Nghèo mà bố thí được là khó

6/10/2018 2:53
Đức Phật dạy hai mươi việc khó, việc khó thứ nhất là “Nghèo mà bố thí được là khó.” Tất cả cử chỉ, hành động của chúng ta trong cuộc sống thường ngày đều khởi lên từ một niệm tâm. Niệm tâm này có thể làm thiện, cũng có thể là ác; cho nên, chúng ta thường đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Nếu như chúng ta không cố gắng điều phục được tâm mình thì niệm ác rất dễ sinh ra. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta: “Không làm các việc ác, hãy làm các việc lành.”

Ngài dạy không làm các việc ác, cũng chính là muốn chúng ta nhìn lại trong tâm. Nếu như có niệm ác sinh khởi thì phải đoạn trừ tức khắc; còn nếu không có cũng phải chú ý không để nó sinh ra, đây gọi là đề phòng. “Việc ác đã sinh thì mau đoạn trừ, việc ác chưa sinh thì làm cho không sinh.” Như thế là tu hành, chúng ta thường cảnh giác trong tâm.

Ngoài ra, nếu trong tâm chúng ta không có niệm thiện thì tự mình phải mau nuôi dưỡng niệm thiện, phát khởi tâm yêu thương. Nếu như tâm thiện này bắt đầu nảy mầm thì tiếp đến thể hiện hành động, nghĩ biện pháp nắm chắc cơ hội, giúp cho niệm thiện tăng trưởng liên tục. Như thế gọi là ‘làm các việc thiện.’

Người bình thường làm việc thiện cũng rất khó, huống gì người nghèo khổ! Nhưng làm việc thiện cũng phải cố gắng, sự thực này có chút khó khăn. Khi Đức Phật còn tại thế, người xuất gia chỉ có ba y, một bình bát, không có chứa vật dư vẫn bố thí được; không những người tu hành chẳng chứa vật dư mà vẫn bố thí. Nhưng người bình thường trong xã hội, có người rất muốn làm, tâm họ có thừa, nhưng không đủ tiền của. Họ thường nói: “Cuộc sống thường ngày của tôi gặp khó khăn rồi, làm sao tôi làm việc từ thiện được?”

“Nghèo mà bố thí khó thứ nhất. Theo nghiệp thọ sinh luân hồi chuyển. Khốn đốn, tàn bạo khổ lâu dài.”

Trong đoạn văn này, Đức Phật dạy chúng ta nghèo cùng bố thí là việc khó thứ nhất của đời người. Chúng ta phải tìm hiểu kĩ vì sao bị nghèo khó, có phải mọi người thường nói là do nhân duyên, quả báo không? Nhân nghèo khó là do họ trồng từ đời quá khứ; Quả nghèo khó là đang hiện rõ ở đời này.

Thời gian, không gian bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai; cho nên, nhân quá khứ là quả đời này; nhân đời này là quả tương lai. Nhân quả này theo nghiệp luân hồi thọ sinh đời đời không dứt. Trong đời quá khứ, chúng ta đã trồng nhân nghèo thì đời nay phải nhanh chóng trừ bỏ nhân nghèo, mà tạo phước quả báo cho tương lai.

Thế nhưng hàng phàm phu thì “khốn đốn, tàn bạo khổ lâu dài,” nên làm việc gì cũng gặp khó khăn. Chúng ta phải bắt đầu làm từ đâu? Đức Phật dạy: “Bố thí, giúp người nhiều phương pháp. Chưa trừ keo kiệt là nghèo nhất.” Nói về bố thí thì gồm có: tài thí, pháp thí và vô úy thí, chỉ cần chúng ta làm hết lòng cũng gọi là bố thí.

Khi Đức Phật còn tại thế, có một bà cụ rất nghèo đem chiếc áo rách của mình cúng dường chúng Tăng. Việc cúng dường này làm cho Đức Phật hoan hỉ nhất. Bởi vì, bà không có gì mà vẫn hết lòng cúng dường, công đức cúng dường này rất lớn. Đặc biệt là bố thí không nhất định là bất cứ việc gì cũng dùng vật chất. Chúng ta có thể nói lời nhỏ nhẹ khuyên bảo mọi người, giảng nói Phật pháp giúp người khác hóa giải nỗi phiền não trong tâm; đây là bố thí pháp. Khi chúng ta thấy người khác sợ hãi, bất an thì dùng lời nói yêu thương an ủi họ, giúp họ hiểu rõ; đó cũng gọi là bố thí.

Nhưng ‘chưa trừ keo kiệt là nghèo nhất.’ Chỉ cần người có tâm keo kiệt thì cho dù họ có rất nhiều tiền của, sức mạnh, nhưng tâm tham họ không thấy đủ là vẫn nghèo. Đây cũng là hạng người nghèo nhất. Bởi vì, họ thường nói: “Tôi vẫn còn thiếu, đợi khi nào tôi đầy đủ thì mới giúp đỡ người khác.”

 

Ni trưởng Chứng Nghiêm giảng - Thích Nữ Viên Thắng dịch

Các tin tức khác

Back to top