt các ý tưởng khởi lên, đàn áp chúng, thì lại là thất sách. Cái tâm Phật bẩm sinh chỉ có một, không bao giờ phân hai. Thế nhưng khi bạn cố ngăn cho tư tưởng đừng khởi, thì tâm bạn bị tách làm hai phe, một bên là ý tưởng giận dữ và một bên là cái ý muốn chấm dứt cơn giận. Việc ấy cũng như bạn đuổi theo một người đang bỏ chạy, chỉ khác là ở đây bạn vừa là người bị theo đuổi vừa là người đuổi theo. Lấy một vị dụ khác: khi bạn quét lá rụng mùa thu, lớp lá này quét xong lớp lá khác lại rụng xuống. Cũng thế, dù bạn ngăn được những ý giận ban đầu, nhưng cái ý sau đó để ngăn cản ý giận, lại khởi lên, cứ thế không bao giờ dứt. Bởi thế cái ý muốn chấm dứt tư tưởng là sai lầm. Sự tình là thế nên khi bạn không còn quan tâm đến những ý tưởng, đừng cố chấm dứt hay không chấm dứt, thì đấy là tâm Phật Bất sinh. Đó là điều tôi đã nói vừa rồi một cách chi tiết.
Mù lòa và cái bất sinh
Một người đàn bà mù nói với Sư: "Con nghe nói người nào thân thể bất túc không thành Phật được. Thầy cũng thấy con bị mù, cả đến hình tượng Phật con cũng chưa được lễ bái. Con nghĩ mình sinh làm người không ích lợi gì cả, có lẽ khi chết con sẽ rơi vào cõi xấu. Có cách gì cho người mù cũng tu thành Phật được, xin ngài chỉ giáo cho con."
Sư đáp: Người ta có nói như thế thực, nhưng trong cái Bất sinh mà tôi nói, thì không có phân biệt giữa bất túc và không bất túc (tàn tật). Dù bà có bị mù, thì tâm Phật vẫn không có gì khác, đừng hoài nghi. Chỉ cần loại trừ tham sân si, nhận chân những gì tôi đã nói, luôn an trú trong Tâm Phật Bất sinh, thì bà sẽ thành Phật ngay đời này.
Có một bà mù khác ở Aboshi cũng hỏi tôi như vậy, và khi tôi nói cho bà ta nghe những gì tôi nói với bà vừa rồi, bà ấy đã hiểu rõ một cách rốt ráo và từ đó về sau bà hoàn toàn thay đổi, đề cao cái Bất sinh, và cứ nói với tôi: "Nhờ thầy giảng, bây giờ con đã hiểu vài phân về sự kiện quả thực con chưa từng sinh ra. Con cám ơn thầy xiết bao. Nếu mắt con không mù, thì có lẽ bất cứ gì con trông thấy cũng khởi động những tư tưởng tham lam chấp đắm trong tâm con, khiến con quen thói bám víu ràng buộc, thì làm sao mà xuất hiện được niềm tin này? Điều lạ lùng, chính nhờ mù lòa mà con có thể thấy được những xấu tốt của cuộc đời, mà không sinh tâm bám víu, và khi nghe ngài giảng con liền có thể đặt mình vào trong Bất sinh. Đấy hoàn toàn nhờ sự mù lòa của con vậy".
"Bà ta là một người có tín căn như thế. Vậy bà cũng nên hiểu rõ điều này, thì sự tu hành của bà có lẽ sẽ tiến bộ suông sẻ hơn một người sáng mắt".
Khi Sư giảng xong, người đàn bà mù này cũng sung sướng kêu lên: "Kỳ diệu thay, thật kỳ diệu thay."
Nghe nói rằng nhờ tin chắc vào lời dạy của Sư, bà hoàn toàn thực chứng cái Tâm Phật Bất sinh, và không còn nghi ngờ gì nữa rằng ngay cả một kẻ tật nguyền cũng thành Phật được.
Trích TÂM BẤT SINH
Thiền Sư Bankei
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt
Nhà Xuất Bản Thanh Văn & Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh
Các tin tức khác
- Đốt cháy các ý niệm (28/09/2016 12:54)
- Cái sợ đích thực (28/09/2016 12:52)
- Tiếc gì một tiếng yêu thương? (27/09/2016 12:33)
- Tôi tớ, hiệp sĩ, chồng và vợ (27/09/2016 12:26)
- 9 lời khuyên giúp bạn hạnh phúc trong cuộc sống (25/09/2016 11:28)
- Trả lời tiếng gọi Tỉnh Giác (25/09/2016 11:24)
- Tỉnh giác & Hiểu thương (25/09/2016 11:20)
- Lòng từ bi và thế giới (25/09/2016 1:46)
- Học (25/09/2016 1:38)
- Thái độ cần có khi đọc kinh Phật (25/09/2016 1:36)