Tập tỉnh giác trên mọi sinh hoạt hàng ngày

4/10/2017 12:48
Trong cuộc sống, chúng ta nên tập tỉnh giác cho quen.

Nghe người ta nói, bàn tán gì đó, chúng ta đừng vội nhao nhao nói theo. Mới nhìn qua thì thấy rất bình thường, vô hại. Nhưng sống quen như thế lâu ngày sẽ biến thành cái tật, cứ gặp chuyện là lao xao, nhốn nháo và nhao theo. Khi sự lao xao đủ lớn thì sẽ biến mình thành một con rối sống trong lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, không bình tĩnh được. Do đó, làm gì cũng trật, hay bỏ dỡ nửa chừng không đến nơi đến chốn, gặp gì cũng bồn chồn, hồi hộp, hấp tấp, cứ cuốn lên không dừng được và phải bị khổ. Cả đời như thế thì những vọng động sẽ biến thành một sức mạnh lấy hết nội lực sống của mình, không còn gì là chính mình nữa. Mai mốt sắp chết chắc chắn cũng theo quán tính xao động, rộn ràng, gặp gì theo đó vậy thôi. Thấy điều gì cũng bị chi phối và liền vội chạy theo; thấy lạnh thì gấp gấp mặc áo; gặp nóng thì vội vội nhảy ào xuống hồ tắm ngay. Cứ thế mà lao theo chiều gió cuốn. Gió lúc này không phải nhẹ nhàng phảng phất mà mạnh như cuồng phong, lốc xoáy. Khi ấy, thoạt vừa theo sự chi phối của những ảo giác nóng lạnh thì liền bị cuốn đi vào bụng trâu, bụng ngựa mất tiêu, làm sao ai cứu cho kịp? Muốn trừ họa này, muốn trị bệnh này thì chúng ta phải biết tỉnh giác. Gặp bất kỳ việc gì, câu chuyện gì, chúng ta đừng vội vàng phán xét, nên tỉnh lại. Khoan suy nghĩ ai đúng ai sai, cứ ghi nhận để đó, không vội nghe theo. Nhớ đừng nhanh quá, vội quá, sẽ làm cho tâm mình bị dấy động. Bởi tâm động thì không tỉnh táo, nhìn sự việc bị sai và giải quyết không có kết quả tốt được. Cho nên khi gặp sự việc, điều cần yếu trước tiên là khoan động tâm đã, cứ tỉnh táo để tâm yên lặng, suy nghĩ cho thật kỹ. Khi cảm thấy tâm mình bình thường, trong lòng thật sự không còn mừng giận thương ghét gì chi phối, can thiệp vào cả rồi hãy đi đến quyết định, mọi việc sẽ được hoàn hảo, trọn vẹn, mỹ mãn, sẽ không bị sai lầm đáng tiếc.

Là người có nghị lực, bản lĩnh thì chẳng có gì đáng để khiến cho chúng ta phải hấp tấp, vội vàng cả. Cứ bình thường, tỉnh sáng, cứ như là mặc kệ. Bởi mặc kệ là có tâm; “cứ như là mặc kệ” là không có một tâm nào được lập nên cả. Lạnh cũng cứ như là mặc kệ, bình thường, tỉnh sáng trước rồi sau đó mặc áo ấm trong an nhiên. Nóng cũng cứ như là mặc kệ trước cho tâm bình thản rồi sau đó hãy quạt hoặc tắm... tùy điều kiện đang có. Có thể nghiệm được tâm bình thường an nhiên này thì mới thấy rõ; lúc này cái lạnh, cái nóng nó trở thành đối tượng bị mình nhận biết, nó không còn là mình, không còn chi phối mình, tâm chúng ta cảm thấy an nhiên, thú vị. Tương tự, mọi thứ trên đời có xảy ra đến đâu thì trước tiên cứ như là mặc kệ, bình thường, tỉnh táo rồi sau đó quyết định thì trị được cố tật bồn chồn, hấp tấp, rối rắm của con người. Cả đời đã tập quen như vậy rồi cho đến khi gần chết cũng vậy, cần phải tỉnh táo thì mới có cơ hội chọn lựa đường đi theo ý của mình. Lúc ấy, điều tốt tới, ghi nhận, sẽ làm tiếp. Điều xấu tới, ghi nhận, bỏ qua, và sẽ sửa đổi sau, không bận tâm. Nhớ là lúc ấy đừng loạng quạng trong đầu sẽ khiến mình xao xuyến, mất lực, nguy hiểm. Cứ bình thường! Giống như một người chủ ngồi vững vàng trong nhà của mình, đầy đủ khí lực, oai phong lẫm lẫm để phán xét, giải quyết mọi việc một cách nhanh gọn, dứt khoát và hiệu quả vậy. Hoặc có nhớ nhà, nhớ của, nhớ con cháu… được rồi, nhớ là tốt, nhưng bây giờ thì không sống được nữa rồi, thôi từ giã. Lúc đó phải khẳng khái, dứt khoát, không do dự, chần chừ. Vì do dự, chần chừ sẽ khiến cho mình không có lực, gió nghiệp thổi là bay ngay. Gặp mây đen, ánh sáng vàng, hay trắng gì gì đó, cũng cứ mặc kệ, tỉnh táo trước, mình vẫn là mình. Nhờ vậy chúng ta sẽ có trí sáng, có lực, khi đó hiện tướng của phước nghiệp nó sẽ phân rành, mọi thứ tốt xấu sẽ hiển bày rõ ràng, chúng ta mới chọn được đường để đi theo ý mình. Nếu hấp tấp quá thì gió nghiệp đẩy mình đi theo nghiệp, không có quyền chọn lựa nào khác. Cho nên lúc này, định lực rất quan trọng, nó giúp chúng ta không bị cuốn trôi theo nghiệp lực. Chỉ có định lực, trí lực mới chiến thắng được nghiệp lực. Ngoài ra, không có bất kỳ năng lực nào có thể cưỡng lại được sức mạnh của nghiệp cả.

Muốn vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải tập cho mình thành thói quen. Giả sử trời đang lạnh thì quen rùng mình, miệng la gấp lia lịa: “Ôi! Lạnh quá! Lạnh quá! Đưa cái áo mặc coi.”. Quen cái tật chìu theo cái lạnh đó, mai mốt vừa chết nghe lạnh thì không tỉnh táo, vội vàng khoát cái áo đen vào là ra con heo đen liền, nguy hiểm vô cùng. Lạnh chỉ biết lạnh, rồi tỉnh táo. Nhờ tỉnh táo, bình tĩnh cho nên tâm sẽ trở nên bình thường, cái lạnh cũng sẽ trở nên tầm thường. Lúc ấy những cái áo của nghiệp lực nó sẽ tan biến. Mặc áo hay không mặc áo cũng vậy. Tâm không xao xuyến thì mọi thứ sẽ mất lực với mình. Sau đó muốn mặc cái áo nào hay không thèm mặc là quyền mình.

Giả sử hôm nào trời oi nắng thì chúng ta cứ bức rức la lên: “Nóng quá! Nóng quá! Bật máy lạnh lên, uống nước đá,…” là thành cái tật. Quen như thế từ nhỏ cho đến lớn thì cái tật này nó sẽ lớn mạnh, chấp cứng khó sửa đổi. Lúc già cũng sẽ giống như vậy thì đến lúc sắp lâm chung là nguy hiểm rồi. Bây giờ phải tập bình tĩnh lại. Cảm thấy nóng chỉ là biết nóng, tỉnh táo, ở yên ngay vị trí mình đang ngồi, hoặc đang đi, như là ngồi thừ lỳ ra một tí mà không hề cố gắng, gồng chịu. Chỉ là bình thường, không thèm để ý đến nó thì cái nóng lúc này trở thành cái bị mình biết, nó trở nên tầm thường với mình, chúng ta không còn bị nó chi phối. Sau đó, muốn quạt cũng được, cúp điện không máy điều hòa cũng xong. Có ăn uống gì cũng tỉnh táo bình thường và ăn uống. Tức là mình vẫn có quyền tắm, có quyền ăn uống, nhưng phải sẵn nơi mình một khí khái mạnh mẽ, có một lực tỉnh ở trong con người mình trước khi cầm ly nước uống.

Bình thường khi uống nước, chúng ta hay khởi tâm tôi muốn uống nước, vậy là đã có niệm uống nước, là có bóng dáng của tâm. Cứ thế càng làm nhiều việc, nhiều ngày cọng lại, cái bóng dáng tâm này sẽ lớn mạnh và điều khiển mình, chúng ta không còn tự chủ được nữa. Rất nguy hiểm!

Bây giờ biết tu là gì? Không nhất thiết phải khởi niệm mới biết uống nước mà chúng ta không thèm khởi nghĩ gì, nhưng vẫn uống nước được và sáng biết rõ ràng, không động. Chính cái không động mà sáng biết thì mới đủ lớn giúp cho chúng ta không bị nghiệp chi phối để phải khổ.

Có thử nghiệm một lần mới cảm nhận được điều kỳ diệu này. Ví dụ quý thầy cầm ly nước để uống, nhưng không thèm khởi niệm, đưa tay bưng ly nước lên, không cần khởi niệm, vẫn uống được. Vẫn là uống nước, nhưng uống theo cách không thèm khởi niệm này sẽ có một lợi thế là niệm không khởi, bóng dáng tâm không có, nội lực trong tâm tự tăng trưởng. Lòng không động để uống nước thì sẽ giúp mình có nội lực, có định lực, có trí tuệ không động thì nghiệp nào chi phối được? Và khổ não cũng không còn. Tương tự, bao nhêu sinh hoạt khác cũng không thèm khởi tâm như uống nước vậy. Khéo sống được như vậy là biết tu. Tập từng động tác một, đừng để tâm lăng xăng thành thói quen. Từ bây giờ cho tới khi già mà tập quen được như vậy là chúng ta sẽ có được nội lực rất mạnh. Nội lực đã có thì hiện tại chúng ta được sống trong an vui; đến khi sắp lâm chung sẽ thấy tự tin, không sợ hãi.

 

Trích Chúng Ta Sợ Gì Nhất - Thích Tâm Hạnh - Theo Thường Chiếu

Các tin tức khác

Back to top