Sự sẻ chia và lòng bình đẳng

2/11/2016 1:03
Đức Phật chứng được đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sau 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày đêm dưới cội bồ đề nhưng Ngài không cất giữ giáo pháp ấy cho riêng mình hoặc để xưng dương khả năng của mình mà nhanh chóng tìm Năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp và truyền đạo. Đức Phật còn khuyến khích đệ tử, người nào chứng đắc được điều gì phải sẻ chia cho người khác và hướng dẫn những người mới tu tập. Mỗi người đệ tử phải đi mỗi hướng khác nhau để hóa độ.

Vào thời Đức Phật, sự phân chia giai cấp tầng lớp trong xã hội rõ ràng và nghiêm ngặt. Những người tầng lớp hạ tiện không được nhìn hay chạm vào những tầng lớp cao quý. Nhưng Đức Phật tuyên bố “Không có một giai cấp nào nếu máu cùng đỏ và nước mắt cùng vị mặn”.

Đức phật đã độ Ưu Ba Ly, một tầng lớp nô lệ thấp nhất của xã hội lúc bấy giờ trở thành một bậc thánh nhân. Ngoài ra, người phụ nữ cũng không được phép tham gia bất kỳ điều gì trong xã hội, nhưng Đức Phật cuối cùng cũng cho hàng nữ giới xuất gia vì “Mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh”

Bài học: Trong cuộc sống, chúng ta phải biết san sẻ tinh thần và vật chất mà mình có được cho những người đang đau khổ thiếu thốn, yêu thương họ bằng tâm bình đẳng, mở lòng mình đón nhận và giúp đỡ người đau khổ. Có như vậy chúng ta sẽ nhận được niềm vui nhiều hơn và cảm thấy cuộc sống rất ý nghĩa.Đức Phật, một bậc Giác Ngộ với những lời dạy cao quý, rất gần gũi giữa đời thường.

Có câu “điều phi thường được tạo nên từ những điều bình thường”. Những hành động nhỏ của Đức Phật đã ghi dấu Ngài là một con người toàn diện, từ trí tuệ lẫn tâm hồn. Là người Phật tử chúng ta cần nên tiếp bước lời Phật dạy để tạo niềm vui, an lạc cho mình ở hiện tại và tương lai.

 

Trích Cuộc đời của Đức Phật là bài học để chúng ta phải học tập và noi theo - Châu Thanh Thùy

Các tin tức khác

Back to top