Mong muốn hôm nay là ngày đẹp trời – không quá nắng cũng không quá ảm đạm, ra đường không bị kẹt xe và lỡ vượt quá tốc độ mà không bị cảnh sát phát hiện, đến bưu điện không phải xếp hàng chờ đợi và giải quyết mọi chuyện chỉ trong chốc lát, tiệm hang hiệu kia vẫn chưa đóng cửa và đôi giày muốn mua vẫn còn đó, chưa ai chiếm chỗ ngồi quen thuộc trong quán cà phê ấy và sẽ tìm được vài phút giây bay bổng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không. Dư thừa. Còn cả khối điều tạo nên một ngày tốt đẹp.
Mong muốn những đóng góp của mình được cấp trên quan tâm và ghi nhận, công việc làm ăn ngày càng tiến triển và không bị ai ganh ghét hay chèn ép, mau chóng tích góp được số tiền lớn và chắc chắn sẽ đi du lịch nước ngoài trong năm nay, phải giảm cân vài ký nữa hay phải tìm được cách gì đó tăng chiều cao thêm chút nữa mới thấy tự tin, người ấy phải thay đổi tính lầm lì ít nói ngay thì mình mới sống chung được, đám cưới của mình phải tổ chức thật linh đình và đãi khách trong nhà hàng thật sang trọng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không hẳn. Có thì tốt, không có cũng không sao cả.
Mong muốn sức khỏe thật tốt và không bao giờ bị bệnh tật, con cái đứa nào cũng ngoan hiền và ít nhất phải tốt nghiệp đại học, vợ chồng lúc nào cũng quan tâm nhau và không có bất cứ xung đột gì xảy ra, không ai được bội tín và gây tổn thương cho nhau, có thể hiểu hết trái tim của người thân yêu để cảm thông và giúp đỡ, trở thành một người chuẩn mực để làm gương cho kẻ khác, tâm hồn luôn được bình yên và thanh thản… Đó có phải là những nhu cầu cần thiết không? Phải, nhưng không phải hễ cái gì cần thiết là nhất thiết phải có, không có là không được hay không thể sống và hạnh phúc.
Là con người, dĩ nhiên, ai mà không mong cầu. Vì dù muốn dù không thì bản năng tự nhiên cũng thúc đẩy ta tìm tới những điều kiện an toàn và thuận lợi để sinh tồn và phát triển. Thế nhưng, ta đã mắc phải những sai lầm rất lớn trong việc mong cầu, và vô tình để nó trở thành nguyên nhân chính yếu dẫn tới mọi rắc rối và khổ đau trong đời.
Sai lầm cội rễ của mọi sai lầm, đó là ta đã tạo ra sự khác biệt đến đối lập một cách tuyệt đối giữa những ý niệm vốn tương đối như: đẹp-xấu, hay-dở, cao-thấp, sang-hèn, còn-mất… Từ đó, ta đã tạo ra cái gọi là “văn minh nhân loại” mang tính phân cực mãnh liệt, đó là luôn muốn nắm bắt những gì ưa thích và loại trừ những gì không ưa thích.
Do lầm tưởng rằng cảm giác sung sướng từ sự hưởng thụ vật chất và tinh thần (bao gồm tình cảm, danh dự và quyền lực) chính là nhu cầu cao cả nhất – tức hạnh phúc chân thật – nên thay vì chỉ tìm kiếm những điều kiện căn bản và thiết yếu thôi, thì ta lại không ngừng tích góp những thứ ấy mà bất chấp mọi phương cách.
Chính vì thói quen đeo bám những cảm xúc mới lạ và hấp dẫn, nên khi đặt ra mong cầu ta liền đồng nhất cả đời sống của mình với nó, quên hết những phẩm chất cao quý trong tâm hồn và những điều mầu nhiệm đang hiện hữu xung quanh. Đến khi những cảm xúc ấy tan biến đi, ta rơi vào lạc lõng và cô đơn mà vẫn không rõ nguyên do.
Dù biết rằng bản chất của cuộc đời là bất như ý, tức là nó vận hành theo một số nguyên tắc tự nhiên nào đó chứ không chiều theo ý muốn của bất cứ ai, thế nhưng ta lại hy vọng may mắn sẽ luôn mỉm cười với mình. Nên khi mong cầu bất thành thì ta không sẵn sàng chấp nhận, than oán, rồi tự biến mình thành nạn nhân của khổ đau.
Sai lầm không đáng mắc phải nhưng lại thường mắc phải, đó là ta không biết chắc điều mong cầu có thực sự cần thiết hay không. Cũng có khi ta đã thấy rõ giá trị thiết thực của nó, nhưng khi sở hữu được rồi thì ta lại nhận ra đó chỉ là thói quen tích góp, tâm tưởng tượng và lo lắng thái quá, hoặc cảm xúc yêu thích hay tranh đua nhất thời.
Và đến một lúc nào đó, ta lại tỉnh ngộ về giá trị không lâu bền của sự hưởng thụ bên ngoài, nên có khuynh hướng quay về nương tựa chính mình. Nhưng sai lầm vẫn cứ tiếp tục xảy ra và khổ đau vẫn chưa chấm dứt, vì ta lại đặt ra và đeo bám vào những mong cầu lớn lao khác về giá trị tâm hồn như: bình yên, thảnh thơi, nhẫn nhục, từ bi… Nghĩa là tâm mong cầu cho cái tôi vẫn nguyên vẹn, chỉ có đối tượng mong cầu là thay đổi.
Thích Minh Niệm
Các tin tức khác
- Khởi dậy những hạt giống tích cực (19/07/2016 1:37)
- Bố thí không phải để người khác yêu quý (19/07/2016 1:33)
- Thiền tập (18/07/2016 2:44)
- Có thực sự cần thiết không? (18/07/2016 2:27)
- Buông xả (17/07/2016 3:02)
- Khai thị của thiền sư Dozen (Đạo Nguyên) (17/07/2016 2:58)
- Phương thuốc chữa lành nỗi đau khổ (16/07/2016 1:39)
- Thiền để làm chủ bản thân tốt hơn (16/07/2016 1:21)
- Đạo đức là lòng quyết tâm giúp đỡ người khác (15/07/2016 2:19)
- Tốc độ của hạnh phúc là chậm rãi (14/07/2016 1:48)