Nên nghĩ cái học của thế gian chẳng ra ngoài lời dạy bao quát của đức Khổng Tử và Bách Gia Chư Tử. Cái học của xuất thế gian phải lìa tình thức, quét Thánh phàm, nên trước tiên phải rõ phương pháp lìa tình tuyệt thức. Phải biết tình bởi ái mà có, thức do vọng mà sanh. Hai chữ tình thức là chỗ phân biệt của Thánh phàm.
Thật ra vì tình chẳng thể không nên lục phàm luân chuyển, thức chẳng thể liễu nên tứ Thánh rõ ràng. Nay đem hai chữ tình thức này nói ra cho thế gian biết để cho bậc anh tài, cao minh giải thích nghĩa lý, thiết lấp một phương pháp dứt trừ để làm thử. Nếu có thể trừ được, liễu được thì tôi vui vẻ theo học pháp ấy.
Khắp thế gian đã không ai có cách nào để quét sạch được tình thức, thì ắt phải y theo đạo đánh hét của người xưa mà làm mới chẳng phụ cái chí tu hành. Như vậy quyết tâm trụ tại Tòng Lâm, lấy ngộ làm kỳ hạn.
Muốn cầu cái học khử trừ tình thức, ắt phải chịu cái đạo đánh hét (ăn gậy). Phải biết tình liên quan đến giận hờn, yêu mến, thức trói buộc ngộ mê. Người khắp thế gian dễ yêu dễ giận đều vì tình che lấp, chấp mê chấp ngộ cũng do thức buộc ràng. Như vậy, đánh đau một trận, tình bay ra ngoài hư không, giận hờn, yêu mến đâu còn; hét to một tiếng, bóng thức toàn tiêu, ngộ mê đâu có?
Thường thường người mới học đạo chẳng rõ pháp trợ đạo nên nói: "Có đạo để học, có tâm để dụng, việc lớn một đời ắt xong, đâu cần hương bản đánh như trẻ con, hét to như dọa con nít. quy cũ khó là cái chướng của dụng tâm, khai thị nhiều làm mất công ngồi nghe". Những người có kiến giải này chỉ nên ở núi hay ở chùa tư hoặc am thất. Người hiểu lầm như thế, chư Phật nghe qua rơi lệ, Tổ Sư nghe đến đau lòng, Long thiên biết rồi dậm chân, Quỷ thần biết xong đấm ngực. Người học đạo cần phải nghĩ kỹ, đức Thế Tôn tu đạo ở Tuyết Sơn, mỗi ngày ăn một hạt thóc hạt mè, trãi qua sáu năm tinh tấn, cực khổ còn hơn cái đau của đánh hét, cái khó của quy cũ, cái nhiều của khai thị, đâu chỉ ngàn muôn lần? Nhị Tổ cầu Pháp đứng suốt đêm dưới tuyết, tuyết lên đến lưng còn bị quở là tâm khinh mạn, chẳng đáng được nghe đạo. Ngài bèn chặt tay dâng lên mới được nghe Sơ Tổ thuyết Pháp, há chẳng hơn sự khổ cực của Thiền đường ngàn lần ư?
Ở thế gian, gặp người tiếp vật thuận theo tình cảm, xưng hô lễ phép, ấy là Tình. Lời nói vấn đáp, kiến giải hiểu biết, ấy là Thức. Chính tình thức làm cho Thiền đường suy tệ. Dẫu cho có khả năng đập vỡ hư không cũng chẳng bằng một gậy của Thiền đường, một gậy có thể phá tình này. Dẫu cho có sức đạp chìm quả đất cũng chẳng bằng một tiếng hét của Thiền đường, một tiếng hét có thể lìa thức này. Cho nên nói: "Cây gậy bảy thước khai Chánh nhãn, dưới một tiếng hét ngưng cuồng tâm". Lại nói: "Trên đầu hương bản sanh Tổ Sư, trong tiếng hét lớn sanh ra Bồ Tát". Người có sự nhận thức đúng về Phật pháp cầu Thiện tri thức đánh, thỉnh Thiện tri thức hét. Một gậy một hét có thể trừ sạch tình thức trong nhiều kiếp. Muốn trụ Thiền đường nếu sợ đánh hét thì khó trụ lâu. Nếu có Thiền đường nào tạm bỏ đánh hét thì Thiền đường ấy chẳng thể tồn tại. Thiền đường là ghe thuyền của thế gian và xuất thế gian. Đánh hét là lợi khí để liễu thoát sanh tử. Muốn thành Phật đạo phải ở Thiền đường. Muốn thoát sanh tử phải chịu đánh hét. Đánh hét của Thiền đường là mẹ, kiến Tánh thành Phật là con. Cho nên chư Phật chỉ quy về Thiền đường, chư Tổ đều sanh ra từ tông này. Há chẳng tin sao?
Trích Tham Thiền Phổ Thuyết - Lai Quả Thiền Sư
Các tin tức khác
- Thế giới tự do (16/05/2015 1:40)
- Cũng là như thế (15/05/2015 2:57)
- Đâu phải giàu mới có thể bố thí (15/05/2015 2:35)
- Ý nghĩa của Quy y Tam Bảo như thế nào? (15/05/2015 1:33)
- Trí đức (14/05/2015 2:00)
- Tánh giác vốn tự thanh tịnh, nhưng vì cớ sao lại đột nhiên sanh ra đất đai núi sông ? (13/05/2015 12:55)
- Người học Phật quý tại chân thật (13/05/2015 12:22)
- Nước mắt thiền sư (12/05/2015 1:10)
- Sống vươn lên (12/05/2015 1:00)
- Chuyện trâu đen cứu chủ trả nợ tiền kiếp (12/05/2015 12:29)