Thải độc bằng nước hoa quả và nhịn ăn, nên hay không?

13/08/2017 2:10
Hiện nay có nhiều thông tin về các phương pháp thải độc ngừa ung thư và một số bệnh tật, nhưng khi áp dụng cần tìm hiểu thật kĩ vì mỗi người sẽ phù hợp với phương pháp thải độc khác nhau, để tránh tình trạng chưa thải độc lại phải nhập viện vì phương pháp phản khoa học.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Phạm Cẩm Phương-  Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Trong cơ thể của chúng ta có một hệ thống thải độc luôn vận hành 24/24 để đào thải những chất độc, những cặn bã trong cơ thể ra ngoài. Thường thì ngoài 30 tuổi, hay khi tiếp xúc với 1 lượng độc tố quá lớn và thường xuyên sẽ gây ra việc thiết hụt glutathione- một chất có vai trò quan trọng nhất quyết định khả năng đào thải độc tố. Chính vì thế nhiều người truyền tai nhau phương pháp thải độc bằng cách nhịn ăn hoàn toàn và chỉ uống nước hoa quả để thải độc.

Đây là một phương pháp phản khoa học vì có thể gây suy kiệt cho cơ thể. Hệ thống thải độc cũng cần cung cấp đủ nguyên liệu từ thực phẩm thì mới hoạt động tốt, nếu chỉ uống nước hoa quả không thể cung cấp đủ nguyên liệu cho hệ thống này hoạt động. TS.BS Phương cho rằng, thải độc tế bào là phương pháp giúp kích hoạt hệ thống thải độc của cơ thể, tăng sản sinh chất chống oxi hóa nội sinh để trung hòa độc tố và gốc tự do đến tận từng tế bào. Độc tố thường hay tích tụ ở mô mỡ là một trong những nguyên nhân gây ra mỡ thừa và khó giảm cân, mô mỡ trở thành kho chứa của độc tố trong cơ thể. Do đó, để giảm cân (mà thực ra là giảm lượng mỡ thừa) một cách hiệu quả, thì cần kết hợp giữa chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý và thải độc cơ thể.

Còn theo PGS.TS Phạm Duệ, chuyên gia chống độc cho biết, trong đời sống, ngoài hóa chất công nghiệp, thì độc tố còn xuất hiện hàng ngày từ hóa chất nông nghiệp, hóa chất gia dụng, dược phẩm. Độc tố cũng có thể đến từ cây cỏ, thực phẩm như gạo, ngô, vi sinh vật, như vậy là có nhiều độc tố có thể có xung quanh chúng ta. Mỗi loại độc tố có cơ chế gây bệnh khác nhau, bệnh cảnh ngộ độc khác nhau. Có hai loại ngộ độc là ngộ độc cấp và mạn tính. Đa số độc tố là mạn tính gây nên thay đổi từ từ khó nhận biết và thường bị bỏ qua trong một thời gian dài như ngộ độc chì.

Dấu hiệu phát hiện ngộ độc rất khó, bệnh trầm trọng và đôi khi phải tầm soát nhiều lần mà chưa phát hiện được nguyên nhân, chính xác bệnh gì. Độc tố vào cơ thể tác động rất nhiều, tác động tới mức tế bào và tới toàn cơ thể. Nhiễm độc mạn tính có thể dẫn tới ung thư. Chính vì vậy, việc nhận biết độc tố để thải độc không thể tự động áp dụng mà cần có hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Nhịn ăn uống nước chanh thải độc có thể gây viêm loét dạ dày

Về phương pháp thải độc bằng cách uống nước hoa quả, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết nếu thải độc bằng cách uống nước hoa quả nhất là loại nhiều vitamin C (chanh, cam)  thì cần lựa chọn hoa quả sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Điều lưu ý là không nên nhịn ăn hoàn toàn, vì có thể gây viêm loét dạ dày, mất cân bằng dinh dưỡng và gây suy kiệt sức khỏe.

 

Theo SKĐS

Các tin tức khác

Back to top