Những tật xấu cần bỏ ngay để có cuộc sống an vui

3/02/2021 6:16
Sống an vui có đơn giản không? Làm thế nào để sống an vui, hạnh phúc? Học thói quen buông bỏ để sống hạnh phúc chính là bí quyết đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được.

Đời người là hữu hạn và nếu bạn muốn có được những tháng ngày thực sự hạnh phúc theo kiểu vẹn toàn thì hãy tập buông bỏ 5 thói quen sau đây.

5 tật xấu cần bỏ ngay để có cuộc sống an vui, hạnh phúc

Đố kỵ

Tạo hóa ban cho mỗi người một phận số khác nhau. Có người giàu kẻ nghèo, có người giỏi, có người phấn đấu cả đời vẫn thất bại, có người chỉ một lần may mắn đã thành công. Chính vì vậy, sinh lòng đố kỵ ở tâm mỗi người là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành công của người khác mà phấn đấu, thì đố kỵ đó theo chiều hướng tích cực và giúp bản thân mỗi người tự hoàn thiện hơn. Còn ngược lại, nếu chỉ vì lòng ganh ghét thù hiềm, sân hận với chính thành công của người khác, thì tất yếu sẽ chuốc lấy khổ đau cho chính mình.

Mỗi người trong chúng ta đều nên nhớ rằng, sở dĩ kiếp này có được an lạc và thành công, chính là vì những nghiệp duyên đã tạo nên từ kiếp trước. Thành công của một người được tạo nên từ rất nhiều nguyên do. Chính vì vậy, nếu không có được sự thành công như của họ, thì chớ đem đó làm phiền muộn thù hiềm, sự đố kỵ mù quáng chỉ làm ta quên đi mục đích chính mà mình đến với thế giới này. Thay vào đó, hãy tự mình vươn lên, lấy thành công của người khác làm động lực, lấy thất bại của chính mình làm bài học, đó mới chính là cách tốt nhất để an nhiên tự tại với những gì mình có được.

Thù hận

Không khó để nhận thấy rằng, mãi ôm sân hận trong lòng thì khó lòng đạt đến cảnh giới của hạnh phúc. Con người ta, có những niềm hạnh phúc rất giản đơn, ăn một bữa ngon, gặp một người thân lâu ngày xa cách, gặt hái được một thành công nhỏ trong công việc…đó đã là một hạnh phúc. Tuy nhiên, giữ mãi trong lòng một mối hận thù nào đó, thì dù là bạn thành công bao nhiêu, vẹn toàn bao nhiêu, vẫn thấy canh cánh trong lòng nỗi sầu muộn.

Thù hận được tạo nên từ đâu? Có một câu chuyện rằng, chàng trai nọ yêu cô gái kia nhưng bị gia đình nhà gái cấm đoán vì gia cảnh nghèo khổ. Thế rồi vì bị sỉ nhục, chàng trai ôm mối hận trong lòng và quyết tâm trả thù. Chàng gạ gẫm ngon ngọt với người yêu, để đến khi cô trao thân và mang bầu với anh ta được 5 tháng thì mới báo gia đình cô gái biết. Cái thai lúc này quá lớn không bỏ được, nhà gái đành ôm hận mà cho cưới. Chàng trai hả hê vì đã trả thù được cha mẹ vợ tương lai, nhưng chính lòng hận thù đã khiến chàng quên đi tình yêu của mình và vợ, để rồi mỗi ngày lại nhiếc móc sỉ vả cô gái chỉ để thỏa cái tôi đã bị tổn thương của mình. Sự thù hận đã không cho chàng cảm nhận được hạnh phúc mà chàng đang có, để rồi một ngày cô vợ chịu đựng không được nữa và rời đi, thì lúc ấy, nỗi ân hận đã không thể nào mang hạnh phúc trở về.

Nỗi thù hận như một liều thuốc độc gặm nhấm tâm hồn con người, dần dần biến chúng ta theo một chiều hướng tiêu cực và mục đích trả hận sẽ ngăn chặn con đường đến an lạch hạnh phúc. Ngẫm ở đời, mấy ai trả được hận thù mà thanh thản, hay lại canh cánh trong lòng một nỗi niềm khác, để rồi khi thác đi, thì điều ân hận nhất lại chính là việc mình đã mang cả tuổi trẻ để đeo đuổi một mỗi hận thù vốn dĩ nên để chúng ta vào hư vô?

Cầu toàn

Muốn sống hạnh phúc, ắt hẳn một trong những điều cần buông bỏ chính là sự cầu toàn. Nhiều người cứ mãi ôm đồm tất cả mọi việc chỉ vì nghi ngờ vào việc hoàn thành công việc đó ở một người khác. Sự cầu toàn chính là một rào cản rất lớn cho việc tận hưởng những hạnh phúc trong cuộc sống. Điều này khiến họ luôn ở trong trạng thái lo lắng khi giao việc cho người khác, cứ mãi phải bắt buộc mình phải tham gia vào công việc đó.

Sự cầu toàn được biểu thị ở khắp mọi nơi. Lo lắng con bị ngã và không cho bé tự đi, lo lắng con không thể tự đến trường để rồi khi lên cấp 3, mình đã đi đến dốc bên kia của cuộc đời vẫn ngày 2 buổi đưa đón con đi học. Lo chồng không thể nấu được một bữa cơm tươm tất để rồi có ốm có mệt cũng cố lê thân vào bếp để chu toàn bữa ăn gia đình….những mầm mống của bất hạnh chính từ những điều đó mà ra. Con thiếu vốn sống, thiếu khả năng tự lập. Gia đình chỉ vắng một ngày là dường như hỗn độn lên, chính bởi bản thân người đã không tạo được sự thỏa thuận hợp lý cũng như sự phân công công việc thích hợp nhất cho các thành viên.

Chẳng ai trên đời có được sự hoàn hảo. Chẳng ai nên mà chẳng ngã đôi lần. Tạo cơ hội rèn luyện cho người khác cũng chính là tạo cho mình cơ hội thoát khỏi những gánh nặng không đáng có. Hãy để mỗi người tự trải nghiệm cuộc sống của mình, đó mới chính là cách để hạnh phúc trong từng khoảnh khắc cuộc sống.

Kiêu ngạo

Theo cá nhân của người viết bài này, thì sự kiêu ngạo cũng là một trong những điều cần phải được từ bỏ để tâm an lạc và tìm kiếm được an vui trong cuộc sống. Sự kiêu ngạo chính là một sự biểu đạt của cái tôi cá nhân quá lớn trong đời. Người kiêu ngạo nhìn người khác chỉ bằng nửa con mắt, coi người khác luôn thấp kém hơn mình, và từ đó, nảy sinh thái độ khinh thường người khác mà tự tôn vinh chính mình. Tuy nhiên, thứ mà họ nhận được từ thái độ đó là gì?

Chúng sinh trên khắp cõi đời đều bình đẳng. Không phải vì bạn giỏi hơn, bạn làm chức to hơn, bạn có nhiều quyền lực hơn mà có quyền kiêu ngạo với người khác. Bởi điều này sẽ chỉ khiến bạn lu mờ trước khả năng thực tại của bản thân. Thứ hào nhoáng bên ngoài mà bạn đang tạo nên chỉ khiến giá trị của bạn trong mắt người khác giảm xuống mà thôi. Rồi đến khi thất thế, mấy ai là người có thể cảm thông chia sẻ?

Nhân quả ở đời, vốn dĩ cũng từ thái độ cách sống của chúng ta mà ra. Hãy giữ lòng thanh bạch, giữ thái độ ôn hòa với tất cả, mỗi người đều có điểm mạnh và mặt yếu của họ, một người ăn xin vẫn có điều để chúng ta tôn trọng. Tu thân và tu tâm chính là từ những việc nhỏ nhất đó mà ra. Nguồn căn của hạnh phúc chính là vậy.

Soi lỗi lầm của người

Soi xét lỗi lầm của người rồi lấy đó làm sự chế nhạo, khinh bỉ, dè bỉu? Liệu bạn có hạnh phúc với những điều đó?

Tôi còn nhớ một câu chuyện về 3 tỳ kheo đang trong một khóa luyện tu tịnh khẩu. Mỗi ngày, họ đều phải bê một thau nước, choàng lên đầu 1 cái khăn và nhắm mắt, tịnh tâm, không được trò chuyện. Thế rồi vô tình 1 tỳ kheo mở mắt và thấy chiếc khăn của người thứ 2 rơi vào thau nước. Vì không nói chuyện, nên người này chỉ biết rên ư…ư…như một cách báo hiệu cho người kia biết. Tỳ kheo bị rớt khăn thấy vậy mở mắt ra, khó chịu nói: đã tu tịnh khẩu còn ư…ư…cái gì chứ! Lúc này, vị thứ 3 lại cười lón nói: nãy tới giờ chỉ có mình mình là giữ được im lặng!

Câu chuyện gây cười nhưng lại đọng cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Ai trong 3 người mới thật sự đang tu? Hẳn là không ai cả. Vốn dĩ người ta chỉ nhìn thấy được lỗi lầm của người khác nhưng lại không nhìn thấy lầm lỗi của chính mình. Đó là tình trạng chung của người. Và vì như vậy, chỉ mải đi soi lỗi lầm của người khác, để rồi lấy đó làm sự bực bội trong tâm, liệu rằng sự an lạc và hạnh phúc có thật sự đến?

Muốn hạnh phúc, không đơn giản nhưng lại cực kì đơn giản. Tu tập mỗi ngày, từ thiện bố thí mỗi ngày nhưng lại không tự giải quyết được trong tâm thì cũng không thể nào có được cuộc sống viên mãn không muộn phiền. Chính bởi thế, học cách buông bỏ những thứ không cần thiết trong cuộc sống mới chính là bí quyết để tìm đến hạnh phúc cho mình.


Bích Nguyện - GHPGVN



Các tin tức khác

Back to top