Phật dạy không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu đích thực là những việc hết sức bổ ích cho đời sống cá nhân của bất người nào. Tự thân có tu tập, chuyên tâm làm điều lành, không làm điều ác, đạo Phật gọi là thương mình, còn gọi là yêu mến tự ngã (attakàmeti). Mà thương mình như thế tức là thương người, vì lẽ người có tu tập, không làm những việc có hại cho bản thân , cũng có nghĩa là không làm những việc gây tổn hại cho người khác. Thương mình mà làm điều xấu ác, đối xử không tốt với người thì không phải là thương mình thực sự, mà đó chỉ là biểu hiện của cách nghĩ sai lầm và ích kỷ. Còn nói thương người, làm điều tốt cho người mà bản thân mình sống không tốt thì cũng chưa phải là thương người thực sự, vì như thế tức là không thành thực.
Đạo Phật xem cuộc đời tồn tại hỗ tương, mình và người không hề chia cách, nên thương mình, làm điều tốt cho mình, không làm điều xấu ác, cũng chính là thương người, mang điều tốt đến cho người và ngược lại. Hiểu như thế thì thương mình, làm điều tốt cho mình, không làm điều xấu ác, chính là thương người, làm điều tốt cho người, cũng chính là thương mình vậy. Trong đời sống hàng ngày, Đức Phật khuyên mọi người nên trao tặng cho nhau “món quà an tịnh” (santam upahàram), ngụ ý một nếp sống biết thương mình và thương người bằng cách nỗ lực làm mọi điều tốt lành, tránh xa các điều xấu ác, trong ý nghĩ, trong lời nói cũng như trong việc làm. Vậy nên, chưa nói chi đến thương người, hãy học thươngminh trước. Phải biết thương mình trước rồi mới nói đến thương người,Nghe có vẻ không cao thượng cho lắm, nhưng bài học căn bản của lòng thương người bắt nguồn từ việc biết thương mình. Đức Phật chúng nghiệm sự thật về tự thân và nói cho chúng ta biết thế này:
Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy.
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người(1).
Thế nào là biết thương mình, “biết yêu mến tự ngã?”. Câu chuyện đàm đạo sau đây giữa vua Pasenadi nước Kosala và Đức Phật(2) nói cho ta biết ai là người biết thương mình, yêu mến tự ngã; cũng có nghĩa là biết thương người, khkông hại tự ngã của người khác.
Bach Thế Tôn, khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con. “Đối với những ai, tự ngã là thân ái? Đối với những ai, tự ngã là kẻ thù?”. Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
“Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống nghĩ ác”; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ Như vậy. Do vậy, tự ngã của họ là kẻ thù.
Những ai sống thân thiện làm thiện, ,sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện”(4), đối với họ, tự ngã là thân ái.Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì saovậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái”.
- Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm ác..Do vậy, đối với họ,tự ngã là kẻ thù. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm thiện…do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái.
Nếu những ai biết được,
Tự ngã là thân ái,
Họ sẽ không liên hệ,
Với các điều ác hạnh,
Khó được chơn hạnh phúc,
Bị thần chết cầm tù,
Từ bỏ thân làm người.
Kẻ có nghiệp như vậy,
Cái gì là của mình?
Lấy cái gì đem đi?
Cái gì theo dõi họ,
Như bóng theo dõi hình?
Ở đây kẻ bị chết,
Làm các nghiệp công đức,
Làm các nghiệp ác đức,
Lấy cả hai đem đi,
Cả hai của kẻ ấy,
Như bóng theo dõi hình,
Cả hai theo kẻ ấy,
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Là hậu cứ cho người.
Chú thích:
1. Kinh Mallika, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh thân ái, Tương Ưng Bộ.
3. Nghĩa là sát sinh, trộm cắp, tà dâm (thân làm ác), nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc hại, nói lời phù phiếm, (miệng nói ác) tham lam, sân hận, hại tâm, si mê (ý nghĩ ác)
4. Từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp (thân không làm ác), từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm (miệng không nói ác), từ bỏ tham lam, từ bỏ sân hận, từ bỏ hại tâm, từ bỏ tà kiến hay si mê (ý không nghĩ ác).
Nguồn: Văn hóa Phật giáo số 36
Các tin tức khác
- Giáo pháp (29/03/2014 12:13)
- Không ở một nơi nào khác (29/03/2014 12:05)
- Người ấy là chủ (27/03/2014 10:06)
- Nhổ tận gốc phiền não (27/03/2014 9:43)
- Không nên để công việc lấy đi sự an lạc của tâm hồn (26/03/2014 3:53)
- Mức độ dấn thân (26/03/2014 3:45)
- Lâm Tế và con đường tìm đến giác ngộ (26/03/2014 3:39)
- Gương mặt của cơn giận (26/03/2014 3:52)
- Ăn uống điều độ (26/03/2014 3:49)
- Trong cõi mộng (26/03/2014 3:43)